Dốc sức đảm bảo đủ điện cho mùa khô
Tình hình cung ứng điện mùa khô 2013 đang khó khăn, trong điều kiện đang ưu tiên nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt để cân bằng điện phải tập trung vào các giải pháp tiết kiệm, cân đối hợp lý các nguồn sản xuất, cùng các giải pháp đồng bộ khác.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo nhiệm vụ này tại cuộc họp với các bộ, ngành trung ương, các doanh nghiệp đầu tư trong ngành điện về tình hình cung ứng điện mùa khô chiều 18-3.
Bằng mọi nguồn đáp ứng đủ nhu cầu
Theo báo cáo nhanh của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, sản xuất điện đang rất khó khăn, đặc biệt là nguồn thủy điện khi tình hình thủy văn các hồ thủy điện 2 tháng đầu năm 2013 nhìn chung xấu hơn dự kiến đầu năm. Tính đến cuối tháng 2, mực nước thượng lưu các hồ thủy điện toàn quốc đều thấp hơn so cùng kỳ năm 2012.
EVN có nhiều giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định. Tại miền Bắc, tần suất nước về hồ Sơn La đạt 62 - 89%, Thác Bà đạt 17 - 45%, Tuyên Quang 21-33%. Lưu lượng trung bình tại các hồ miền Trung như Quảng Trị, A Vương, Bình Điền, Sông Tranh 2 thấp hơn cùng kỳ năm 2012, An Khê, Sông Ba Hạ, Krong Hnăng thấp hơn từ 3- 70%. Đặc biệt, khu vực Tây Nguyên đang hạn nặng, các hồ Yaly, Pleikrông, Buôn Kuôp,… lưu lượng nước thấp hơn từ 11-84%. Các hồ thủy điện miền Nam như Đại Ninh, Đồng Nai 3, Hàm Thuận,… tần suất nước đạt 73-98%.
Thực hiện chủ trương ưu tiên cho nông nghiệp, sinh hoạt của người dân, vụ Đông Xuân vừa qua các hồ đã phải xả khoảng 5 tỷ m3. Tính đến ngày 15-3, tổng sản lượng thủy điện còn lại trong các hồ khoảng 5,8 tỷ kWh. Theo đánh giá, sản lượng thủy điện khai thác được giảm khoảng 759 triệu kWh.
Việc sụt giảm sản lượng thủy điện đang đặt ra cho EVN bài toán cân đối ở các nguồn khác đắt hơn nhằm đảm bảo cung - cầu điện cho sản xuất và đời sống nhân dân. EVN cho biết, sau cân đối hệ thống vẫn có thể cung cấp đủ cho nhu cầu nếu như không xuất hiện các tình huống bất thường về phụ tải và nguồn phát điện.
Tính đến ngày 15-3, phụ tải toàn hệ thống đạt 21,104 tỷ kWh, trung bình đạt 235 triệu kWh/ngày và tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2012.
EVN dự tính, trong những tháng mùa khô tới, hệ thống có thể phải huy động khoảng 500 triệu kWh chạy dầu, đặc biệt trong tháng 5 sẽ phải huy động khoảng 400 triệu kWh. Trong khi giá thành của nguồn điện này hiện đang rất đắt, khoảng 5.000đ/kWh.
Lường trước tình huống xấu nhất
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh tới yêu cầu mục tiêu cao nhất là đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ phát triển và đời sống đất nước, đặc biệt là trong giai đoạn mùa khô luôn căng thẳng về nguồn và đang có tình trạng thiếu nước, hạn hán ở một số khu vực.
“Năm nay, diễn biến thủy văn bất lợi, trong khi cần ưu tiên trước hết cho nước sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt là vùng hạn hán miền Trung – Tây Nguyên nên sản xuất điện gặp nhiều khó khăn hơn. Ngành điện phải dự kiến tới tình huống xấu nhất để tập trung vào các giải pháp cân đối các nguồn hợp lý, đẩy mạnh tiết kiệm và các giải pháp đồng bộ khác”, Phó Thủ tướng nói.
Bộ Công Thương chỉ đạo các nhà máy điện duy trì trực ban, theo dõi chặt chẽ thời tiết, thủy văn để tính toán, điều tiết vừa đảm bảo ưu tiên nước cho sản xuất sinh hoạt người dân, vừa đảm bảo hỗ trợ được cho thủy điện, cân đối nguồn khí sản xuất đạm để dành khí cho sản xuất điện mùa khô, đảm bảo hợp lý cung – cầu cả 2 sản phẩm thiết yếu này.
Tương tự là bài toán cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện và nếu tình huống cần thiết thì có thể phải tăng thêm kế hoạch 500 triệu kWh chạy dầu FO.
Phó Thủ tướng yêu cầu đôn đốc các dự án nguồn mới chuẩn bị đưa vào vận hành, tăng cường công tác quản lý vận hành, sửa chữa để thêm nguồn cung và duy trì độ khả dụng cao nhất đối với các tổ máy đang vận hành.
Bên cạnh đó, duy trì công tác tuyên truyền trên các phương tin thông tin đại chúng để nâng cao ý thức tiết kiệm điện, quyết liệt triển khai các chương trình, hoạt động của các đơn vị về giảm tổn thất, sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm.
Theo Chinhphu.vn