Dốc hết tâm huyết vì sức khỏe nhân dân

Thứ sáu, ngày 25/02/2022

(BDO) Nỗ lực 200% sức mình

Làn sóng dịch bệnh thứ 4 với cường độ và sự khốc liệt ngày càng tăng của biến chủng Delta đã tạo nên thách thức chưa từng có trong tiền lệ đối với hệ thống y tế tỉnh nhà; tác động sâu sắc, toàn diện đến mọi mặt kinh tế - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Bằng tình yêu nghề và tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, những “chiến sĩ” áo trắng trên địa bàn tỉnh đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, chạy đua với thời gian, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân. Tinh thần ấy được thể hiện qua hình ảnh nhân viên y tế ngất xỉu trong bộ quần áo bảo hộ nóng bức, thức trắng đêm lấy mẫu xét nghiệm, nhiều cán bộ y, bác sĩ bỏ con nhỏ cho ông bà để vào tâm dịch. Có những cán bộ y, bác sĩ 3 ngày không tắm, hạn chế uống nước, đi vệ sinh để tiết kiệm đồ bảo hộ. Trong đợt dịch này, rất nhiều cán bộ y bác sĩ, nhân viên y tế đã bị nhiễm Covid-19, có người đã vĩnh viễn ra đi khi vẫn tràn đầy hoài bão và cháy bỏng khát vọng cống hiến. Đọc thư chia buồn của Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hồng Chương gửi gia đình nữ hộ sinh Dương Nguyễn Thùy Trinh hy sinh khi làm nhiệm vụ mà đẫm nước mắt.

Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh hướng dẫn công tác tiêm chủng an toàn tại một điểm tiêm

Vào thời điểm dịch bệnh diễn biến căng thẳng, nguy hiểm, số ca mắc tăng theo cấp số nhân gây quá tải cho ngành y tế khiến bản thân bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế và nhiều cán bộ, nhân viên y tế gặp rất nhiều khó khăn, áp lực nhưng vẫn luôn nỗ lực làm việc 200% sức mình. TX.Tân Uyên là tâm dịch của tỉnh, khi nhận nhiệm vụ ở đây, bác sĩ Chín cùng các đồng nghiệp đã trải qua nhiều đêm trắng xử lý các ổ dịch phức tạp, kìm hãm tốc độ lây nhiễm của chủng Delta, điều tiết, phân tầng điều trị bệnh nhân, tổ chức xét nghiệm, tiêm vắc xin; cùng với đó là trực, trả lời thông tin đường dây nóng với hàng trăm cuộc gọi, tin nhắn mỗi ngày.

Bác sĩ Huỳnh Minh Chín trải lòng: “Trải qua những ngày tháng không thể nào quên trong tâm dịch, với lương tâm, trách nhiệm của người thầy thuốc, tôi luôn tâm niệm đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết và dành tất cả tâm lực, thời gian để góp phần khống chế dịch bệnh, đưa cuộc sống người dân trở về trạng thái bình thường mới”.

Tiếp tục sự nghiệp vì sức khỏe nhân dân

Phát biểu trong cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh vừa qua, ông Nguyễn Lộc Hà, Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết hơn 6 tháng chiến đấu với dịch bệnh là khoảng thời gian thật sự khó khăn và đầy thử thách trong lịch sử của ngành y tế tỉnh nhà nói riêng và trong toàn tỉnh. Cùng một lúc, ngành y tế phải thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ: Thần tốc chống dịch, xét nghiệm, tầm soát hạn chế số lượng ca mắc, điều trị giành giật sự sống cho các bệnh nhân, giảm thiểu số ca tử vong, đẩy nhanh tốc độ bao phủ vắc xin cho người dân bảo đảm hiệu quả, an toàn. Bên cạnh đó, ngành còn tiếp tục củng cố vững chắc thành trì chống dịch tại các địa phương không có dịch và duy trì công tác chăm sóc sức khỏe, khám, điều trị bệnh cho người dân.

“Để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người dân, các y bác sĩ đã tạm gác lại niềm vui riêng, chung sức, đồng lòng cùng chính quyền đẩy lùi dịch bệnh. Người thầy thuốc hơn lúc nào hết là những chiến sĩ tiên phong, không ngại hiểm nguy, vất vả đến tuyến đầu chống dịch Covid-19. Đây là hành động đẹp, đầy tính nhân văn lan tỏa trong xã hội, góp phần kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước”, ông Nguyễn Lộc Hà nói.

Bàn về giải pháp chống dịch trong thời gian tới, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, cho biết ngành y tế sẽ tiếp tục chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với dịch Covid-19, đặc biệt là với biến chủng Omicron; xây dựng, hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở để đi vào hoạt động thực chất, có hiệu quả. Trước mắt, ngành đẩy   mạnh chiến dịch tiêm chủng vắc xin, chỉ có vắc xin mới bảo vệ được sức khỏe, tính mạng của người dân. Hiện các đơn vị y tế cấp huyện đang nghiên cứu, đầu tư xây dựng ít nhất một cơ sở thu dung, điều trị F0 theo mô hình tháp 3 tầng ngoài các trung tâm y tế hiện có.

Ngành cũng nâng cao hiệu quả công tác điều trị của Khu điều trị ICU cho F0 nặng để giảm thiểu tử vong. Trạm y tế truyền thống và trạm y tế lưu động buộc phải có giường lưu bệnh, bảo đảm các loại vật tư, trang thiết bị, thuốc điều trị, oxy y tế… và các điều kiện cần thiết khác để ứng phó với các cấp độ dịch. Đặc biệt để hỗ trợ cho y tế tuyến cơ sở, ngành cũng phấn đấu đưa vào hoạt động Trung tâm cấp cứu ngoại viện theo Đề án Thành phố thông minh Bình Dương; sắp xếp, tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng nhân lực y tế để phát huy hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được đầu tư, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

Làn sóng dịch bệnh thứ 4 với cường độ và sự khốc liệt ngày càng tăng của biến chủng Delta đã tạo nên thách thức chưa từng có trong tiền lệ đối với hệ thống y tế tỉnh nhà; tác động sâu sắc, toàn diện đến mọi mặt kinh tế - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Bằng tình yêu nghề và tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, những “chiến sĩ” áo trắng trên địa bàn tỉnh đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, chạy đua với thời gian, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân.

HOÀNG LINH

Từ khóa: