Độc đáo tranh sơn mài làm từ... vỏ cây

Thứ ba, ngày 17/01/2012

 

“Bén duyên” từ thuở thiếu thời

Sinh trưởng trong một gia đình có đến 8 người con, cha mẹ không có đất để chia cho con làm của thừa kế, nhà lại nghèo nên mới 12 tuổi, ông Thanh đã bắt đầu đi học vẽ tranh sơn mài ở xưởng của người anh họ. Sau 2 năm, con chữ vẫn là thứ mà ông say mê từ bé, bao nhiêu tiền kiếm được sau quãng thời gian đó, ông giành hết để mua tập sách tiếp tục được đến trường. Nhưng rồi gia cảnh lúc đó nghèo quá, ông đành xin cha cho phép được buổi đến trường, buổi đi làm thêm ở xưởng vẽ. Với dáng người nhỏ thó nhưng năm 14 tuổi, chủ xưởng thấy ông có khiếu vẽ đã giao cho ông làm nhóm trưởng của cả chục người. Với trí thông minh và sự ham học hỏi, năm 16 tuổi ông đã tự ý thức được việc rèn giũa cây cọ, nâng cao tay nghề bằng cách lên đất Sài thành tìm cơ hội phấn đấu... 

Những chất liệu vỏ cây, gáo dừa, tre, mây... được cẩn lên tranh sơn mài vừa độc đáo vừa có độ bền đẹp

Thăng trầm với nghề

Làm việc trên đất Sài thành chưa được bao lâu thì năm 1975, hoàn cảnh xã hội xảy ra nhiều thay đổi khiến ông trở nên thất nghiệp, phải về quê đi làm thuê, làm mướn. Một năm không cầm đến cây cọ quen thuộc nhưng trong tâm trí ông khi đó chưa từng có suy nghĩ bỏ nghề, luôn cố gắng gắn bó với cái nghề mà cha ông để lại, tận dụng những gì mà người đi trước đã gây dựng để xây dựng và phát triển.

Năm 1980, ông bắt đầu mở tổ hợp sơn mài xuất khẩu Thanh Liêm (phường 8, quận 3, TP.HCM) với 3 xưởng và 160 nhân công. Tuy đã là người trong nghề nhưng khi mở xưởng và trở thành người làm chủ, ông Thanh buộc phải suy nghĩ, bỏ thời gian, tiền bạc để đầu tư cho công việc của mình. Hồi tưởng lại những ngày đầu mở xưởng, ông nhớ hàng đêm không ngủ được, cứ trăn trở hoài rằng tại sao tranh sơn mài lúc nào cũng chỉ là tùng - cúc - trúc - mai mà không phải là cái khác, phải tìm cách đột phá thì mới thành công được. Rồi may mắn bắt đầu đến với ông khi có vị khách Tây nọ muốn đặt làm một bức tranh chân dung (cỡ 40x60cm) bằng vỏ ốc với số tiền tới 5 chỉ vàng (1980), sau nhiều đêm trăn trở, bức tranh đầu tiên đã được giao dưới sự hài lòng của người khách nọ. Rồi có Việt kiều Pháp về ký hợp đồng đặt hàng, xưởng sản xuất được bao nhiêu là hàng bán hết bấy nhiêu. Tranh chân dung cẩn ốc với nhiều kích cỡ khác nhau và đa phần là những hình ảnh rất được ưa chuộng... Suốt quãng thời gian từ 1980-1988 có thể coi là thời kỳ hoàng kim của xưởng sơn mài Thanh Liêm. Dù vậy, năm 1989, khối Đông Âu sụp đổ đã làm hàng trăm cơ sở, doanh nghiệp Việt đang làm ăn bỗng chốc trắng tay. Sơn mài Thanh Liêm không ngoại lệ. Đơn đặt hàng lớn nhưng hàng hóa bị đình trệ, không thể xuất đi. Vốn liếng, tài sản gần 200 cây vàng tích cóp của vợ chồng ông theo sơn mài mà mất trắng.

Phải sáng tạo mới thắng!

Sóng gió khi gây dựng cơ nghiệp ở đất Sài thành đã đưa gia đình ông Bùi Văn Thanh trở về với quê hương, về với cái nôi của làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp vào năm 2002. Cơ sở sản xuất sơn mài xuất khẩu Thanh Long ban đầu chỉ gồm 7 người, chẳng mấy chốc lượng đơn đặt hàng đã ngày một nhiều hơn, số người làm cũng tăng lên 80 - 90 người. Với ước vọng muốn tạo nên sự đột phá cho sản phẩm, luôn muốn đi một hướng đi riêng và không muốn đụng chạm với những mặt hàng khác vì “sản phẩm giống nhau thì cả mình và các xưởng khác cũng đều khó sống”. Trước những suy nghĩ đó, ông mày mò nghiên cứu, thử nghiệm, phân tích các loại nguyên liệu mới để làm tranh sơn mài như: tre, mây, vỏ cây, gáo dừa. Do đây là những chất liệu mới nên khó khăn ban đầu như làm bằng chất liệu sơn công nghiệp rất dễ bị hư nhưng bằng niềm đam mê và quyết tâm ông đã cố gắng khắc phục dần từng lỗi nhỏ, nghiên cứu chỉ làm được bằng sơn ta Phú Thọ, Nam Giang. Đó là loại sơn tự nhiên, không qua tinh chế, khi làm bằng chất liệu sơn truyền thống, sản phẩm có độ bền màu cao và đẹp. Nói về những chất liệu như gáo dừa, vỏ cây, tre... ông cho rằng đây là những thứ nguyên liệu sẵn có, dễ kiếm, thân thiện với môi trường và thậm chí không tốn chi phí để mua nguyên liệu nhưng khi thành sản phẩm lại tạo ra sự bền đẹp với gam màu ấm áp, gần gũi. Khi cẩn những chất liệu này lên với sự kết hợp của nhựa, vải, sơn... để làm bình vẫn có thể sử dụng tốt và bền chẳng thua kém gì đồ gốm sứ.

Nói về sự mai một của làng nghề, ông chia sẻ rằng “hiện ngành sơn mài Tương Bình Hiệp đã tồn tại được cả trăm năm và không chỉ xây dựng thương hiệu trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài với số lượng lớn cộng với sự quan tâm sâu sát của địa phương nên đang trên đà ổn định, phát triển. “Cá nhân tôi rất hy vọng nó sẽ là ngành thu hút được tầng lớp trẻ theo nghề và tôi sẵn sàng truyền nghề lại cho các thế hệ đi sau nếu họ là những người dám làm và yêu nghề bằng tất cả những gì mà tôi tâm huyết nhất...”.

THANH LÊ