Độc đáo thánh đường người Chăm Hồi giáo

Thứ hai, ngày 28/11/2011

Thứ sáu hàng tuần hoặc tháng Ramadan người Chăm theo đạo Hồi ở ấp Hòa Lộc (Minh Hòa, Dầu Tiếng) tập trung vào Thánh đường (TĐ) để đọc kinh Koran theo giáo luật và nghe giảng đạo lý. TĐ được xây dựng không chỉ là nơi kết nối cộng đồng Chăm, mà còn là “điểm nhấn” để mọi người hiểu hơn về phong tục tập quán, đạo lý sống của người đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) Chăm.   TĐ Hồi giáo của người Chăm tại Minh Hòa, Dầu Tiếng

Kiến trúc độc đáo

“Làng Chăm đạo Hồi” tọa lạc bên cạnh lòng hồ Dầu Tiếng, phần lớn những người dân sinh sống tại đây có nguồn gốc từ Chăm Châu Đốc, An Giang di cư đến đây khai hoang rồi lập nghiệp vào thập niên 80. Cuộc sống ban đầu tuy vất vả và khó khăn, nhưng bằng ý chí và sức lao động của mình, mọi người động viên nhau dựng lều, làm nhà, khai phá thiên nhiên để tìm đường mưu sinh. Khi kinh tế tương đối ổn định, người ĐBDTTS Chăm càng tăng và ước mơ có một TĐ để sinh hoạt. Năm 2007, được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương, Hội Từ thiện “Shiekh Abdulla al Noury” (Ả Rập) và người dân quyên góp, TĐ (theo tiếng Chăm là “Thang Mugik” hay gọi là chùa) đã được xây dựng.

“TĐ được xây dựng đã đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của ĐBDTTS Chăm tại Minh Hòa. Thông qua TĐ, con, cháu người Chăm chúng tôi có thể hiểu hơn về tín ngưỡng, bản sắc văn hóa dân tộc đã được cha ông gây dựng từ ngàn năm”, anh A Zít, người Chăm tại “Làng Chăm đạo Hồi” nói.

Nhìn từ ngoài vào, TĐ có cổng quay về hướng Nam, cổng không bao giờ đi thẳng như các cổng làng, xây dựng như vậy với mục đích để người đến với TĐ phải đi vòng sang trái rồi sau đó mới vào được bên trong. Đây là một nét đặc biệt bắt nguồn từ bối cảnh kiến trúc chung của người Chăm cổ. TĐ của người Chăm Hồi giáo thường được xây không cao lắm nhưng rất kiên cố, chất liệu chính được làm bằng gạch, ngói và dùng nhiều cột bằng gỗ. Hai bên hông là hai hành lang rộng, có nhiều cửa sổ được làm bằng gỗ hoặc bằng sắt. Mặt chính của TĐ là bàn lễ được làm bằng kính có hoa văn. Phía trong, chính là quyển kinh Thánh Koran. Lý giải về kiến trúc TĐ, ông Kho Sanh, Phó giáo cả - Ban Quản trị TĐ Hồi giáo Minh Hòa cho biết: “Do Hồi giáo du nhập vào xã hội Chăm từ thế kỷ XVII thông qua con đường giao thương của người phương Tây. Bởi vậy, kiến trúc xây dựng cũng được xây dựng theo kiến trúc của người Hồi giáo Tây phương”.

Nơi giáo dưỡng đạo lý sống

Hiện toàn ấp Hòa Lộc (Minh Hòa) có 87 hộ ĐBDTTS Chăm với hơn 300 nhân khẩu. Nhờ được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương nên đời sống đồng bào dân tộc Chăm đã dần ổn định. 100% hộ dân đều có điện sử dụng, có nước sạch để dùng. Đường vào trung tâm làng Chăm được nâng cấp, mở rộng. 100% con em đến tuổi đi học đều được đến trường. Hiện làng Chăm đã có 50% số hộ có mức sống khá, còn lại là trung bình, không còn hộ nghèo. Bên cạnh sự phát triển về kinh tế, tình hình an ninh trật tự tại “Làng Chăm đạo Hồi” cũng được đánh giá cao. “Từ trước đến nay, người dân trong “Làng Chăm đạo Hồi” sống rất hòa nhã, yêu thương, đoàn kết lẫn nhau, chưa bao giờ xảy ra vụ trộm cướp hoặc làm mất an ninh trật tự”, ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hòa, khẳng định.

Để có những kết quả như ngày nay, phải kể đến sự cố gắng, nỗ lực “vun đắp” đạo lý sống của Ban Quản trị TĐ, những người lớn tuổi trong làng. Theo tìm hiểu của người viết, vào những ngày thứ sáu hàng tuần, mọi người trong làng đều đến TĐ làm lễ. Tại đây, mọi người cùng nhau đọc kinh Koran, nghe đạo lý.  Đặc biệt, vào tháng Ramadan, mọi người vào TĐ hành lễ 5 lần mỗi ngày và để thực thi nghĩa vụ giáo luật là “ép xác” ăn chay và thường xuyên nghe giảng. Sau những giờ hành lễ, mọi người ngồi lại trong TĐ để cùng nhau trao đổi kiến thức, tại đây không có một cá nhân nào giảng giáo mà Giáo cả hoặc Phó Giáo cả đưa ra một vấn đề, mọi người thay phiên nhau nêu lên sự hiểu biết của mình về một vấn đề đó. Họ cùng nhau mổ xẻ tìm ra cái đúng, cái sai để cùng nhau hành đạo.

Theo ông Kho Sanh, mỗi năm người theo Hồi giáo sẽ ăn chay 1 tháng. Tháng chay Ramadan có nghĩa là không ăn, không uống, không hút thuốc... không được đưa bất kể thứ gì vào miệng, nhưng chỉ áp dụng vào ban ngày, cụ thể là từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn, buổi tối có thể ăn uống thoải mái. Trong tháng chay không đơn thuần chỉ là thực hiện nghi thức của giáo luật mà nó còn thể hiện tính giáo dục đạo đức, răn đe cho mỗi người. Nhịn ăn, uống là để có sự thông cảm với những người nghèo đói, những đồng đạo còn chưa đủ ăn, đủ mặc; đồng thời, rèn luyện cho con người một sự tiết chế, chống những cám dỗ vật chất. Bởi vậy, bất kỳ người theo đạo Hồi chân chính nào đều không bao giờ muốn làm ai khổ, ai ai đều sợ làm người khác đau.

THIÊN LÝ