Độc đáo “Phòng Hoài niệm” trong trường học
(BDO) Nhằm giáo dục cho học sinh những giá trị nhân văn, truyền thống văn hóa dân tộc, tại trường Tiểu học Tuy An (phường An Phú, TP.Thuận An) có một mô hình không chỉ tạo ấn tượng cho học sinh mà còn nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phụ huynh. Đó là “Phòng Hoài niệm”, nơi gìn giữ và lan tỏa những giá trị truyền thống cho học sinh.
Nơi giữ gìn những giá trị truyền thống
Bước vào “Phòng Hoài niệm” của trường Tiểu học Tuy An, điều làm chúng tôi ngạc nhiên đó là dù diện tích chỉ khoảng 20m2 nhưng lưu trữ nhiều đồ vật chứa đựng những ký ức xưa của ông cha. Khi bước vào “Phòng Hoài niệm”, những ký ức tuổi thơ của mỗi người như hiện về bởi chiếc tivi đen trắng, bàn máy may hay những ấm nước ông bà để lại.
Một tiết học tại “Phòng Hoài niệm” của cô và trò trường Tiểu học Tuy An
Vừa hướng dẫn chúng tôi tham quan “Phòng Hoài niệm”, thầy Hồ Tấn Tài, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tuy An, cho biết từ khi lên ý tưởng đến khi hoàn thiện phòng hoài niệm này nhà trường mất hơn 1 tháng và kịp hoàn thành để đưa vào sử dụng trong năm học mới. Những vật dụng từ gốm, đất nung hay các đồ dùng khác đã được nhà trường sưu tầm thông qua giáo viên và phụ huynh học sinh.
Ở phòng hoài niệm này, ngoài việc được tận mắt nhìn thấy những vật dụng cổ xưa, các em học sinh còn biết được truyền thống dạy và học của trường, biết về lịch sử của Bình Dương, nơi các em được sinh ra và lớn lên.
Mô hình “Phòng Hoài niệm” của trường được trang trí và trình bày theo 6 chủ đề, gồm: Lịch sử hình thành nhà trường; các ngành nghề truyền thống và phương tiện đi lại; các trò chơi dân gian; truyền thống nấu bếp của ông bà; trải nghiệm máy may thuở trước; tìm hiểu giá trị và công dụng các vật dụng cũ xưa.
“Một trong những thuận lợi của nhà trường đó chính là được sự ủng hộ nhiệt tình của phụ huynh. Kể từ khi lên ý tưởng tới nay, phụ huynh của nhà trường cũng tích cực tham gia tìm kiếm, sưu tầm và ủng hộ những đồ dùng thời xưa cho nhà trường. Qua mô hình này nhằm giáo dục cho học sinh thế hệ hôm nay và mai sau lòng yêu quê hương, đất nước, tự hào về lịch sử truyền thống dân tộc xưa mà ông cha đã gầy dựng nên. Đó cũng chính là một thông điệp, quyết tâm lớn của tập thể đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường, truyền đi những tín hiệu tích cực, thể hiện nỗ lực không ngừng thực hiện những yêu cầu đổi mới chương trình GDPT 2018”, thầy Hồ Tấn Tài cho biết thêm.
Tạo hứng thú trong dạy và học
Theo thầy Hồ Tấn Tài, “Phòng Hoài niệm” được nhà trường đưa vào sử dụng trong năm học 2023-2024 nhằm triển khai tổ chức giáo dục kỹ năng sống, giáo dục truyền thống lịch sử, giá trị lao động… cho học sinh thông qua các môn học và các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, với sự tham gia của giáo viên chủ nhiệm. Sau mỗi tháng, trường tổ chức họp rút kinh nghiệm và thường xuyên tu bổ thêm vật dụng để việc tổ chức thực hiện mô hình ngày càng hiệu quả hơn, hấp dẫn, thu hút phụ huynh và học sinh tham gia. Hàng ngày, trường tổ chức cho các lớp tham quan thực tế gắn với tiết học trải nghiệm của các lớp và lồng ghép môn học, tiết học phù hợp nội dung bài học.
Các em học sinh hào hứng, thích thú với những vật dụng truyền thống
Cô Nguyễn Thị Xuyến, giáo viên trường Tiểu học Tuy An, cho biết: “Dù “Phòng Hoài niệm” mới hoàn thành nhưng học sinh nhà trường đều rất háo hức mỗi khi xuống phòng học tập và tham quan thực tế. Tùy vào nội dung học tập, mỗi tháng tôi sẽ sắp xếp đăng ký cho các em học sinh của lớp xuống tham quan phòng 1 - 2 lần. Mỗi lần xuống tham quan, các em học sinh đều hào hứng với tiết học.
“Phòng Hoài niệm” thực sự rất bổ ích cho các em học sinh cũng như giáo viên chúng tôi. Thông qua những tiết học tại đây giúp các em có ý thức hơn trong việc bảo tồn, gìn giữ những vật dụng có giá trị và hiểu biết thêm về lịch sử nhà trường. Từ đó các em biết trân quý, phát huy những cái hay, cái đẹp của các ngành nghề truyền thống, vật dụng ngày xưa…”.
Mỗi vật dụng đều chứa đựng những giá trị lịch sử và có ý nghĩa giáo dục khác nhau. Từ những đồng tiền cổ đến những chiếc tivi, máy may cổ hay những bình bi đông đựng nước… được trưng bày trong “Phòng Hoài niệm” đều tạo nên những điều thú vị cho các em học sinh mỗi khi đến đây.
Em Đinh Khả Ngân, học sinh lớp 1.6, chia sẻ: “Em rất thích “Phòng Hoài niệm”. Nhờ đó mà em biết được nhiều vật dụng từ thời xa xưa như thế nào. Em mong sẽ có thêm nhiều tiết học như thế này nữa để chúng em có cơ hội tìm hiểu nhiều hơn về truyền thống cũng như lịch sử của cha ông ta”.
Là một mô hình mới chắc chắn sẽ còn phải hoàn thiện hơn. Với cách làm sáng tạo này, mong rằng mô hình sẽ được nhân rộng, để “Phòng Hoài niệm” trở thành nơi giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh. Đồng thời, thông qua mô hình này giáo dục cho học sinh tinh thần yêu quê hương, đất nước, biết trân quý những thành quả mà ông bà ta đã để lại và lưu truyền những giá trị tốt đẹp cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
HỒNG PHƯƠNG - KHẮC THỊNH