Doanh nhân trẻ tìm cách vượt qua đại dịch
(BDO) Tình hình dịch bệnh kéo dài trong thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tất cả mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt các doanh nghiệp còn non trẻ. Đứng trước những sóng gió lớn này, các doanh nhân trẻ đã nỗ lực chèo lái doanh nghiệp của mình vượt qua đại dịch.
Anh Khải Hoàn nỗ lực vượt khó trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh
“Nắm tay nhau” đi qua mùa dịch bệnh
Gần 1 giờ sáng, chị Phan Thị Diễm Quỳnh, chủ hệ thống sỉ - lẻ thời trang Phan Quỳnh (TP.Thủ Dầu Một) mới sắp xếp xong mọi việc và ăn vội bữa cơm tối. Quỳnh chia sẻ: “Em quen rồi, ngày nào cũng tầm 23 giờ khuya mới dùng cơm. Hôm nay có việc nên trễ hơn thường ngày. Những ngày dịch bệnh để duy trì cửa hàng vượt qua đại dịch em phải làm nhiều việc hơn ngày thường”. Diễm Quỳnh có 4 cửa hàng thời trang và 1 cửa hàng bán trà sữa, bánh các loại. Thực hiện việc giãn cách xã hội, Quỳnh đóng cửa tất cả các cửa hàng để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh. “Em biết bán thêm ít ngày, kiếm thêm ít tiền là rất cần thiết cho em lúc này để chi trả các khoản chi phí, nhưng ngược lại tình hình sức khỏe cộng đồng, nhân viên, những người thân trong gia đình và ngay cả bản thân em là quan trọng hơn. Em đắn đo suy nghĩ, thậm chí là dằn vặt bản thân để suy nghĩ làm gì tốt nhất cho mọi người. Chỉ mong mọi người tiếp tục ủng hộ để Phan Quỳnh vượt khó trong giai đoạn này và quan trọng nhất là mong dịch bệnh mau chóng được dập tắt để tất cả được trở lại cuộc sống bình thường”.
Được biết chuỗi hệ thống thời trang của Quỳnh những năm qua thành công từ việc bán offline (khách hàng trực tiếp đến cửa hàng mua sản phẩm) nhưng từ những ngày dịch bệnh bùng phát, khi các cửa hàng phải đóng cửa thì Quỳnh đã chuyển đổi hình thức kinh doanh sang bán online bằng những buổi livestream trên mạng xã hội Facebook để tương tác với khách hàng. Mặc dù doanh thu giảm đáng kể so với trước nhưng bà chủ shop quyết không nản lòng và tiếp tục suy nghĩ, tìm hướng đi mới để giúp chuỗi cửa hàng vượt qua đại dịch.
Theo đó, Quỳnh đã chọn lọc những mặt hàng sát với nhu cầu thực tiễn của khách hàng. Nếu như trước đây cửa hàng kinh doanh tất cả các mặt hàng thời trang nữ và trẻ em, thì nay Quỳnh chủ yếu tập trung cho mặt hàng đồ mặc ở nhà vì tình hình dịch bệnh khách hàng không có nhu cầu mua các trang phục đi làm, đi chơi mà chọn trang phục mặc ở nhà, cùng với đó các mặt hàng thiết yếu cho trẻ em, các mặt hàng sữa tắm, dầu gội, mỹ phẩm là không thể thiếu trong đời sống hàng ngày… Đồng thời, Quỳnh tiếp tục duy trì việc kinh doanh trà sữa, bánh các loại để bán mang về, đáp ứng nhu cầu ăn uống tại nhà cho khách hàng.
Đặc biệt Quỳnh đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi cho khách hàng, như: Các chương trình sale giảm giá, miễn phí giao hàng tận nơi… Mặt khác, việc làm rất nhân văn ở cô chủ này đó là quyết định giữ lại tất cả nhân viên của cửa hàng, điều mà các doanh nghiệp rất khó duy trì được hiện nay. Quỳnh nói: “Nếu như trước đây nhân viên có thể làm trung bình 200.000 đồng mỗi ngày thì với tình hình hiện nay tiền lương sẽ thấp xuống, em đã sắp xếp công việc hợp lý cho các bạn khi chuyển đổi sang hình thức kinh doanh online chứ không cắt giảm một nhân viên nào cả, bởi ngay lúc này mọi người đều rất cần việc làm. Bạn nào xa quê, có hoàn cảnh khó khăn thì em cho các bạn ở luôn tại shop để giảm chi phí tiền thuê trọ. Tụi em sẽ quyết tâm cùng nắm tay nhau đi qua mùa dịch”.
Giữ vững tay chèo
Cũng gặp khó khăn như Diễm Quỳnh khi việc sản xuất, kinh doanh của anh Nguyễn Khải Hoàn, chủ xưởng may đồ thể thao tại xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng không được thuận lợi. Các đơn hàng sụt giảm do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, thu nhập thấp các thợ may đã nghỉ làm tại xưởng để xin vào làm việc ở các công ty hoặc tìm công việc mới phù hợp hơn. Mấy tháng nay chỉ còn một mình Hoàn xoay xở mọi việc từ trong ra ngoài nên anh khá vất vả. Hoàn bộc bạch: “Thời điểm này hàng không bán được, lợi nhuận của mình thực sự cũng không đủ trả lương cho thợ, vì thế một mình tôi thì chỉ có thể nhận những đơn hàng nhỏ lẻ rồi túc tắc làm qua dịch mới gầy dựng lại”.
Theo chị Phạm Thị Hồng Nhung, Phó Giám đốc Công ty TNHH Bao bì Vĩnh Thành, TX.Tân Uyên, khó khăn hiện tại các doanh nghiệp đều gặp phải là giá nguyên vật liệu tăng cao đáng kể, chuỗi cung ứng bị đứt gãy ảnh hưởng đến giá thành và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Để vượt khó trong giai đoạn này, các doanh nghiệp cần tìm nguồn nguyên vật liệu thay thế và nhiều nguồn cung cấp để bảo đảm giá ưu đãi, cạnh tranh. Ngoài ra, cần phải tìm kiếm thị trường mới, thị trường ngách để có hướng đi mới. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp cũng chuyển hướng kinh doanh một lúc nhiều loại ngành nghề, đa dạng ngành nghề để tạm thời vượt qua đại dịch. Đó cũng là hướng đi đổi mới, sáng tạo của các doanh nghiệp trẻ; đồng thời tận dụng các chính sách ưu đãi của Nhà nước, sự hỗ trợ của các hiệp hội, ngành hàng đối với các doanh nghiệp hội viên, giúp doanh nghiệp giảm bớt phần nào khó khăn. Trong thời điểm dịch bệnh phức tạp hiện nay, các doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ vào quản lý điều hành vừa an toàn, vừa giảm chi phí vận hành.
Chia sẻ về tình hình của doanh nghiệp hiện tại, chị Nhung nói: “Điều lo ngại nhất vẫn là tình hình lây lan dịch bệnh, bởi lực lượng công nhân nhiều nên cũng lo sự tiếp xúc của công nhân ở khu trọ khiến tình hình phức tạp. Vì thế, về phía công ty đã chủ động khử khuẩn, trang bị máy đo nhiệt độ, phát khẩu trang y tế và cho công nhân khai báo y tế mỗi ngày…”.
Mong rằng, tình hình khó khăn hiện nay không làm nản lòng các bạn trẻ trên con đường khởi nghiệp, lập nghiệp.
NGỌC NHƯ