Doanh nhân Nguyễn Thị Hồng Vân: Người nặng lòng với nghề gốm
(BDO) Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân gốm sứ Đại Hồng Phát (TX.Thuận An), doanh nhân tiêu biểu tỉnh Bình Dương năm 2016 - là người có duyên với nghề gốm. Bằng sự ham học hỏi và năng động, bà Vân đã đưa tên tuổi doanh nghiệp tư nhân Đại Hồng Phát nổi danh trên thị trường xuất khẩu gốm sứ.
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân (thứ 2, từ phải sang) đang hướng dẫn công việc cho công nhân Ảnh: P. HIẾU
Ngã rẽ bất ngờ
Trước năm 1998, bà Vân chỉ là doanh nhân chuyên kinh doanh máy móc, thiết bị, trong đó có các máy móc làm gốm, sứ, cung cấp cho các công ty tại Bình Dương. Từ nghề này, nhân duyên đã đưa bà Vân đến với nghề gốm sứ. Thông qua khách hàng đặt mua máy móc, thiết bị, đối tác đã đề nghị bà làm thêm sản phẩm gốm gia dụng và đặt hàng trực tiếp với bà. Thời điểm bấy giờ, nghề làm gốm tại Bình Dương phát triển mạnh với hàng chục công ty ra đời thay cho kiểu làm gốm truyền thống gia đình.
Tự học hỏi, mày mò nghiên cứu từ những người đi trước, lô hàng gốm gia dụng đầu tiên của doanh nghiệp xuất sang thị trường châu Âu thành công càng làm bà Vân tin tưởng ngành gốm chính là nhân duyên của mình. Từ đó, bà Vân đã đầu tư mạnh vào máy móc, sáng tạo mẫu mã đa dạng cho chủng loại hàng gốm gia dụng. Hơn 3 năm sau, Đại Hồng Phát đã thực sự lớn mạnh khi mọi công đoạn sản xuất đến tiêu thụ đi vào nề nếp.
Lãnh đạo một doanh nghiệp gốm sứ, bà Vân luôn khuyến khích cán bộ, công nhân viên của mình tự học để nâng cao tay nghề. Chính vì thế, những người thợ làm gốm chịu khó học hỏi và trau dồi chuyên môn luôn được doanh nghiệp trả cho mức lương và thưởng xứng đáng. Bên cạnh đó, Đại Hồng Phát cũng phát triển theo một hướng riêng biệt (hướng đến sản phẩm tiêu dùng). Đến nay, Đại Hồng Phát đã tạo ra hàng ngàn mẫu sản phẩm khác nhau và tung ra thị trường hàng triệu sản phẩm gốm sứ đặc trưng, có màu men bóng mượt. Đại Hồng Phát đã xuất hàng ngàn lượt hàng sang các nước châu Âu, Nhật Bản và Mỹ. Trong khi đó, thị trường nội địa cũng là một kênh bán hàng quan trọng mà Đại Hồng Phát đã đứng vững và phát triển từ nhiều năm qua. Sản phẩm gốm, sứ của Đại Hồng Phát hiện đã có mặt tại hàng chục quốc gia trên thế giới. Cùng với các tên tuổi như Minh Long, Cường Phát, Phước Dũ Long…, Đại Hồng Phát đã tạo ra uy tín lớn cho làng gốm truyền thống Bình Dương trên cả nước.
Nhiều trăn trở
Những năm gần đây, ngành gốm sứ của Bình Dương phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là phải cạnh tranh khốc liệt với các mặt hàng này từ Trung Quốc, Thái Lan. Hiện nay, số công ty gốm sứ trong nước đủ sức cạnh tranh trên thị trường không còn nhiều. Điều đáng nói, bên cạnh đang chịu sức ép phải sáng tạo mẫu mã, chất men thường xuyên, nay các doanh nghiệp gốm sứ trong nước lại đang gặp trở ngại đến từ Thông tư 130/TT-BTC của Bộ Tài chính vừa ban hành. Theo bà Vân, các doanh nghiệp gốm hiện nay đang gặp áp lực với vấn đề tiền lương, bảo hiểm cho công nhân. Thông tư 130 của Bộ Tài chính quy định không hoàn thuế nguyên liệu đối với các doanh nghiệp làm gốm càng khiến bà và các doanh nghiệp khác hết sức lo lắng.
Cụ thể, theo thông tư này, quy định sử dụng nguyên liệu, năng lượng, chi phí sản xuất… hơn 51% giá trị sản phẩm sẽ không được hoàn thuế là trở ngại rất lớn cho ngành gốm trong cả nước. Quy định này có lợi đối với một số ngành hàng chuyên nhập nguyên liệu để sản xuất nhưng đối với ngành gốm phần lớn sử dụng đất sét, tài nguyên ngay tại chỗ như ở Bình Dương, quy định nói trên sẽ làm cho ngành gốm sứ thêm khó khăn. Trong khi đó, việc không được hoàn thuế giá trị gia tăng khiến cho chi phí sản xuất tăng cao, sản phẩm doanh nghiệp làm ra rất khó cạnh tranh khi tham gia thị trường xuất khẩu.
Bà Vân cho biết thêm, sản phẩm gốm của Trung Quốc, đối thủ lớn nhất của các doanh nghiệp gốm sứ trong nước đang được sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ của họ bằng các cơ chế, chính sách ưu đãi. Còn ở nước ta, việc không được hoàn 10% thuế giá trị gia tăng khiến doanh nghiệp gốm gặp thiệt thòi rất lớn.
XUÂN VĨ