Doanh nghiệp xuất nhập khẩu: Tăng cường đổi mới để hội nhập thành công

Thứ ba, ngày 22/01/2019

Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, đòi hỏi doanh nghiệp cần có những đổi mới để vừa phù hợp với các cam kết quốc tế, đáp ứng được tình hình thực tế của doanh nghiệp...

(BDO)

 Nâng cao năng lực doanh nghiệp

Theo Sở Công thương, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 25,280 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm 2017, vượt 0,1% so với kế hoạch năm 2018. Ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu tỉnh, cho biết thời gian qua hội đã chủ động xây dựng các chương trình hoạt động phù hợp với tôn chỉ mục đích của mình. Trước yêu cầu mở cửa, hội nhập, công tác xúc tiến thương mại được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của doanh nghiệp xuất khẩu, sản xuất. Ông mong muốn tìm ra những nhân tố mới có tâm, đủ tầm để cùng Ban Chấp hành hội đưa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Bình Dương phát triển lên tầm cao mới.

 Các đại biểu trao đổi bên lề Hội nghị kết nối cung cầu nông sản tỉnh Bình Dương 2018. Ảnh: T.MY

Tại Đại hội Hội Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương vừa qua, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã cung cấp thông tin, tư vấn chính sách, pháp luật, kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế cho các doanh nghiệp trong hội. VCCI cũng đề nghị hội thường xuyên cập nhật các thông tin về doanh nghiệp, thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu từ hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu của Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan đến các doanh nghiệp trên địa bàn để kịp thời cập nhật, có những điều chỉnh cần thiết về cơ cấu, năng lực sản xuất đáp ứng yêu cầu sản xuất, xuất khẩu trong thời kỳ hội nhập.

Tiến sĩ Lê Văn Hỷ, Tổng Biên tập Tạp chí Logictics Việt Nam, cho rằng Hội Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương cần tăng cường vai trò và cải thiện hiệu quả hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp trong việc hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập, cũng như làm cầu nối giữa Nhà nước với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hội cần sớm hoàn thiện pháp lý về hội; thực hiện hiệu quả thực thi các quy định về sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình hoạch định chính sách, pháp luật nội địa; tăng cường nguồn lực, năng lực hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp, đặc biệt trong những vấn đề liên quan tới hội nhập.

Tận dụng tốt lợi thế

Theo đánh giá, các hiệp định thương mại tự do (FTA) là cơ hội cho Việt Nam tiến sâu hơn vào thị trường thế giới. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp trong nước.

Ông Nguyễn Hải Vũ, Giám đốc phát triển và maketing Genier Partiner Group, cho rằng hội nhập chính là sân chơi lâu dài và bình đẳng cho doanh nghiệp. Sự cạnh tranh tiếp tục trong thời gian tới là đương nhiên và việc xóa bỏ thuế nhập khẩu mang lại nhiều lợi ích cho bản thân doanh nghiệp. Ông cho rằng, khó khăn nhất của các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics là sự quá tải của cảng trong khu vực và giao thông, dẫn đến chi phí logistics cao so với các nước. Trong tương lai, nếu Bình Dương xây dựng được cảng nước sâu và đẩy mạnh việc vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy sẽ là động lực lớn cho doanh nghiệp phát triển, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Khuyến cáo các doanh nghiệp dưới góc độ của người làm chính sách, ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc VCCI - Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, cho rằng trước mắt CPTPP có tác động chưa lớn đến sự tăng trưởng của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, về lâu dài, các doanh nghiệp phải chủ động tăng cường năng lực quản trị, đổi mới chất lượng nguồn nhân lực, gắn kết chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo năng lực cạnh tranh để tận dụng mọi cơ hội do các cam kết mang lại. Bởi vì tham gia hội nhập, về lâu dài doanh nghiệp phải có chiến lược phát triển, xây dựng thương hiệu và thiết lập hệ thống phân phối đến tay người tiêu dùng để tiến nhanh, tiến chắc, không chỉ thắng trên sân nhà mà còn vươn ra thị trường quốc tế.

Theo ông Liêm, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam hội nhập, Chính phủ đã ban hành luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện VCCI cũng đẩy mạnh dự án kết nối doanh nghiệp do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ, đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng. Ông lưu ý các doanh nghiệp trong nước cần tranh thủ hỗ trợ của các nước thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để tăng cường ứng dụng, đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế về kỹ thuật, chất lượng để có thể đối mặt với những thách thức về rào cản kỹ thuật trong thương mại. Cùng với đó, tham gia hiệp định, các doanh nghiệp trong nước chủ động tham gia chuỗi giá trị với các đối tác trong và ngoài nước để tạo điều kiện kích thích sự phát triển về công nghệ, sản xuất, liên kết với doanh nghiệp nước ngoài để tiếp cận với chuỗi cung ứng toàn cầu…

 Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương, đề nghị Hội Xuất nhập khẩu tỉnh cần quan tâm đến việc phát triển hội viên mới, tạo sự đồng thuận, đoàn kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh; chia sẻ thông tin, công nghệ, nguyên liệu, nhân lực giữa các doanh nghiệp hội viên để cùng nhau thực hiện hợp đồng lớn, cùng có lợi và cùng phát triển. Bên cạnh đó, hội phải phát huy cao hơn nữa vai trò của mình là cầu nối giữa doanh nghiệp xuất nhập khẩu với cơ quan quản lý nhà nước, là cầu nối giữa khách hàng và doanh nghiệp thành viên, giữa doanh nghiệp trong hội với các doanh nghiệp khác trong hiệp hội ngành hàng để đưa kim ngạch xuất nhập khẩu của Bình Dương phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.

 TIỂU MY