Doanh nghiệp xuất khẩu trong nước: Còn nhiều dư địa
(BDO) Doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam được cho là đang có nhiều thuận lợi trong việc hội nhập khi dư địa thị trường xuất khẩu còn rất lớn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng để phát huy được tiềm năng thị trường, doanh nghiệp trong nước cần có chiến lược phù hợp.
Thị trường còn rộng mở
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Việt Nam đang phát triển hướng tới mô hình bền vững, tiếp cận trình độ công nghệ và giá trị gia tăng cao; cùng với đó tăng cường hợp tác đầu tư, thương mại với các đối tác chiến lược và đối tác quan trọng. Việt Nam hiện có 16 đối tác chiến lược và 1 đối tác kinh tế, trong số này có Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Tại cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo Liên đoàn Công thương Trung Quốc (ACFIC) và VCCI tại Hà Nội vừa qua, ông Xu Le Jiang, Phó Chủ tịch ACFIC, cho biết Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN. Dù vậy, tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước vẫn còn rất lớn.
Đại diện các doanh nghiệp trao đổi tại hội nghị về hội nhập quốc tế do ngành công thương tổ chức vừa qua. Ảnh: TIỂU MY
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Tổng hợp và Nghiên cứu kinh tế vĩ mô Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng với việc đàm phán, ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới, được các đối tác đánh giá rất cao. Trong giai đoạn 2016-2020, theo lộ trình cam kết, phần lớn các FTA mà Việt Nam tham gia đều bước sang giai đoạn cắt giảm sâu, xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với phần lớn các dòng thuế trong biểu thuế nhập khẩu. Các FTA thế hệ mới xóa bỏ phần lớn thuế quan cho hàng hóa Việt Nam và các nước đối tác, trong đó có những đối tác lớn như Hoa Kỳ, EU… Trong thời gian tới, Bộ Công thương tiếp tục tuyên truyền, phổ biến về những ưu đãi từ các FTA giúp doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa những ưu đãi này, đồng thời nắm vững những quy định khắt khe của các thị trường để tránh được các chướng ngại nhằm đưa hàng hóa Việt Nam đến nhiều thị trường hơn nữa.
Tại Bình Dương, đến thời điểm này đơn hàng năm 2019 của những ngành hàng chính như dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ… khá dồi dào, nhiều doanh nghiệp có đơn hàng đến hết năm. Ông Lê Công Phoa, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Bình Dương, cho biết năm 2019, ngành dệt may dự báo tiếp tục phát triển tốt. Các thị trường xuất khẩu lớn và truyền thống của hàng dệt may Việt Nam tiếp tục có nhu cầu ổn định, trong khi đó những thị trường mới cũng có nhiều tín hiệu khởi sắc. Chính vì vậy, cơ hội cho ngành dệt may trong nước đang rất khả quan.
Cần có chiến lược hiệu quả
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO của VCCI, trong thời điểm doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có nhiều ưu đãi thì doanh nghiệp nội không có cách nào khác là phải cạnh tranh để phát triển. Doanh nghiệp trong nước phải tự thay đổi cách quản trị, cải thiện chất lượng nguồn lực, công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp mình.
Bà Phạm Minh Phương, Trưởng phòng Tây Á - châu Phi, Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), thông tin Trung Đông là thị trường tiềm năng đối với các nhà xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, khi làm ăn với các nước khu vực Trung Đông các doanh nghiệp phải đối mặt với một số rào cản như khoảng cách địa lý, phong tục tập quán. Một trong những đặc điểm cần đặc biệt lưu tâm là sản phẩm xuất khẩu sang thị trường này phải đáp ứng được tiêu chuẩn Halal (quy chuẩn tôn giáo mang tính phù hợp về chuẩn mực và giá trị của đạo Hồi). Nếu bước qua được rào cản đầu tiên về Halal, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ thâm nhập được vào thị trường các nước Hồi giáo ở Trung Đông. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có gần 1.000 doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn này.
Bà Phương cho hay, các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực theo dõi, cập nhật thông tin thị trường, chương trình xúc tiến thương mại, cảnh giác và xác minh thật kỹ thông tin về các đối tác tìm hiểu qua mạng. Các doanh nghiệp trong nước cũng cần xây dựng thương hiệu, cải thiện chất lượng sản phẩm, xây dựng chiến lược phát triển thị trường, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ… để thuận lợi hơn cho công việc kinh doanh tại khu vực Trung Đông.
Chia sẻ về thành công từ việc xây dựng thương hiệu, bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH TMDV Tân Hiệp Phát, cho biết cách đây 18 năm, thay vì đi theo trào lưu thị trường làm nhái sản phẩm của các thương hiệu lớn, Tân Hiệp Phát đã lựa chọn xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nước tăng lực với slogan: “Lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam”. Theo bà Phương, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là việc không hề dễ dàng và trải qua rất nhiều thăng trầm. Doanh nghiệp phải đầu tư nguồn lực không nhỏ, mục đích là để người tiêu dùng biết đến sự tồn tại của sản phẩm, chứ chưa nói tới sự yêu thích, trung thành với sản phẩm. Hơn nữa, bài toán tồn tại và xây dựng thương hiệu với doanh nghiệp không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Theo Sở Công thương, hàng năm tỉnh đều tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại điện tử, cử các đoàn công tác đi nước ngoài để nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, đối tác và mời gọi đầu tư. Thời gian qua, sở cũng đã phối hợp triển khai chương trình hành động thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thị trường, thủ tục, nguyên tắc về hàng hóa xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên CPTPP để tận dụng ưu đãi từ hiệp định này. Từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong tỉnh tận dụng tốt cơ hội từ các FTA thế hệ mới mang lại. |
TIỂU MY