Doanh nghiệp xuất khẩu đối mặt kiện tụng chống bán phá giá
Năm 2013 và những năm tiếp theo, các doanh nghiệp xuất khẩu (DNXK) trong nước tiếp tục phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá ở thị trường thế giới. Điều này đang đặt lên vai của các DNXK và cơ quan hữu quan, hiệp hội ngành hàng những việc cần làm, cần chủ động hơn.
Từ thủy sản, móc áo…
Thời gian qua, các DN trong lĩnh vực chế biến thủy sản cũng như may mặc, móc áo… ở Việt Nam phải đối mặt với những vụ kiện chống bán phá giá và bị áp thuế cao ở thị trường Âu - Mỹ. Điều này đã gây không ít khó khăn cho các DNXK trong quá trình xâm nhập, mở rộng thị trường và trụ vững ở những quốc gia này.
Sản phẩm tôn thép xuất khẩu của Việt Nam đang bị một số nước trong khu vực ASEAN điều tra bán phá giá. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tôn thép tại Tập đoàn Hoa Sen (Dĩ An, Bình Dương)
Còn nhớ, Bộ Thương mại Hoa Kỳ từng áp thuế chống bán phá giá cá tra, ba sa đối với Việt Nam nói chung trong giai đoạn từ 2004 đến 2005 là 66,34%. Đó là một mức thuế rất cao, làm cho nhiều DNXK trong nước ở lĩnh vực này phải chùn bước. Trong khi đó, việc áp thuế chống bán phá giá tại các quốc gia lại không phản ánh đúng thực tế khách quan, gây thiệt hại cho DNXK Việt Nam ở “sân chơi” quốc tế. Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng từng thừa nhận có sai sót trong kết quả đánh giá hành chính dẫn đến sai lệch trong tính toán biên độ thuế chống bán phá giá, áp dụng sai tỷ giá hối đoái, tính phí không đúng… đối với DNXK cá tra, cá ba sa của Việt Nam. Sau những nỗ lực đấu tranh không mệt mỏi của cơ quan hữu quan và các DN, đến nay Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đưa mức thuế này về mức thấp nhất so với các đợt rà soát đánh giá hành chính trước đây.
Trong khi bài học về vụ kiện chống bán phá giá sản phẩm cá tra, cá ba sa vào thị trường Mỹ vừa được giải quyết xong thì một số sản phẩm xuất khẩu khác như móc áo, tuốc-bin điện gió... của Việt Nam vào thị trường này cũng phải đối mặt với việc bị các DN ở Mỹ đệ đơn kiện chống bán phá giá!
…Đến tôn thép!
Một lĩnh vực xuất khẩu mới mẻ khác của DN trong nước là tôn thép hiện cũng đang đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá ở thị trường Đông Nam Á. Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), ngày 13-9-2012, Cục Ngoại thương - Bộ Thương mại Thái Lan đã chính thức khởi xướng điều tra áp thuế chống bán phá giá với mặt hàng thép cuộn hoặc không cuộn nguội nhập khẩu từ Việt Nam, có mã HS. Tiếp đó, vào tháng 10-2012, Bộ Thương mại Thái Lan lại ban hành bản câu hỏi điều tra đầy đủ trong vụ việc điều tra áp thuế chống bán phá giá với mặt hàng này. Không riêng Thái Lan, Indonesia cũng khởi xướng tiến hành điều tra tự vệ đối với các sản phẩm sắt hoặc thép không hợp kim sau khi hai công ty là PT. Bluescope Steel Indonesia và PT. Sunrise Steel gửi đơn kiện vào tháng 12-2012.
Theo ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại thì đây là những việc làm thái quá, dùng các hàng rào cản kỹ thuật như tự vệ thương mại và chống bán phá giá để ngăn cản mặt hàng tôn mạ kim loại và sơn phủ xuất khẩu của Việt Nam. Việc làm này không những gây tổn thất cho các DN Việt Nam đang cố gắng phát triển thị trường, giảm thâm hụt thương mại mà còn làm tăng thêm nhập siêu, cản trở hợp tác và phát triển thương mại nội khối, đi ngược với nguyên tắc phấn đấu cân bằng cán cân thương mại để phát triển bền vững theo quy định của WTO.
- ÔNG NGUYỄN ĐỨC KIÊN, PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN KINH TẾ QUỐC HỘI: “Chúng ta được quyền định giá…”
Chúng ta có những mặt hàng xuất khẩu được sản xuất từ nguồn nguyên liệu trong nước, nằm trong chuỗi phân phối toàn cầu và chúng ta được quyền định giá sản phẩm của mình đối với sản phẩm bán ra thị trường quốc tế mà họ không ép được. Chẳng hạn, chúng ta chỉ cung ứng (xuất khẩu) một chi tiết trong cả một cái máy thì chi tiết ấy cũng phải bảo đảm được cả chất xám, nguồn nguyên liệu mà chúng ta khai thác trong nước để phục vụ sản xuất, cộng với giá nhân công, kể cả tái tạo về sức lao động là tương đương với giá trị sản phẩm làm ra, đấy mới gọi là hội nhập kinh tế quốc tế. Còn nếu hội nhập mà họ ép chúng ta bán rẻ sản phẩm và ta quay lại hạ lương công nhân, xin giảm bớt thuế tài nguyên… thì đấy là hội nhập không thành công.
- ÔNG LÊ PHƯỚC VŨ, CHỦ TỊCH HĐQT TẬP ĐOÀN HOA SEN: “DN cần chuẩn bị các kỹ năng đối phó…”
Tôi nghĩ các DN ở các quốc gia nhờ Chính phủ bảo hộ nhập khẩu là đương nhiên. Hiện nay, Chính phủ Indonesia cũng đang làm theo quy trình và chưa có phán quyết cuối cùng. Với sự nỗ lực của Hoa Sen, sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, cộng với những lợi thế mà Hoa Sen tạo ra thì tôi nghĩ không có vấn đề gì lớn. Triển vọng từ các thị trường lớn hơn như là Úc, châu Âu, Mỹ… đang mở ra. Chúng tôi có rất nhiều dư địa, riêng thị trường nội địa đã không đủ bán. Thị trường này có vấn đề gì thì chúng tôi đã có thị trường khác. Việc các sản phẩm trong nước khi xuất khẩu phải đối mặt với kiện tụng chống bán phá giá như cá tra, ba sa… là đương nhiên và DN cần phải chuẩn bị các kỹ năng đối phó.
Về phần mình, chúng tôi đã nhờ đại sứ Việt Nam tại Indonesia để làm việc với Bộ Thương mại của nước này, đồng thời được sự hỗ trợ của Hiệp hội Thép, Bộ Công Thương để làm việc với đại sứ của Indonesia tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ có những điều trần và chứng minh mình đúng, tôi tin vì lợi ích của người tiêu dùng Indonesia cũng như của những nhà nhập khẩu thì chắc chắn phán quyết của Bộ Thương mại Indonesia sẽ hợp lý. Chúng tôi cũng đã xúc tiến việc thuê luật sư và gửi những văn bản chính thức cho cơ quan hữu quan của Indonesia.
TRUNG ĐỒNG