Doanh nghiệp xăng dầu gặp khó khi xuất hóa đơn điện tử
(BDO) Dù Chính phủ có công điện yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc việc xuất hóa đơn điện tử (HĐĐT) cho mỗi lần bán xăng dầu cho khách hàng, nhưng doanh nghiệp (DN) xăng dầu vẫn kêu khó thực hiện.
Doanh nghiệp xăng dầu cho biết ngoài đầu tư thiết bị, công nghệ, nhân sự cũng là khó khăn khi xuất hóa đơn điện tử
Chưa thể thực hiện
Ngày 1-12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký công điện về tăng cường công tác quản lý, sử dụng HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo quyết liệt cơ quan thuế các cấp tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa các biện pháp, giải pháp tuyên truyền đến người nộp thuế, các cửa hàng, DN kinh doanh xăng dầu tuân thủ quy định về phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng. Bộ Tài chính cũng được yêu cầu phối hợp với Bộ Công thương, các bộ ngành, địa phương triển khai ngay các giải pháp quyết liệt yêu cầu các đơn vị kinh doanh xăng dầu lập HĐĐT theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế theo quy định, hoàn thành trong tháng 12-2023.
Việc áp dụng HĐĐT, kết nối dữ liệu với cơ quan thuế là cần thiết và phù hợp để ngăn chặn xăng dầu lậu, kém chất lượng, trốn thuế với những DN làm ăn không nghiêm túc, giúp cho thị trường lành mạnh hơn và DN cũng có công cụ quản lý hàng hóa hiệu quả hơn. Tuy nhiên, để làm được DN cần có sự đầu tư, các khoản chi phí này cần được tính toán, hạch toán vào giá thành ở mức tương ứng, gắn với các hỗ trợ ban đầu, đặc biệt là hệ thống xăng dầu nhỏ lẻ có năng lực tài chính còn hạn chế.
Trao đổi với phóng viên, các DN bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tiếp tục than khó thực hiện ngay việc xuất HĐĐT mỗi lần bơm bán cho khách theo quy định. Nguyên nhân là do chi phí đầu tư, vận hành, bảo dưỡng hệ thống điện tử, thông tin lớn, công nghệ nền tảng chưa đáp ứng được việc tự động xuất HĐĐT đến từng người mua hàng. DN chỉ có thể ghi nhận số liệu từng lần bơm và kết nối đến hệ thống giám sát của Cục Thuế, việc triển khai xuất hóa đơn trực tiếp rất phức tạp về công nghệ, lãng phí rất lớn.
Ông Đỗ Lê Tánh, đại diện cửa hàng xăng dầu Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một, cho biết: “Quy định này rất khó để DN thực hiện. Thứ nhất là phải đầu tư chi phí chuyển đổi cả hệ thống cột bơm và phần mềm tốn kém tiền tỷ. Thứ đến là người vận hành, đa phần nhân viên xăng dầu là lao động phổ thông, việc sử dụng công nghệ, xuất hóa đơn, nhân sự không đủ trình độ để làm”.
Theo ông Nguyễn Văn Hậu, cửa hàng xăng dầu Phú Chánh, TP.Tân Uyên, các DN, cửa hàng bán lẻ xăng dầu không phải bán buôn nên việc xuất hóa đơn cho những lần bơm 5.000 đồng, 10.000 đồng, 15.000 đồng là khó thực hiện do chi phí đôi khi cao hơn cả giá trị bán. Chưa kể, để xuất được HĐĐT, người mua phải có mã số thuế, có thẻ thanh toán, thêm vào đó chi phí nâng cấp cột bơm, phần mềm là quá sức đối với DN nhỏ.
Cần lộ trình phù hợp
Được biết, nếu xuất hóa đơn DN phải nâng cấp hệ thống trụ bơm bán hàng để lưu trữ thông tin khách hàng, số lượng, đơn giá, thành tiền mỗi lần bơm và có kết nối đến hệ thống máy chủ trung tâm hoặc kết nối trực tiếp đến hệ thống Tổng cục Thuế bằng ID - mã số thuế - mã số thiết bị bán hàng (trụ bơm). Cửa hàng phải có hệ thống kiểm soát nhập hàng, thiết bị đo lường, thước đo điện tử, barem bồn được quét và lập bằng công nghệ tự động có độ chính xác cao, dữ liệu cũng được liên thông đến hệ thống Tổng cục Thuế. Hệ thống phải tự động điều chỉnh giá bán lẻ đồng bộ và chính xác như việc cập nhật thời gian máy tính qua các máy chủ internet.
Bên cạnh đó, các DN cũng cho rằng người mua xăng dầu thường là khách lẻ, thanh toán bằng tiền mặt là chủ yếu, rất ít người có nhu cầu nhận hóa đơn. Nếu có hàng chục khách hàng mua xăng trong một thời điểm thì việc xuất hóa đơn cho từng người sẽ mất thêm thời gian và nhân công.
Theo các DN, hiện nay DN bán lẻ xăng dầu hoàn toàn không nhận được phần chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức, chiết khấu thấp nên việc bảo đảm nguồn lực để đầu tư là chuyện không thể thực hiện được. Trong khi đó phía người mua họ cho biết cũng không có nhu cầu xuất hóa đơn. Ông Lê Văn Huy (phường Phú Chánh, TP.Tân Uyên), cho biết: “Người dân không có nhu cầu cung cấp thông tin để được xuất HĐĐT. Điều này có thể gây mất thêm thời gian mỗi lần vào đổ xăng, dầu”.
Trước các khó khăn và điều kiện trên, các DN kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần tính toán cho DN có lộ trình nhằm tiết kiệm chi phí và phù hợp với thực tế, tránh việc ban hành chính sách xong phát sinh lớn rồi ngưng gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN.
TIỂU MY - CẨM TÚ