Doanh nghiệp vững tin vào triển vọng xuất khẩu
(BDO) Tạo đột phá mới
Cùng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, chính quyền địa phương và nỗ lực của cộng đồng DN, hiện nay hoạt động xúc tiến thương mại trong tỉnh đã chuyển đổi mạnh mẽ, hỗ trợ tích cực cho sản xuất và xuất khẩu. Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đánh giá: “Trong điều kiện hết sức khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội đã nỗ lực nghiên cứu, ban hành kịp thời cơ chế hỗ trợ, nhân rộng các mô hình, phương thức xúc tiến thương mại mới dựa trên việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số... được cộng đồng DN ghi nhận, đánh giá cao. Đây là một tiền đề quan trọng để DN bứt phá trong giai đoạn mới. Tỉnh quyết tâm khống chế tốt dịch bệnh Covid-19, tạo thuận lợi cho DN phát triển”.
Doanh nghiệp tại Bình Dương phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, vững tin vào triển vọng phát triển trong năm mới. Trong ảnh: Sản xuất linh kiện điện tử tại nhà máy Gre Alpha Electronic, Khu công nghiệp VSIP 2A. Ảnh: TIỂU MY
Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Giày da, túi xách, chia sẻ 2 năm vừa qua là khoảng thời gian nhiều khó khăn đối với các DN xuất khẩu trong tỉnh do ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh Covid-19, cũng như đặt ra nhiều thách thức về sức mua của thị trường, đối thủ cạnh tranh và vấn đề phòng vệ thương mại. Tuy nhiên, đến nay hoạt động xuất khẩu ghi nhận tín hiệu khả quan hơn, đơn hàng xuất khẩu, hoạt động sản xuất bắt đầu được phục hồi, nhiều DN xuất khẩu vào giai đoạn nước rút để bảo đảm tiến độ sản xuất, bàn giao kịp thời các đơn hàng. Khi nền kinh tế trong nước ngày càng hội nhập sâu với thế giới, Việt Nam tham gia vào các FTA thế hệ mới, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nói chung và của Bình Dương nói riêng ngày càng thâm nhập sâu vào thị trường thế giới. Điều này cũng đồng nghĩa hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường cần chủ động đối mặt với các rào cản, tiêu chuẩn kỹ thuật, xuất xứ hàng hóa. Cộng đồng DN giày da nỗ lực lớn trong việc đầu tư nghiên cứu sản phẩm, phát triển nguồn nguyên liệu nội địa, tạo đột phá mới.
Đối với ngành gỗ, các DN kỳ vọng việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại vào thị trường Hoa Kỳ, một trong những thị trường trọng điểm mà các DN Việt Nam nói chung và DN của Bình Dương đã và đang tìm hướng kết nối sẽ tạo ra những đột phá mới trong xuất khẩu của ngành. “Sau giai đoạn giãn cách xã hội, nhiều DN đã chủ động phục hồi hoạt động xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Dịp cuối năm và đầu năm mới, nhu cầu mua sắm của người dân các thị trường này lại càng nhiều. Hiện nhiều DN trong hiệp hội cũng đã có đơn hàng để chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất của năm 2022”, ông Phan Thế Hải, Giám đốc Công ty Triệu Phú Lộc, cho biết.
Theo ông Nguyễn Phước Việt Dũng, Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương, đơn vị xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là ưu tiên cho việc hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, thông qua việc tạo thuận lợi về thủ tục hải quan, thông quan hàng hóa, linh hoạt trong giảm thiểu thủ tục hành chính. Cục Hải quan Bình Dương sẽ tiếp tục vận hành có hiệu quả tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Tuân thủ các quy định thương mại quốc tế
Theo ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam, thương mại toàn cầu đang phục hồi mạnh mẽ, năm 2022 sự phục hồi về nhu cầu thị trường sẽ mang đến khởi sắc trong chuỗi giá trị toàn cầu, khu vực, đem lại nhiều cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần khắc phục những thách thức để giảm chi phí thương mại, hỗ trợ DN nhỏ và vừa tích hợp vào chuỗi cung ứng hướng tới khả năng phục hồi.
Doanh nghiệp giày da đẩy mạnh phát triển nguồn cung nguyên liệu nội địa, tận dụng triệt để cơ hội từ các FTA. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty giày Đông Hưng (TP.Dĩ An)
ề vấn đề này, bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết nhằm giúp các DN nâng cao nhận thức về hội nhập, nhất là các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới để chuẩn bị các điều kiện cần thiết, nắm bắt cơ hội tiếp cận các thị trường tiềm năng, thời gian tới, Sở Công thương sẽ thường xuyên bám sát chương trình, kế hoạch của Bộ Công thương, liên kết website, trang thông tin điện tử của bộ để cung cấp các thông tin cần thiết về xuất xứ hàng hóa, hàng rào kỹ thuật, pháp lý… của các FTA cho các DN trong tỉnh. Đối với đề án Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021- 2030, Sở Công thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành và đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch triển khai hỗ trợ DN đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số.
Bà Thái Đinh Thùy Linh, Giám đốc Trung tâm Thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương (WTC BD), cho biết tín hiệu rất đáng mừng là DN vừa và nhỏ (SMEs) Bình Dương càng ngày càng quan tâm đến các vấn đề nâng cao năng lực, chuyển đổi số, đi sâu vào chỉ số cạnh tranh. Vì vậy WTC BD mong muốn sẽ làm cầu nối DN SMEs tại Bình Dương nói riêng và các DN nói chung kết nối với các đối tác trong và ngoài nước để có thể tìm hiểu đầy đủ thông tin, tự phát triển chiến lược kinh doanh thích ứng với tình hình mới, dần dần định hình chiến lược xuất khẩu toàn cầu. q
TIỂU MY