Doanh nghiệp vững tin bước vào chặng đường mới
(BDO) Bước sang năm 2021, cộng đồng doanh nghiệp (DN) kỳ vọng với sự hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương… hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ thuận lợi, tạo đột phá mới.
Sản xuất giày da tại Công ty Đông Hưng (Khu công nghiệp Sóng Thần 1, TP.Dĩ An)
Nhân lên niềm tin
Năm 2020, dù dịch bệnh Covid-19 đã và đang làm đảo lộn hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, nhưng sự phục hồi nhanh chóng cho thấy các DN đã sớm thích nghi, hoàn thiện bộ máy và nắm bắt được cơ hội bước vào giai đoạn mới với nhiều động lực phát triển.
Là một ngành nhiều triển vọng, ngành gỗ Bình Dương cho thấy sự bình tĩnh trước diễn biến phức tạp về tình hình Covid-19 trên thế giới. Hiện các DN tiếp tục nêu cao tinh thần tự bảo vệ người lao động, nhìn thẳng vào khó khăn, điều chỉnh kế hoạch sản xuất và lạc quan, hướng về phía trước. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Liêm, Tổng Giám đốc Công ty Lâm Việt (TX. Tân Uyên) lạc quan cho rằng, sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thị trường nước ngoài sôi động trở lại, đây cũng là yếu tố góp phần thị trường phục hồi mạnh. Cùng với đó một số nhà nhập khẩu chuyển dịch mua hàng từ thị trường Trung Quốc sang Việt Nam. Hai yếu tố cộng hưởng làm cho thị trường xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam gần như phục hồi hoàn toàn, thậm chí có nhà máy không thể nhận thêm đơn hàng. Dù tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nhưng nhiều DN trong ngành sản xuất đồ gỗ đang vất vả tuyển thêm nhân công để kịp sản xuất nhằm bảo đảm đơn hàng xuất khẩu tăng cao trở lại.
Với các DN ngành giày da, sau dịch bệnh thì cơ hội tái cơ cấu nguồn cung nguyên, phụ liệu lớn hơn bao giờ hết, các DN sản xuất đều nhận ra tầm quan trọng của sự chủ động nguồn nguyên phụ liệu. Sự lạc quan của nhiều DN đến từ nỗ lực kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả của Việt Nam. Dự kiến, khoảng giữa đến cuối năm 2021, các thị trường quan trọng như châu Âu, Hoa Kỳ sẽ dần hồi phục, hoạt động thông thương sẽ tốt hơn, nhu cầu tiêu thụ cũng sẽ tăng lên. Năm 2021, các DN đánh giá ngành giày da sẽ đón nhận những tín hiệu tốt hơn, bởi trong năm 2020 hàng loạt Hiệp định Thương mại (FTA) đi vào thực thi và hoàn tất quá trình ký kết như EVFTA, RCEP, hay mới đây nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA)…
Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh, cho biết bước qua khó khăn, ngành dệt may cũng xác định việc giữ vững các thị trường hàng đầu của dệt may Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ… sẽ đóng vai trò quan trọng trong phục hồi sản xuất và xuất khẩu. Các FTA cũng đang tạo ra cho ngành dệt may một nền tảng thương mại bền vững và có sự hỗ trợ lẫn nhau. Đơn cử như châu Âu đã cho phép Việt Nam mua nguyên liệu vải từ Nhật Bản, Hàn Quốc sản xuất rồi xuất khẩu vào EU mà vẫn được hưởng thuế suất 0%.
Về phía chính quyền các cấp, các DN đều bày tỏ sự tin tưởng lớn khi tiếng nói của DN đã được lắng nghe. Dù những ý kiến, đề xuất đưa ra từ phía DN hay hiệp hội không thể giải quyết được ngay lập tức, nhưng cộng đồng DN vẫn đánh giá cao sự nỗ lực, cầu thị từ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Bình Dương cũng đã có những giải pháp bước đầu, quyết tâm cải thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ để DN phát triển, hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Ông Nguyễn Liêm mong muốn trong thời gian tới vấn đề về hỗ trợ pháp lý liên quan đến các cơ chế, chính sách cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chuyên môn, am hiểu về luật thì mới có những quyết sách chuẩn xác.
Mục tiêu, tầm nhìn mới
Ông Trần Chiến Công, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) tâm sự: “Năm 2020 đầy khó khăn thách thức với nền kinh tế và cộng đồng DN. Song với những nỗ lực không ngừng, Biwase đã xây dựng 2 khu xử lý nước thải mới, đón đầu xu thế đầu tư mới tại Bình Dương. Cùng với đó, chúng tôi đang nỗ lực tái cấu trúc, nâng cao năng lực công nghệ, sử dụng hiệu quả vốn vay ODA để nâng sức cạnh tranh, củng cố vị thế vươn tới những chuẩn mực trong quản lý và điều hành DN. Đây cũng là một trong những ưu tiên trong trọng tâm phát triển của Biwase trong thời gian tới. Kỳ vọng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chúng tôi sẽ bước tiếp một giai đoạn mới vững vàng hơn”.
Nhìn rộng hơn, hiện phạm vi hoạt động của các DN Việt Nam hiện nay không chỉ bó hẹp trong thị trường nội địa mà đã hiện diện ở nhiều quốc gia trên thế giới. Với khát vọng vươn xa hơn, mục tiêu của các DN Bình Dương là khẳng định tên tuổi của mình trên trường quốc tế. Thượng tá Nguyễn Thành Sơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Tân Cảng Sóng Thần, cho rằng các DN không ngại thách thức, không ngại thay đổi để khẳng định bản lĩnh của mình trong sân chơi toàn cầu. Tuy vậy, chúng ta cần có một chiến lược lớn, chung tay làm nên sức mạnh trước những vận hội mới. Trước xu thế vận động và phát triển trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội, đòi hỏi DN phải cố gắng liên kết lại nếu không sẽ bị chậm hoặc xa hơn là bị loại bỏ. Phải biết chấp nhận thách thức và thấy được thách thức từ thực tế là bài học tốt để DN nhìn lại mình, biết cần chuẩn bị gì cho cuộc cạnh tranh gay gắt trong thời kỳ toàn cầu hóa.
Niềm tin vào năm mới và những năm kế tiếp trong giới doanh nhân đang được củng cố, cải thiện liên tục khi họ đã biết đặt mục tiêu, tầm nhìn của cộng đồng DN lên trên tất cả trên tinh thần nỗ lực, tự cường và đồng thuận xã hội.
TIỂU MY