Doanh nghiệp với xây dựng thương hiệu xanh

Thứ ba, ngày 26/12/2023

(BDO) Việc xây dựng thương hiệu xanh đang là chiến lược phát triển của cộng đồng doanh nghiệp (DN) nhằm nắm bắt xu thế toàn cầu để đạt mục tiêu phát triển bền vững.

Lợi thế tiên phong

Theo ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA): “Các DN đã nhận thức rất rõ về vai trò của thương hiệu và những đóng góp cực kỳ quan trọng của thương hiệu xanh đối với sản xuất, kinh doanh. Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Chi nhánh Công ty Cổ phần Sở hữu công nghiệp Investip tổ chức hội thảo góp ý, thống nhất hoàn thiện các văn bản quản lý việc sử dụng nhãn hiệu tập thể “Gỗ Bình Dương” và tập huấn công tác quản lý, phổ biến các quy định về sử dụng nhãn hiệu tập thể”.

Ông Nguyễn Liêm cho biết sản phẩm gỗ Việt Nam xuất khẩu đến 150 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới, vốn đã được người tiêu dùng thế giới biết đến và lựa chọn. Tuy nhiên, với xu thế tiêu dùng vừa đáp ứng nhu cầu dân sinh, vừa góp phần bảo vệ môi trường hiện nay, các sản phẩm đều phải đáp ứng tiêu chí an toàn cho môi trường và cuộc sống của con người. Do đó, ngành gỗ Việt Nam cũng dần đi theo con đường xanh hóa trong các khâu để phát triển bền vững.

Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương chú trọng phát triển xanh gắn với bảo vệ môi trường

Theo ông Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc Công ty Nhật Minh (TX.Bến Cát), mỗi DN đều ý thức rõ BIFA và các DN thành viên cần tập hợp sức mạnh trong việc xây dựng một thương hiệu chung cho hiệp hội. Đồng thời sẽ là công cụ quan trọng để quảng bá các sản phẩm chế biến gỗ của Bình Dương đến với khách hàng trong và ngoài nước. Qua đó, góp phần giúp cho ngành chế biến gỗ tỉnh đạt được các mục tiêu đặt ra đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó xu hướng đang lan tỏa mạnh mẽ nhất là phát triển xanh, giữ vững thương hiệu gỗ Bình Dương trên trường quốc tế.

Ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch Halcom, khẳng định các DN tại Bình Dương đi theo định hướng phát triển xanh cũng thể hiện rõ một thực tế là họ có tầm nhìn dài hạn hơn. Họ nghiễm nhiên trở thành những DN tiên phong bảo vệ môi trường và phát triển xanh. Vì thế, họ dễ dàng nhận được sự ủng hộ của khách hàng tại các nước phát triển vốn có ý thức rất cao về gìn giữ và bảo vệ môi trường.

Ông Huỳnh Thanh Trung, phụ trách xúc tiến thương mại của BIFA, cho biết thời gian qua, do tác động của suy thoái kinh tế và chính sách tiền tệ thắt chặt tại nhiều quốc gia, đặc biệt là các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đã khiến cho nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh. Mức độ lưu thông hàng hóa chững lại, tác động mạnh đến quy trình sản xuất hàng hóa của nhiều ngành hàng, trong đó có ngành chế biến và xuất khẩu gỗ. Thêm vào đó, thị trường lớn đang có nhiều tiêu chuẩn hơn đối với nguồn hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác. Trong đó, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và đời sống con người càng được quan tâm.

“Do đó, để tiếp tục thiết lập mối quan hệ giao thương, xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường lớn, DN chế biến, xuất khẩu gỗ Bình Dương bắt buộc phải tuân thủ, thực hiện đầy đủ tiêu chuẩn khắt khe như quy định của châu Âu về chống phá rừng, thực hiện tốt hiệp định thương mại giữa Việt Nam và châu Âu nhằm tạo khung pháp lý cho mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của xuất khẩu vào châu Âu (VPA/FLEGT). Chính vì vậy, nhiều DN đã có những bước đầu tư ngày một nghiêm túc hơn, bài bản hơn, dùng thương hiệu xanh để thúc đẩy phát triển kinh doanh”, ông Huỳnh Thanh Trung nêu vấn đề.

Ông Phan Thành Đức, Tổng Giám đốc Công ty May mặc Bình Dương (TP.Thuận An), chia sẻ phải khẳng định thực tế phát triển xanh đang là định hướng chung của DN. Cộng đồng DN và xã hội đang ngày càng nhận ra vai trò và nghĩa vụ của mình trong việc xây dựng và duy trì một nền kinh tế bền vững dựa trên các nguyên tắc phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Phát triển xanh đang nổi lên bởi sự cấp thiết của các vấn đề về môi trường. Các DN có trách nhiệm coi đó là trọng tâm và gắn vào trong chiến lược phát triển của mình. Khi được truyền thông ra bên ngoài cũng làm cho thương hiệu được mang màu sắc phát triển xanh, vốn đang là một yếu tố được thị trường quan tâm và ủng hộ.

Kế hoạch dài hơi

Trong định hướng phát triển của tỉnh, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định thời gian tới Bình Dương sẽ tái cấu trúc mạng lưới công nghiệp nội tỉnh và xây dựng các mô hình công nghiệp mới, gắn liền với mạng lưới công nghiệp của vùng Đông Nam bộ. Bình Dương xác định tiếp tục nâng cấp mô hình phát triển công nghiệp nhằm từng bước rời xa thâm dụng lao động và thâm dụng đất đai. Thông qua việc chuyển đổi mô hình phát triển từ công nghiệp - đô thị - dịch vụ sang các mô hình phát triển mới, gồm 2 giai đoạn.

Giai đoạn I, phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ - thông minh - bền vững, xây dựng và nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu trở thành các khu công nghiệp thông minh, với khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0 như IoT, BigData... Từ đó giúp nhà đầu tư dễ dàng xây dựng, triển khai mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh trong hệ sinh thái của Bình Dương một cách nhanh chóng và hiệu quả, gia tăng năng suất lao động và thu hút các ngành công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường. Giai đoạn II là phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ quốc tế - đổi mới sáng tạo - khoa học công nghệ, xây dựng các khu công nghiệp gắn liền với khoa học và công nghệ thu hút các viện, trường, các hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, các ngành dịch vụ, dịch vụ số nhằm thu hút các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.

Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho rằng các DN cần phải xây dựng cho mình một chiến lược thương hiệu bài bản, dài hạn ngay từ bây giờ. Xây dựng thương hiệu một cách đồng bộ nhất quán và có chủ đích, từ đó nâng cao hiệu suất các khoản đầu tư cho thương hiệu. DN nên bắt đầu bằng việc hoàn thiện chính sản phẩm và dịch vụ của mình, nâng cấp sản phẩm để gia tăng giá trị mang lại cho khách hàng. Ngành công thương sẽ tăng cường hỗ trợ các DN phát triển thương hiệu theo hướng xanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Từ đó sẽ gia tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng khách hàng, đồng thời hỗ trợ DN tìm tòi phát triển thị trường mới, kênh phân phối, hình thức bán hàng mới.

TIỂU MY