Doanh nghiệp với trách nhiệm bảo vệ môi trường
(BDO) Vừa qua, lực lượng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh đã theo dõi, phát hiện và bắt quả tang xe ô tô chở chất thải công nghiệp đem chôn tại một bãi đất ở phường Khánh Bình, TX.Tân Uyên. Tại hiện trường, lực lượng công an phát hiện đây là một bãi đất được sử dụng để chôn lấp chất thải công nghiệp chưa qua xử lý. Bãi đất chôn lấp này rộng khoảng 600m2, đang chứa hàng chục tấn chất thải công nghiệp của cơ sở thu mua phế liệu do bà Nguyễn Thị Liên làm chủ. Theo nhận định ban đầu của lực lượng chức năng, tại bãi đất này có khoảng 80 tấn chất thải rắn công nghiệp, gồm bao bì nylon, vải vụn và những chất thải khó phân hủy khác gây nguy hại cho môi trường.
Đây không phải lần đầu tiên cơ quan chức năng trong tỉnh phát hiện các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp lén lút chôn lấp, đổ chất thải nguy hại ra môi trường. Điều đáng nói, mặc dù nhiều trường hợp đã bị xử lý với mức phạt rất nặng nhưng những cơ sở, doanh nghiệp làm ăn bất chính vẫn tiếp tục hành vi xâm hại môi trường.
Hàng năm, Bình Dương chi hàng trăm tỷ đồng cho công tác bảo vệ và giữ gìn môi trường sống; nhiều khu, cụm công nghiệp đang hoạt động đều có hệ thống xử lý nước thải đúng quy chuẩn. Để xử lý các chất thải rắn, chất thải công nghiệp, tỉnh cũng đã đầu tư xây dựng và vận hành Nhà máy xử lý chất thải Nam Bình Dương. Đối với các doanh nghiệp thiếu kinh phí đầu tư để bảo vệ môi trường, Quỹ Bảo vệ môi trường đã hỗ trợ kịp thời để giúp doanh nghiệp xây dựng hệ thống xử lý nước thải...
Hàng năm, Bình Dương đều tổ chức công bố “Sách Xanh” để tôn vinh các doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường. Đây là cách để tỉnh khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường sống. Tuy nhiên, vẫn còn đó những doanh nghiệp, cơ sở vô trách nhiệm với môi trường. Cách làm ăn cẩu thả, vô trách nhiệm của một số cơ sở, doanh nghiệp cần phải được cơ quan chức năng xử lý kịp thời, nghiêm minh.
HOÀNG PHONG