Doanh nghiệp vất vả chống hàng giả, hàng nhái
Trên thị trường nội địa hiện nay, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan làm cho nhiều doanh nghiệp sản xuất chân chính lo lắng. Thời gian qua, việc chống hàng giả, hàng nhái đã được các ngành chức năng kêu gọi cùng chung tay, góp sức nhưng hiệu quả đạt được vẫn chưa cao.
(BDO)
Dây chuyền sản xuất tôn hiện đại của Tập đoàn Hoa Sen. Ảnh: T.ĐỒNG
Thiệt hại thấy rõ
Khi trên thị trường “vàng thau lẫn lộn” thì các doanh nghiệp trong nước khó lòng đứng vững ngay ở chính thị trường nội địa chứ chưa nói đến thị trường xuất khẩu. Hầu như hàng giả, hàng nhái xuất hiện ở mọi lĩnh vực, từ hàng tiêu dùng, thực phẩm, mỹ phẩm đến vật liệu xây dựng, sắt thép… Riêng ở lĩnh vực tôn thép, ảnh hưởng của nạn hàng gian, hàng giả trong thời gian gần đây cũng cho thấy rất rõ điều đó.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, hiện tượng tôn nhái, tôn giả đã xuất hiện trên một diện rộng tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Trong đó, nổi lên là tình trạng in nhãn mác giả, lấy cắp thương hiệu của các nhà sản xuất có uy tín trong ngành thép in lên hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng; bán hàng không đúng quy định về quy cách, kích thước, chất lượng, không xuất hóa đơn… Nguy hiểm hơn, tình trạng nhập hàng Trung Quốc chất lượng kém rồi in nhãn mác, thương hiệu của các doanh nghiệp uy tín tại Việt Nam để tiêu thụ cũng đã xuất hiện trên thị trường.
Theo ước tính, chỉ cần khoảng 10% thị phần tôn trên thị trường là hàng giả, hàng nhái thì số tiền người tiêu dùng bị thiệt hại khi mua phải tôn giả có thể lên tới gần 200 tỷ đồng mỗi năm. Trong khi đó, lãnh đạo một doanh nghiệp trong ngành này ước tính hiện trên thị trường tôn có tới khoảng 20% tôn giả, như vậy thiệt hại của người tiêu dùng phải gấp đôi, tức khoảng 400 tỷ đồng. Còn với toàn ngành thép, việc tồn tại từ 10 - 20% tôn giả trên thị trường khiến các doanh nghiệp thiệt hại từ gần 470 tỷ đồng đến hơn 900 tỷ đồng. Dù chưa có thống kê cụ thể về mức độ thất thu thuế nhà nước từ tôn giả, tôn kém chất lượng nhưng con số này chắc chắn là không nhỏ.
Cần sự vào cuộc quyết liệt
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hoa Sen cho biết, năm 2014 tập đoàn thiệt hại khoảng 118 tỷ đồng, tương ứng với 2,6% thị phần. Đối với toàn ngành tôn thép, giả sử lượng tôn giả, tôn nhái chiếm 20% thị phần thì ước tính thiệt hại gây ra cho toàn ngành khoảng 906 tỷ đồng. Như vậy xét riêng ngành tôn thì tổng thiệt hại cho nền kinh tế (bao gồm thiệt hại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng) ước tính 1.300 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến thiệt hại do người bán tôn không xuất hóa đơn cho người mua và sau đó lại bán khống hóa đơn này để đáp ứng cho những doanh nghiệp kê khai chi phí đầu vào, trong khi thực tế không có mua đầu vào.
Ngoài việc bị thiệt hại do vấn nạn tôn giả, tôn nhái, kém chất lượng, điều quan trọng hơn cả đó chính là môi trường kinh doanh bị cạnh tranh không lành mạnh bằng các chiêu thức gian dối. Như vậy, vô hình chung sẽ triệt tiêu động lực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chân chính trong nước, kéo theo việc suy giảm cả ngành công nghiệp tôn thép và dẫn đến thiệt hại cho nền kinh tế.
Theo lãnh đạo Tập đoàn Hoa Sen, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và của chính doanh nghiệp, Tập đoàn Hoa Sen đã phải lập tổng đài tư vấn khách hàng 18001515 nhằm giải đáp các thắc mắc của khách hàng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần lưu ý 2 vấn đề khi mua sản phẩm. Đó là nên tìm hiểu và trang bị cho mình kiến thức để phân biệt giữa tôn chính hãng và tôn giả, tôn nhái, tôn kém chất lượng, nhận biết được những mánh khóe gian lận thương mại trên thị trường. Tôn Hoa Sen chính hãng in rất rõ ràng và cụ thể các thông số về tiêu chuẩn chất lượng trên bề mặt. Đồng thời, để kiểm tra độ dày của tôn, khách hàng có thể dùng thiết bị đo palmer hoặc sử dụng phương pháp cân tấm tôn.
Những ảnh hưởng, thiệt hại nói trên là rất lớn, tuy nhiên đó cũng chỉ mới nói ở một lĩnh vực tôn thép. Thực tế hiện nay, trên thị trường hàng gian, hàng giả, hàng nhái đã có mặt hầu như tất cả mặt hàng, lĩnh vực. Chính vì vậy, mới đây ông Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan chức năng, hiệp hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng phải tích cực, quyết liệt chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Đây là việc phải làm thường xuyên, liên tục, đấu tranh không khoan nhượng, không ngừng nghỉ của cả hệ thống các cơ quan chức năng và người dân.
T.ĐỒNG