Doanh nghiệp vận tải hành khách: Cần sự hỗ trợ để vượt khó

Thứ bảy, ngày 21/03/2020

(BDO) Giao thông vận tải là một trong những lĩnh vực chịu tác động, ảnh hưởng rất lớn do dịch bệnh Covid-19, nhất là vận tải hành khách. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp đang “gồng mình” để đối phó. Cơ quan chức năng cũng đang lắng nghe kiến nghị của doanh nghiệp vận tải hành khách để tháo gỡ, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn chung này.


Doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng trên địa bàn tỉnh đang gặp khó trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, rất cần được hỗ trợ để duy trì hoạt động. Ảnh: MINH DUY

Lượng khách giảm mạnh

Ông Huỳnh Văn Trọng, Giám đốc Bến xe khách Bình Dương, cho biết trước tình hình dịch bệnh, lượng xe xuất bến và lượng khách trên các tuyến khách cố định giảm khoảng 30 - 40% so với trước. Cũng theo ông Trọng, hiện doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại bến xe khách tỉnh đang đối mặt với nhiều khó khăn do khách giảm, lượng khách vận chuyển ít khiến doanh nghiệp không có cơ hội hoàn vốn đối với các khoản chi phí nhiên liệu, phí cầu đường bộ. “Nhiều doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vận tải kiến nghị cơ quan chức năng cần mạnh tay xử lý và xóa bỏ tình trạng bến cóc, xe dù đang hoạt động gây cho doanh nghiệp khó khăn chồng chất, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp. Việc kinh doanh, vận chuyển giảm sút, nếu kéo dài có khả năng nhiều doanh nghiệp sẽ xin tạm dừng hoạt động trên tuyến đảm trách”, ông Trọng chia sẻ.

Ông Nguyễn Trung Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Cổ phần Phú Gia Khang, lo lắng cho biết hiện hoạt động vận chuyển hành khách trên tuyến buýt do doanh nghiệp đảm trách (tuyến Bến xe khách Bình Dương đi TP.Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) tùy thời điểm, lượng khách đi xe có chuyến giảm 50 - 70% khách khiến doanh nghiệp lỗ nặng vì thu không bù đắp được các khoản như chi phí quản lý, điều hành, nhiên liệu, cầu đường… “Để tiếp tục duy trì hoạt động trong thời điểm khó khăn này, chúng tôi đã xin phép Sở Giao thông - Vận tải để giảm số chuyến hoạt động từ Bến xe khách tỉnh đi TP.Đồng Xoài từ 94 chuyến/ngày giảm còn 74 chuyến/ngày. Nếu số lượng hành khách tiếp tục giảm, chắc chắn chúng tôi sẽ tiếp tục xin điều chỉnh giảm thêm để giảm các thiệt hại liên quan”, ông Đoàn nói.


Lượng khách thưa thớt trên các tuyến buýt do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến doanh nghiệp vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn

Trong khi đó, tương tự trước khó khăn của các doanh nghiệp khác, ông Vũ Quang Thanh, Giám đốc Công ty Cổ phần Phương Trinh, cho hay đơn vị cũng vừa trình kiến nghị xin phép Sở Giao thông - Vận tải điều chỉnh cắt giảm 100 chuyến/ ngày đối với 5 tuyến buýt do đơn vị đảm trách. Cụ thể, tuyến Thủ Dầu Một - Bến xe Miền Đông giảm từ 100 chuyến còn 70 chuyến/ngày; các tuyến Bến xe khách Bình Dương đi Tân Uyên, Dầu Tiếng, Bến Cát giảm từ 54 chuyến/ngày xuống còn 34 chuyến/ngày và tuyến đi Vĩnh Tân giảm 50% chuyến từ 22 chuyến còn 11 chuyến.

Trước tình hình khó khăn trên, đại diện các doanh nghiệp kinh doanh vận tải cũng đã có các tờ trình kiến nghị Sở Giao thông - Vận tải xem xét hỗ trợ phần chi phí hoạt động đối với loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh. Với khó khăn hiện tại, các đơn vị đã phải tính toán, cân đối để tiết giảm các khoản chi phí, thay đổi từ phương tiện lớn sang phương tiện nhỏ để giảm mức tiêu hao nhiên liệu. Với tình hình khó khăn hiện nay doanh thu từ bán vé không đủ bù chi phí, các doanh nghiệp sẽ khó cầm cự được lâu dài do không đủ nguồn kinh phí để bù đắp. Theo đó, trước mắt các doanh nghiệp kiến nghị Sở Giao thông - Vận tải làm việc với các đơn vị chủ đầu tư trạm thu phí trên địa bàn tỉnh thực hiện việc bán vé tháng, vé quý cho các xe buýt qua các trạm thu phí. Cụ thế với vé quý là 1,8 triệu đồng/tháng và vé tháng là 600.000 đồng/ tháng theo Quyết định số 1816/ QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Dương ngày 10-9-2008 về “Quy định mức thu phí cầu đường cho xe buýt trên địa bàn tỉnh Bình Dương”. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ 30% chi phí hoạt động cho 1 chuyến xe và xin được hỗ trợ trong năm 2020.

Hỗ trợ tháo gỡ khó khăn

Trao đổi với chúng tôi, ông Đàm Trọng Cường, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải tỉnh, cho biết hiện ngành giao thông - vận tải cả nước nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó vận tải hành khách đang chịu tác động mạnh. Hầu hết các thành viên hiệp hội đều cho hay doanh số, tần suất hoạt động, lượng hàng hóa, hành khách vận chuyển đều giảm sút so với trước thời điểm xảy ra dịch bệnh. Theo ông Cường, việc giảm sút ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp vận tải nói chung. “Ngoài giá nhiên liệu xăng dầu đã được Chính phủ điều chỉnh giảm, hai vấn đề khó khăn hiện tại doanh nghiệp vận tải đang gặp khó khăn, kiến nghị để tháo gỡ đó là lệ phí cầu, đường bộ và việc giảm, giản thuế do ảnh hưởng của dịch bệnh”, ông Cường nói. Cũng theo ông Đàm Trọng Cường, hiện hiệp hội đang tổng hợp tiếp thu kiến nghị, đề xuất của các thành viên để chính thức có đề xuất, kiến nghị đến cơ quan chức năng nhằm kịp thời tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vận tải.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Chí Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, cho biết ngày 18-3 sở đã có công văn gửi các đơn vị kinh doanh, khai thác vận tải về việc triển khai văn bản của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc điều chỉnh tạm thời phương án khai thác tuyến vận tải hành khách trong thời gian còn dịch bệnh Covid-19 và tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Để tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu thiệt hại và bảo đảm cho các đơn vị vận tải yên tâm trong hoạt động kinh doanh trong thời gian xảy ra dịch bệnh, hiện sở đang tiếp nhận, xem xét các kiến nghị của doanh nghiệp để trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết.

“Để giảm những thiệt hại cho các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải, Sở Giao thông - Vận tải đề nghị các các đơn vị căn cứ vào lượng hành khách trên các tuyến nếu thấy lưu lượng hành khách giảm đến mức cần cắt giảm số chuyến/lượt xe thì xây dựng lại phương án khai thác để áp dụng tạm thời trong thời gian còn dịch bệnh. Tuy nhiên, việc đề xuất cắt giảm của doanh nghiệp phải ghi rõ cụ thể số chuyến/lượt xe và thời gian cắt giảm, sau thời gian cắt giảm các đơn vị vận tải tiếp tục thực hiện phương án khai thác tuyến như cũ. Trường hợp đơn vị không có nhu cầu cắt giảm hoặc không báo về sở để xem xét, chấp thuận trước khi thực hiện phương án cắt giảm số chuyến/lượt xe tạm thời trên tuyến sẽ bị xem xét, xử lý vi phạm theo quy định”.

(Ông Nguyễn Chí Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải)

 MINH DUY