Doanh nghiệp và người dân gặp khó khi giá điện tăng
Cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 17 quy định về giá bán điện và hướng dẫn thực hiện. Theo đó, kể từ ngày 1-7 giá điện bình quân sẽ tăng lên 1.369 đồng/kWh chưa bao gồm thuế VAT. Như vậy so với mức giá 1.304 đồng/kWh hiện tại chưa bao gồm thuế VAT, giá điện mới tăng thêm 65 đồng/kWh, tương đương mức tăng 5%. Giá điện tăng sẽ tác động không nhỏ đến giá cả hàng hóa, dịch vụ
Theo bảng giá bán lẻ điện sinh hoạt mới đối với mức sử dụng từ kWh 0 đến 100 sẽ áp giá 1.284 đồng/kWh. Mức cao nhất áp dụng từ kWh 400 trở lên là 2.192 đồng/kWh. Riêng giá điện cho 50 kWh dành cho hộ có thu nhập thấp phải đăng ký được giữ nguyên mức 993 đồng/kWh. Đối với giá điện sản xuất, mức cao nhất là 2.306 đồng/kWh, còn giá điện kinh doanh cao nhất ở mức 3.539 đồng/kWh. Đối với giá bán lẻ điện tại những nơi chưa có lưới điện quốc gia, mức giá sàn là 2.054 đồng/kWh và giá trần là 3.423 đồng/kWh.
Trước đó, vào tháng 3-2011, giá điện đã tăng thêm 15% và tiếp tục tăng thêm 5% nữa vào cuối tháng 12 năm ngoái lên 1.304 đồng/kWh. Với mức tăng 5% lần này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng sau khi tăng giá điện, doanh thu bán điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam dự kiến tăng thêm 3.710 tỷ đồng, tương ứng với sản lượng điện thương phẩm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam dự kiến từ ngày 1-7 đến ngày 31-12-2012 là 56,800 triệu kWh, bao gồm cả sản lượng điện xuất khẩu sang Campuchia được sử dụng cho việc bù đắp tăng giá than (tăng lên từ 10 -11%) và một phần các chi phí còn treo của các năm trước. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng khẳng định lần tăng giá điện này không có sự thay đổi về đối tượng áp giá, cơ cấu biểu giá mà chỉ điều chỉnh mức giá đối với những đối tượng theo cơ cấu Quyết định 268/TTg ngày 3-2-2011 của Thủ tướng Chính phủ. Việc điều chỉnh giá bán điện ngày 1-7-2012 có tác động không lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. Tâp đoàn này vẫn ví dụ những hộ nghèo, hộ thu nhập thấp sử dụng điện sinh hoạt đến 50 kWh/tháng không bị tác động do giữ nguyên giá bán điện 993 đồng/kWh. Các hộ sử dụng điện sinh hoạt bình thường 100 kWh/tháng tăng chi 4.200 đồng/tháng, sử dụng 150 kWh/tháng, tăng chi 8.600 đồng/tháng, sử dụng 200 kWh/tháng tăng chi 14.050 đồng/tháng, sử dụng 300 kWh/tháng tăng chi 26.050 đồng/tháng và sử dụng 400 kWh/tháng tăng chi 38.950 đồng/tháng.
Tuy nhiên, trên thực tế khi giá điện tăng đồng nghĩa với chi phí đầu vào nguyên liệu tăng, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và giá thành sản phẩm là điều không thể tránh khỏi. Một số doanh nghiệp (DN) sản xuất cho biết, giá điện tăng tất nhiên sẽ ảnh hưởng tới chi phí sản xuất, giá nguyên vật liệu... Giám đốc Công ty TNHH Liên Phát Trương Thị Thúy Liên, cho biết Nhà nước đang triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ DN, trong đó có việc giảm giá xăng dầu kịp thời, nhưng lại tăng giá điện trong thời điểm hiện nay chẳng khác nào dồn DN vào thế khó khi việc giảm giá xăng dầu chưa kịp phát huy tác dụng. Bà Liên cho biết chi phí sử dụng điện bình quân hàng tháng của DN Liên Phát khoảng 400 triệu đồng, nay giá điện tăng đồng nghĩa DN sẽ phải chi thêm khoảng 50 - 60 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, DN phải tăng lương tối thiểu cho công nhân theo quy định, chi phí bảo hiểm, khiến chi phí đầu ra của sản phẩm đội lên ngày càng cao... Tất cả những cái đó sẽ góp phần làm giảm tính cạnh tranh của DN.
Đứng ở góc độ người dân, tuy ngành điện đã giải thích rõ chỉ tăng giá điện ở mức 5% và tác động không nhiều tới đời sống sinh hoạt, nhưng nhiều người vẫn cảm thấy khó khăn trong điều tiết chi tiêu sinh hoạt trong thời gian tới. Anh Trần Quang Vũ, ngụ Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một, bày tỏ ngoài xăng dầu và gas, điện có tác động nhiều đến chi phí sản xuất nên giá thành các mặt hàng hóa thiết yếu cũng sẽ được điều chỉnh tăng theo. Thực tế cho thấy, giá xăng dầu, gas hạ nhưng giá cả dịch vụ vẫn không giảm theo. Nay giá điện tăng, tất nhiên giá cả các mặt hàng thiết yếu cũng theo đó mà leo thang, khiến cuộc sống người dân khó được cải thiện!
TRÚC HUỲNH