Doanh nghiệp tư nhân cần nhất môi trường cạnh tranh bình đẳng

Thứ bảy, ngày 03/10/2015

(BDO) Tại hội thảo “Động lực phát triển kinh tế tư nhân” vừa diễn ra chiều nay, tại Hà Nội, các đại biểu cho biết: quá trình phát triển kinh tế- xã hội 5 năm (2010 - 2015) và hội nhập kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp nước ta, mà trong đó số lượng lớn là doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tư nhân, có những đóng góp lớn vào thành tựu phát triển kinh tế đất nước.

Hằng năm khu vực này góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách, đồng thời tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội như tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo…

Doanh nghiệp tư nhân đóng góp trên 40% GDP mỗi năm (Ảnh minh họa: Báo Nghệ an)

Theo thống kê, hiện doanh nghiệp tư nhân thu hút khoảng 51% lực lượng lao động cả nước và tạo khoảng 1,2 triệu việc làm, đóng góp trên 40% GDP mỗi năm. Mặc dù có sự phát triển những năm qua, nhưng đa phần các doanh nghiệp tư nhân thường có quy mô nhỏ hay là những hộ kinh doanh cá thể. Do đó thiếu kinh nghiệm, yếu về tài chính, các kỹ năng quản trị, chưa có chiến lược kinh doanh bài bản rõ ràng… đây chính là những trở ngại, thách thức đặc biệt là trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng như hiện nay.

Ông Nguyễn Thanh Duy, Chủ tịch HĐQT, Kiêm Tổng Giám đốc, Công ty TNHH Hạnh Duy, tỉnh An Giang nêu thực tế: “Hiện nay, doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn về kiến thức, về quản trị do đội ngũ nhỏ lẻ, trong quá trình phát triển doanh nghiệp tư duy quản trị còn yếu kém. Thêm vào đó để vay vốn thì việc tiếp cận rất khó do đòi hỏi về tài sản tín chấp…”

Để khối doanh nghiệp tư nhân phát triển và tạo ra sức bật cho nền kinh tế thì việc hỗ trợ từ phía Chính phủ và nhà nước nhằm tạo ra môi trường thông thoáng và hỗ trợ nhiều hơn cho khối doanh nghiệp này là rất cần thiết. Vì vậy, cần có những giải pháp đồng bộ cải thiện về môi trường đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp mà trọng tâm là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp trẻ về: cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, đất đai, cấp phép xây dựng, thủ tục đầu tư, tiếp cận nguồn vốn, môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch…

Về phía doanh nghiệp tư nhân cũng cần phát huy tính chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao tính cạnh tranh như: tái cơ cấu lại sản phẩm hàng hóa, mở rộng thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào từng sản phẩm…

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng: “Quan trọng nhất cho khu vực kinh tế tư nhân là cần tạo dựng một môi trường cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt đối xử. Doanh nghiệp tư nhân hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, nhà nước cần có những chương trình để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt khi tham gia vào công cuộc hội nhập phải có những chương trình để hỗ trợ giảm bớt những bất lợi về quy mô của doanh nghiệp tư nhân để có thể cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp lớn”./.

Theo VOV