Doanh nghiệp tự chủ, nâng cao sức cạnh tranh
(BDO) Đánh giá cao nỗ lực sản xuất, sự tự chủ trong việc chuẩn bị nguồn lực của doanh nghiệp (DN) trong “mùa 2” Covid-19, ngành công thương nỗ lực hỗ trợ, tạo điều kiện để thúc đẩy DN tăng tốc sản xuất, phát triển bền vững.
Sản xuất tại chi nhánh Công ty Giày da Đông Hưng (KCN Sóng Thần 2, TP.Dĩ An)
Vượt khó
Dù phải trải qua giai đoạn đối mặt với nhiều khó khăn, song đến nay các DN ở Bình Dương vẫn tương đối lạc quan trong tình hình sản xuất, kinh doanh. Sau Tết Nguyên đán, rất nhiều DN đã khôi phục lại sản xuất, có mức tăng trưởng khá. So với năm 2020, đến thời điểm này tâm thế, sự chuẩn bị nguồn lực… của DN đã có bước chủ động và vững vàng hơn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sau một năm đầy khó khăn, các DN ngành giày da đã cócác đơn hàng trởlại vàđến nay sản xuất, xuất khẩu tương đối ổn định dù đơn hàng nhận được còn ít so với thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh. Trước đó, dù doanh thu bị ảnh hưởng song với sự cố gắng không ngừng, các DN vẫn bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động. Đến nay, rất nhiều công ty trong ngành đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, máy móc để khi tình hình kinh tế thế giới khôi phục, có thể nhận nhiều đơn hàng lớn để bù lại. Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủtịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, cho biết mức phục hồi của ngành giày dép Việt Nam so với các nước khác nhanh hơn. Đến nay, nhiều DN đã nhận được đơn hàng đến giữa và cuối năm sau. Sự phục hồi của ngành giày dép phụ thuộc khá lớn vào tình hình dịch bệnh Covid-19. Năm 2021, nếu dịch bệnh được khống chế, ngành giày dép sẽ có cơ hội bứt phá vì chuỗi cung ứng thế giới đang được sắp xếp lại và dự tính sẽ dịch chuyển về Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN.
Là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực, ngành dệt may Bình Dương cũng không tránh khỏi suy thoái dưới tác động của đại dịch. Và hiện nay, khi đơn hàng trở lại, các DN đã cẩn thận xem lại kế hoạch, chiến lược, nhu cầu hoạt động và thị trường hiện tại. Các DN cũng cân nhắc vận hành các dòng sản phẩm khác nhau và đa dạng hóa các lĩnh vực “kinh doanh ngách” sang những mặt hàng mới hoặc phát triển thị trường. Với kỳ vọng, sau đại dịch, cơ hội lội ngược dòng sẽ đến và việc phát triển thiết kế vải và sản xuất trong nước cũng thuận lợi hơn.
Theo thông tin từ hiệp hội cơ điện, một điều đáng vui mừng là trong khó khăn dịch bệnh Covid, nhiều DN cơ điện trên địa bàn vẫn nỗ lực tăng trưởng. Đi tìm lời giải cho vấn đề này chúng tôi được biết việc đứt gãy nguồn cung buộc các DN trong ngành tìm kiếm thêm nguyên liệu trong nước, bảo đảm đơn hàng xuất khẩu. Đây là điểm tích cực mà dịch bệnh gián tiếp mang lại cho cộng đồng DN trong nước. Bên cạnh đó, các DN đầu tư nước ngoài có nhà máy tại Việt Nam nhận ra rằng cần liên kết với các nhà sản xuất ở các nước để ứng phó với các tình huống khó lường trong giai đoạn nhiều biến động. Chính vì thế có rất nhiều DN chuyên sản xuất những mặt hàng điện tử gia dụng, máy móc công nghiệp đặt hàng những sản phẩm cơ khí chính xác, linh kiện điện tử, xi mạ… Đây là cơ hội cho các nhà cung cấp, sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong nước phát triển và mở rộng thị trường. Theo dự báo của ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương, trong năm 2021, DN sản xuất về cơ khí sẽ có nhiều cơ hội.
Tạo điều kiện thuận lợi
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, khẳng định ngành công thương tiếp tục nỗlực thực hiện các chương trình hỗtrợ DN khôi phục sản xuất, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch. Hiện nay, ngành đã triển khai nhanh các chính sách hỗtrợ từ Trung ương, nắm bắt tình hình hoạt động của DN để kịp thời đề ra các giải pháp hỗ trợ thiết thực trong điều kiện bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Sau Tết Nguyên đán 2021, Sở Công thương tiếp tục tổ chức rà soát, nắm tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, hiệp hội. Hiện sở đã trình UBND tỉnh phê duyệt nội dung Chương trình Hội nhập kinh tế quốc tế năm 2021 của tỉnh; báo cáo về việc tổng hợp góp ý của các thành viên UBND tỉnh đối với dự thảo Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) trên địa bàn tỉnh gửi UBND tỉnh. Đồng thời tổchức xây dựng phần mềm nghiệp vụ trên nền tảng ứng dụng web, ứng dụng di động, tạo lập cơ sở dữ liệu ngành, đào tạo hướng dẫn sử dụng thuộc đề án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu ngành công thương”.
Trước mắt, để hỗ trợ các DN xuất khẩu thuận lợi, ngành công thương đã có văn bản gửi Cục Xuất nhập khẩu việc hỗtrợ DN về tình trạng hạn chế chỗtrên tàu, container và tăng giá cước vận tải đường biển. Sở cũng đã gửi văn bản đến Cục Phòng vệ thương mại góp ý về dự thảo Bản trả lời câu hỏi của Chính phủ trong vụ việc Canada điều tra chống bán phá giá đối với ghế bọc đệm của Việt Nam. Về việc tạo cơ hội để các DN công nghiệp hỗtrợ tiếp cận, kết nối với các DN sản xuất đầu cuối, ngành công thương sẽtạo mọi điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, muốn đón được cơ hội này, các DN phải chuẩn hóa về sản phẩm, từ nguyên liệu, các khâu sản xuất đến giá thành cạnh tranh. Bên cạnh đó, các DN trong nước phải liên kết mạnh mẽ hơn, những DN còn nhỏ, yếu về vốn, trình độ phải biết ngồi lại với nhau để chia sẻ thông tin, công nghệ và đơn hàng.
TIỂU MY