Doanh nghiệp trong nước: Tạo nền tảng vững chắc để phát triển
(BDO)
Dây chuyền sản xuất thép lá cán nguội của Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Tăng trưởng khá
Năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 8,95% so với năm 2018. Nổi bật, chỉ số phát triển công nghiệp của tỉnh tăng 9,86%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 27 tỷ 781 USD, tăng 15,6%, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt trên 5 tỷ USD; thặng dư thương mại đạt gần 7 tỷ USD. Trong năm, vốn đầu tư trong nước trên địa bàn tỉnh đạt 52.983 tỷ đồng, tăng 7,9% so với năm trước. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 41.765 DN trong nước đăng ký kinh doanh, tổng vốn đăng ký 353.961 tỷ đồng.
Đánh giá về tình hình sản xuất của các DN trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương, cho rằng mặc dù tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức nhưng nhìn chung các DN của tỉnh vẫn tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng cao và ổn định, theo đúng kế hoạch đề ra, tạo dựng nền tảng vững chắc cho giai đoạn tiếp theo.
Qua nắm tình hình các DN, hiệp hội ngành hàng trên địa bàn tỉnh cho thấy, việc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực đã tạo động lực tốt đến tình hình xuất khẩu của tỉnh. Cụ thể, hợp đồng xuất khẩu của các DN trong tỉnh tăng 10 - 15% so với năm trước; giá nguyên liệu trong nước và nhập khẩu tương đối ổn định, cộng thêm nguồn lao động (kể cả lao động quản lý và lao động phổ thông) làm việc tại các DN sản xuất tương đối ổn định…
Ông Dành cho biết, để đạt được những kết quả nói trên ngành công thương đã tham mưu để tỉnh thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của DN thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương. Bên cạnh đó, ngành đã triển khai hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại ở trong và ngoài nước; triển khai nhiều chương trình hỗ trợ phát triển công nghiệp… Các hoạt động này đã góp phần tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, khuyến khích DN trong nước phát triển…
Tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ
Ông Tadahiro Kawada, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Kawada Technologies (Nhật Bản), cho biết khoa học - công nghệ ngày càng trở thành nguồn lực quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Chính vì vậy, các DN Việt Nam cần thay đổi nhận thức về vai trò của công nghệ và tăng cường đầu tư vào đổi mới công nghệ. Chỉ có đổi mới công nghệ mới nâng cao được năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh của DN trong tình hình hiện nay.
Theo ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Hiệp Long (TX.Thuận An), với xu hướng tiêu dùng đồ gỗ hiện đại và sự phát triển công nghệ chế biến gỗ đã đạt đến đỉnh cao, đây chính là thời điểm chín muồi để DN đầu tư cho công nghệ. Là ngành xuất khẩu thế mạnh của tỉnh, tạo ra giá trị gia tăng cao song ngành gỗ đang chịu sức ép cạnh tranh ngày càng lớn, đòi hỏi phải sớm giải quyết bài toán năng suất, chất lượng. Với việc ứng dụng các dây chuyền chế biến gỗ có độ chính xác cao, công năng đa dạng không chỉ đáp ứng được những đơn hàng lớn mà còn giúp DN giảm được áp lực về lao động.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc, cho biết mới đây công ty đã triển khai xây dựng dây chuyền sản xuất thép lá cán nguội với tổng vốn đầu tư gần 250 tỷ đồng. Việc đưa vào hoạt động hệ thống dây chuyền sản xuất thép lá cán nguội đã đánh dấu một chặng đường mới của công ty trên bước đường hội nhập và phát triển; đáp ứng kịp thời những đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn của thị trường. Công ty sẽ tiếp tục phát huy thành quả đạt được, hoạt động hiệu quả để cung cấp ra thị trường sản phẩm có chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng muốn nâng cao năng suất chỉ ứng dụng công nghệ thôi là chưa đủ. Thực tế tầm nhìn, chiến lược của người điều hành mới là chìa khóa để DN cải tiến chất lượng lẫn năng suất. Ông Bernd Kahrert, chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty HOMAG Việt Nam (Đức), chia sẻ vấn đề lớn nhất của DN Việt Nam không phải là công nghệ mà là tư duy quản lý, tầm nhìn chiến lược, nguồn nhân lực... Bởi, công nghệ có thể đầu tư để thay đổi một cách nhanh chóng nhưng việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ hiểu biết và khả năng vận hành lại khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều. Nếu đầu tư dây chuyền, công nghệ hiện đại mà không có cách quản trị tốt, đội ngũ công nhân kỹ thuật vận hành hiệu quả thì đó là một hình thức lãng phí.
TIỂU MY