Doanh nghiệp trong nước đầu tư vào các khu công nghiệp: Nâng tầm thương hiệu, khẳng định vị thế
Trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước quan tâm đầu tư mạnh vào các khu công nghiệp (KCN) tập trung của Bình Dương. Điều này rất phù hợp với chủ trương phát triển công nghiệp bền vững mà Bình Dương kêu gọi, đồng thời cũng cho thấy năng lực của DN trong nước ngày càng được khẳng định.
Sản xuất sợi tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thiên Nam
Tăng tốc
Cùng kết quả khả quan trong các lĩnh vực khác, thu hút đầu tư trong nước 9 tháng qua tiếp tục khởi sắc với 12.131 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh. Kết quả này đã nâng số lượng DN có vốn đầu tư trong nước tại Bình Dương hiện nay lên 14.754 DN, với tổng vốn đầu tư 115.170 tỷ đồng. Đáng ghi nhận ở nguồn vốn đầu tư trong nước là ngày càng nhiều dự án đầu tư vào các KCN để sản xuất các mặt hàng công nghiệp có khả năng cạnh tranh tốt ở thị trường trong và ngoài nước. Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, trong quý III năm 2013 tiếp tục có thêm nhiều DN mới được cấp phép đầu tư, như Công ty TNHH MTV Thiên Nam Hà đầu tư 46 tỷ đồng xây dựng nhà máy tại KCN An Tây (huyện Bến Cát) để sản xuất thực phẩm chức năng; quy mô nhà máy được xây dựng trên diện tích hơn 12.000m2 với công suất sản xuất 490 tấn/ năm. Mới đây, Chi nhánh Công ty TNHH Anh Thy đã đầu tư 50 tỷ đồng xây nhà máy tại KCN Nam Tân Uyên (huyện Tân Uyên); nhà máy có công suất sản xuất 50.000 sản phẩm thiết bị điện - điện tử, thiết bị cơ khí, các sản phẩm khác bằng kim loại và lắp ráp tủ điện động lực và điều khiển với công suất 5.000 tủ/năm...
Trước đó, chỉ tính riêng trong nửa năm đầu 2013 đã có hơn 418,5 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước được đầu tư vào các KCN, tăng 42,54% so với cùng kỳ năm 2012 và đạt 139% kế hoạch năm. Trong đó cấp mới 11 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 407 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần về số dự án và tăng 38,55% về vốn so với cùng kỳ. Ban Quản lý các KCN cho biết, trong điều kiện chung còn nhiều khó khăn, nhưng đầu tư trong nước tăng mạnh vào các KCN là tín hiệu đáng mừng. Từ kết quả DN trong nước đầu tư mạnh vào các KCN trong năm 2013, đã nâng dự án do DN trong nước đầu tư vào các KCN lên đến 383 dự án, với tổng vốn đầu tư 24.379 tỷ đồng trong tổng số 1.248 dự án trong và ngoài nước còn hiệu lực tại các KCN do Ban quản lý.
Khẳng định thương hiệu Việt
Đầu tư của DN trong nước vào các KCN tại Bình Dương không chỉ gia tăng về lượng mà còn nổi bật về chất trong tất cả các lĩnh vực hoạt động. Trong đó những thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước như Hoa Sen, Đại Thiên Lộc đầu tư vào các KCN Sóng Thần; bánh kẹo Kinh Đô đầu tư vào KCN VSIP I; Tôn Đông Á đầu tư vào KCN Sóng Thần I và KCN Đồng An II…
Đầu tư vào các KCN, nhiều DN đạt hiệu quả cao và tiếp tục chọn KCN để đầu tư thêm nhiều nhà máy mới. Trong đó Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thiên Nam (Công ty Thiên Nam) là minh chứng sống động. Khởi đầu năm 2002, nhà máy sợi Thiên Nam 1 đi vào hoạt động tại KCN Đồng An 1, TX.Thuận An. Sau thành công của nhà máy Thiên Nam 1, Công ty Thiên Nam đã mạnh dạn mở rộng, tăng năng lực sản xuất bằng việc đầu tư xây dựng thêm các nhà máy mới tại KCN dệt may Bình An, TX.Dĩ An. Đến nay, Công ty Thiên Nam đã có 4 nhà máy sợi tại các KCN của tỉnh với tổng công suất gần 150.000 cọc, hàng năm cung ứng cho thị trường khoảng 25.000 tấn sợi các loại, trong đó xuất khẩu 80%; đạt tổng doanh thu khoảng 1.500 tỷ đồng và tạo việc làm ổn định cho hơn 1.600 lao động. Với môi trường đầu tư thuận lợi, sợi Thiên Nam đã khẳng định thương hiệu, góp phần quan trọng nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho ngành dệt may Việt Nam và tạo dựng hình ảnh thương hiệu Việt ở thị trường ngoài nước.
Nổi bật trong các DN trong nước đầu tư vào KCN Bình Dương, năm 2013 Công ty Cổ phần sữa Việt Nam đã đưa 2 nhá máy với tổng vốn đầu tư hơn 200 triệu USD vào hoạt động. Trong đó, nhà máy sữa bột trẻ em tại KCN VSIP I khánh thành vào tháng 4-2013 được xây dựng trên diện tích 6 ha với tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng (tương đương 100 triệu USD), công suất thiết kế đạt 54.000 tấn sữa bột/năm. Đây là một trong những nhà máy sữa hiện đại nhất khu vực châu Á được Vinamilk đầu tư chuyên sản xuất sữa bột cho trẻ em. Nhà máy ra đời giúp người tiêu dùng trong nước được sử dụng những sản phẩm sữa có chất lượng tốt, sản xuất trên dây chuyền khép kín, giá cả hết sức cạnh tranh; đồng thời xuất khẩu những sản phẩm sữa chất lượng cao của Việt Nam ra nước ngoài và tăng tốc đưa Vinamilk trở thành một trong 50 DN sữa lớn nhất thế giới với doanh số 3 tỷ USD vào năm 2017.
Sau nhà máy tại KCN VSIP I, tháng 9 vừa qua, Vinamilk tiếp tục đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất sữa nước hiện đại bậc nhất thế giới nhằm cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu tại KCN Mỹ Phước 2. Nhà máy sữa Việt Nam được xây dựng trên diện tích 20 ha có tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng với công suất siêu lớn, hơn 400 triệu lít sữa/năm trong giai đoạn 1 và sẽ tăng lên 800 triệu lít sữa/năm trong giai đoạn 2. Việc ra đời nhà máy sữa Việt Nam hiện đại bậc nhất thế giới đã nâng cao vị thế của ngành công nghiệp sữa Việt Nam và đồng thời ghi dấu ấn Việt Nam trên bản đồ ngành công nghiệp sữa thế giới. Nói như bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vinamilk, đây cũng là niềm tự hào của người Việt Nam, đã xây dựng được những nhà máy hiện đại xứng tầm thế giới để từ đây sản phẩm sữa Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn tiếp tục hiện diện tại nhiều nước trên thế giới.
T.MINH