Doanh nghiệp tìm cách giữ chân người lao động sau Tết
Việc chăm lo đời sống cho công nhân trong dịp Tết là cách được các doanh nghiệp áp dụng.
Từ nhiều năm nay, cứ sau dịp nghỉ Tết là xảy ra tình trạng công nhân nghỉ việc, chuyển việc. Tình trạng đó đã gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp thiếu công nhân làm việc. Dự đoán trước tình hình, ngay từ thời điểm này, nhiều doanh nghiệp ở Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giữ chân người lao động. Trong đó, việc chăm lo đời sống cho công nhân trong dịp Tết là cách được các doanh nghiệp áp dụng.
Ảnh minh họaVới hơn 2.000 công nhân lao động, Công ty TNHH Denso Việt Nam, khu công nghiệp Bắc Thăng Long đã sớm có kế hoạch chăm lo tết cho công nhân lao động. Theo bà Phạm Thị Phương – Trưởng ban Nữ công của Công ty: mặc dù tình hình sản xuất, kinh doanh năm nay gặp nhiều khó khăn nhưng công ty vẫn chuẩn bị quỹ thưởng Tết 2013 cho công nhân: “Để khuyến khích người lao động, công ty cũng cố gắng giữ mức thưởng trung bình cho người lao động là 3,1 tháng lương cho toàn bộ công nhân lao động”.
Trước nỗi lo thiếu công nhân sau Tết, nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, chế xuất Hà Nội cho rằng: việc chăm lo đời sống hằng ngày và chi trả lương thưởng cuối năm cho công nhân tốt là cách tốt nhất để “giữ chân” người lao động. Bà Lê Thị Huyền, Cán bộ công đoàn Công ty Yamaha Nội Bài cho biết: “Công ty cũng đã có nhiều chương trình phúc lợi trước và sau Tết Nguyên đán. Đồng thời, công đoàn của công ty cũng tổ chức thăm hỏi, tặng quà Tết, hỗ trợ xe và tiền xe cho công nhân về quê ăn Tết. Thưởng 2-3 tháng lương cho công nhân tùy theo mức làm việc”.
2 năm qua, nhiều doanh nghiệp ở Hà Nội đã giảm đáng kể tình trạng công nhân nghỉ việc hoặc chuyển việc sau khi về quê ăn tết. Chị Đặng Thị Nhung, công nhân Công ty IEEC, Khu công nghiệp Bắc Thăng Long cho biết, mặc dù khó khăn, phải nghỉ nhiều vì không có việc nhưng Công ty cũng đã tăng lương cho người lao động nên chị không muốn chuyển công ty: “Thời điểm bây giờ tìm một công việc không phải dễ, mà tôi cũng làm ở công ty lâu rồi, quen công việc nữa nên muốn gắn bó lâu dài với công ty”.
Theo ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch Công đoàn Các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, những năm gần đây số lượng công nhân lao động nghỉ việc sau tết không nhiều vì các công ty, doanh nghiệp đã có chế độ đãi ngộ tốt cho công nhân lao động. Đồng thời có sự chỉ đạo sát sao của công đoàn Khu công nghiệp thường xuyên xuống cơ sở nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động để từ đó phối hợp với người lao động để giải quyết, để từ đó người lao động yên tâm gắn bó và làm việc tại doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trả lương thưởng Tết, việc hỗ trợ tiền tàu xe, lì xì năm mới cũng chỉ là những biện pháp tình thế mang tính thời vụ, không đủ hấp dẫn để níu kéo người lao động ở lại hoặc quay về làm việc sau kỳ nghỉ Tết. Bởi vậy, ông Đặng Minh Thuần, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội cho rằng: “Doanh nghiệp cần có giải pháp đồng bộ, như hỗ trợ xe đưa đón công nhân, trả thu nhập cao hơn cộng với trợ cấp, phụ cấp. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần điều chỉnh về quy định tiền lương tối thiểu vùng cho các doanh nghiệp để cho người lao động đảm bảo cuộc sống”.
Cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập, đa dạng hóa các dịch vụ, phúc lợi xã hội, thực sự chăm lo thiết thực tới công nhân lao động là biện pháp lâu dài mới thu hút được công nhân toàn tâm, toàn ý phục vụ doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, có thể doanh nghiệp còn chưa đáp ứng hết nhu cầu cho công nhân thì người lao động cũng cần chia sẻ khó khăn, cùng "chung lưng, đấu cật" với doanh nghiệp giữ vững ổn định sản xuất.
Theo VOV