Doanh nghiệp thường thiệt thòi nếu thuê đất tư nhân

Thứ tư, ngày 29/08/2012

Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, nhiều cơ sở, doanh nghiệp (DN) không làm ăn được thì không có tiền trả tiền thuê đất làm mặt bằng sản xuất - kinh doanh; còn nơi làm ăn được thì bị chủ đất liên tục đòi tăng giá. Tại những khu đắc địa, các hợp đồng thuê đất sau khi hết hạn đều bị phía chủ đất tăng từ 20 - 30% khi ký hợp đồng mới. Hầu hết cơ sở, DN thuê đất sản xuất - kinh doanh thường thiệt đơn, thiệt kép khi bị chủ đất đòi lại mặt bằng. Trong khi đó, giá thuê mặt bằng sản xuất - kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp luôn ổn định và có cơ chế ưu đãi. Dưới đây là những tâm sự của chính những người trong cuộc:

* Ông Phan Thế Hải, Công ty TNHH Triệu Phú Lộc: “Đi cũng dở, mà ở cũng không xong!”

Trong lúc tình hình sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn do giá cả nguyên liệu đầu vào đều tăng, hàng hóa đầu ra ế ẩm thì chúng tôi còn phải đối phó với việc chủ đất gia tăng giá thuê đất. Trước đây, giá thuê 4.000m2 mặt bằng làm nơi sản xuất là 42 triệu đồng/tháng, nay tăng lên 50 triệu đồng/tháng và truy thu từ đầu năm 2012. Hiện chúng tôi đang thương lượng với chủ đất vì DN hiện đang gặp rất nhiều khó khăn; đồng thời tìm mặt bằng mới nếu không đạt được thỏa thuận với chủ đất cũ.

Nói chung là chúng tôi đang rất lo lắng, bởi trong tình hình khó khăn như hiện nay thì “đi cũng dở, mà ở cũng không xong!”.

* Ông Huỳnh Quang Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Long: Nếu chưa đủ điều kiện mua đất thì vào KCN để yên ổn làm ăn

Bản thân tôi đã từng rất khổ sở vì phải thuê đất để làm nhà xưởng. Ngày trước, tôi thuê đất ở Linh Xuân (Thủ Đức) giáp ranh xã An Bình (TX.Dĩ An). Ngày đó, vùng này còn vắng vẻ nên chủ đất năn nỉ chúng tôi thuê. Đến khi khu vực này có nhiều DN đến làm ăn thì chủ đất đòi tăng giá, mặc dù chưa hết hạn hợp đồng! Đang làm ăn ngon trớn, bị chủ đất đòi lại mặt bằng nên tôi rất “sốc”. Trăn trở, tính toán mãi, tôi mạnh dạn trả mặt bằng, dùng số tiền tích lũy hàng chục năm để đi mua đất, xây dựng nhà xưởng và làm ăn ổn định đến ngày nay.

Thực tế có rất nhiều chủ đất thấy phía thuê đất làm ăn thuận lợi thì nảy sinh lòng tham, lấy lại mặt bằng để tự mở cơ sở sản xuất - kinh doanh. Thậm chí có nhiều chủ đất mở cơ sở kinh doanh ngay trên nền đất công ty cũ, với cùng mặt hàng, bảng hiệu của người thuê đất để dành khách hàng mà “người cũ” không thể nào kiện chủ đất! Khi được hỏi vì sao không kiện chủ đất vi phạm hợp đồng, nhiều người dở khóc dở cười cho biết: “Họ là chủ đất, mình kiện biết có được gì hay còn mất thêm án phí?”.

Từ kinh nghiệm của chính bản thân, tôi khuyên các DN khác: Nếu chưa đủ điều kiện mua đất thì nên vào các KCN thuê đất để được hưởng các quy chế ưu đãi đầu tư, từ đó mới có thể yên ổn làm ăn.

* Bà  Đỗ Thị Kim Loan, Giám đốc Công ty TNHH TM-SX Sao Nam: DN nên mạnh dạn vào các KCN để ổn định sản xuất

Đã có rất nhiều DN làm ăn không thua lỗ chỉ vì bị chủ đất o ép, nhất là đối với những mặt tiền “đắc địa”. Riêng Công ty Sao Nam tuy gặp dữ, nhưng hóa lành. Năm 2010, vụ hỏa hoạn do chập điện gần như thiêu rụi toàn bộ tài sản của Công ty Sao Nam, thiệt hại 29 tỷ đồng. Nhìn cơ ngơi gầy dựng suốt 5 năm trời bỗng chốc biến thành đống tro tàn, gạch vụn khiến tôi gục ngã. Lúc ấy, KCN Nam Tân Uyên đã cho chúng tôi thuê nhà xưởng và tạo điều kiện di dời. Sau 5 tháng cấp tốc lắp đặt máy móc, nhập nguyên liệu, đội ngũ công nhân lao động trở lại làm việc, Sao Nam bắt đầu xuất khẩu đợt hàng đầu tiên. Đến năm 2011, Sao Nam bứt phá lập kỷ lục sau 7 năm hoạt động với doanh số 62 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so năm 2009. Dự toán năm 2012, công ty đạt doanh số 80 tỷ đồng. Hiện Sao Nam đã ký hợp đồng thuê đất, xây dựng nhà xưởng mới cũng ngay tại KCN Nam Tân Uyên. Sau khi xây dựng xong, chúng tôi sẽ di dời máy móc sang nhà máy mới của mình.

Qua trải nghiệm thực tế của chính bản thân, tôi khuyên các DN nên mạnh dạn vào các KCN để ổn định sản xuất, bởi có “an cư thì mới lạc nghiệp”.

BẢO ANH (thực hiện)