Doanh nghiệp thích ứng với công nghệ 4.0
(BDO) Sau 2 năm chịu những tác động lớn từ đại dịch Covid-19, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với thế giới, cùng với tác động từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp (DN) đang đứng trước tình huống buộc phải thay đổi để thích ứng, tồn tại và phát triển.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Gốm sứ Tân Toàn Phát (TX.Tân Uyên)
Muốn tồn tại phải thay đổi
Là 1 trong 3 nhà sản xuất, xuất khẩu gốm sứ hàng đầu của Bình Dương, Công ty Tân Toàn Phát đang nỗ lực không ngừng để thích ứng sau đại dịch, giữ vững việc đưa các sản phẩm gốm sứ đặc trưng của Bình Dương đến với thị trường trong và ngoài nước. Ông Vũ Thế Liêm, Phó Giám đốc sản xuất nhà máy Công ty TNHH Tân Toàn Phát (TX.Tân Uyên), cho biết đại dịch kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế, nhiều DN trong nước phải thay đổi cách vận hành để tồn tại. Các DN buộc phải tăng năng suất, giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả sản xuất dựa vào các thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việc áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới để sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh đang là đòi hỏi sống còn của các DN ngành gốm sứ.
Ông Trần Công Vinh, Giám đốc Công ty Cổ phần Thiên Nam (TP.Dĩ An), cho rằng trong bối cảnh hiện nay, lao động thiếu hụt, mức lương nâng lên buộc DN phải lựa chọn một hướng đi để thích ứng, phát triển. DN phải hướng vào việc đầu tư công nghệ tự động hóa, đổi mới quy trình quản lý. Thiên Nam lấy khoa học, công nghệ tạo ra động lực thúc đẩy “sản xuất thông minh”, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.
Ông Nguyễn Liêm, thành viên Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, cho rằng với làn sóng đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển vào Việt Nam dẫn đến tình trạng khan hiếm lao động. Điều này đã khiến các DN chế biến gỗ đối diện với nhiều khó khăn. “Bài toán mà DN chế biến gỗ đang đối mặt không đơn giản, cần có một tầm nhìn mới, một tư duy sâu; tư duy lại mô hình sản xuất của mình, ứng dụng công nghệ để gia tăng nội lực”, ông Liêm nhận định.
Tăng tương tác với khách hàng
Để đối phó với dịch bệnh Covid-19 vừa qua, Công ty Gỗ An Cường (huyện Bắc Tân Uyên) chọn cách ứng dụng công nghệ vào công tác bán hàng. Cụ thể, công ty này vừa cho ra mắt thêm app (ứng dụng) bán hàng online mới có tên AnCuong Catalogue, đồng thời ký thêm hợp đồng với hai đối tác về thương mại điện tử để đưa sản phẩm của mình lên sàn. Ứng dụng AnCuong Catalogue có thể sử dụng trên các điện thoại thông minh, máy tính bảng, chứa tất cả các thông số, tư liệu về cả 3 công ty của thương hiệu gỗ An Cường. Khi khách hàng chọn một loại sản phẩm bất kỳ nào của gỗ An Cường, sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm, hướng dẫn lắp đặt… Ngoài ra, sự ưu việt của ứng dụng bán hàng này là khi khách hàng đã cài, thì tất cả các thông tin về giá cả, sản phẩm mới, khuyến mại, ưu đãi khách hàng… sẽ tự động cập nhật và thông báo cho người tiêu dùng.
Hiện không chỉ đối với các DN sản xuất mà nhiều thương hiệu bán lẻ đã nhanh chóng điều chỉnh mô hình kinh doanh của mình cho phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Các DN tập trung nhiều hơn vào các kênh bán hàng trực tuyến và tìm hiểu các chiến lược mới nhằm tiếp cận và thu hút thêm nhiều khách hàng. Ngay đến các ông lớn cũng xuất hiện thường xuyên hơn trên các chiến dịch quảng cáo, khuyến mại hấp dẫn nhằm tiếp cận nhiều hơn đến người tiêu dùng.
“Trên thực tế, các siêu thị đã nhanh chóng áp dụng mô hình đa kênh đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, bao gồm các kênh trực tuyến (website, ứng dụng, điện thoại…) và các kênh trực tiếp giúp tương tác với người mua mọi lúc mọi nơi. Do vậy, BigC Bình Dương cũng ráo riết gia nhập cuộc đua số hóa các dịch vụ bằng việc nhanh chóng nắm bắt hành vi người tiêu dùng, khai thác tối đa các kênh trực tuyến, các ứng dụng bán hàng, tận dụng các kênh giao hàng và thúc đẩy tích hợp đa kênh. Chính điều này không chỉ tạo ra sự tương tác hai chiều tốt giữa khách hàng và dễ tiếp cận sản phẩm hơn”, ông Võ Nhất Vũ, Giám đốc Siêu thị BigC Bình Dương, chia sẻ.
TIỂU MY