Doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng: Nỗ lực gỡ khó cho doanh nghiệp trong nước
Theo định hướng của tỉnh, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) sẽ giúp nền công nghiệp địa phương tham gia sâu vào chuỗi giá trị gia tăng, thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài (FDI) có hàm lượng công nghệ cao vào tỉnh. Hiện nay, có rất ít doanh nghiệp (DN) trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
(BDO)
Sản xuất linh kiện điện tử chính xác tại Công ty CNC (KCN Đồng An, TX.Thuận An). Ảnh: TIỂU MY
Doanh nghiệp còn thiếu thông tin
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết trước đây, tỉnh dành 300 ha tại KCN Bàu Bàng để thu hút các dự án đầu tư lĩnh vực CNHT. Trong những năm gần đây, khu công nghiệp này được mở rộng lên 1.000 ha nhằm đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư vào CNHT của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang thực hiện Đề án Định hướng phát triển cụm CNHT trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, một vấn đề đáng lưu ý hiện nay là có rất ít DN trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng cho các DN FDI. Nguyên nhân lớn nhất là do thiếu thông tin, tiếp đó là thiếu sự cạnh tranh về giá cả, chất lượng. Đây cũng là thực trạng chung của các DN Việt Nam hiện nay. Điều các DN cảm thấy khó khăn nhất là thiếu thông tin để đánh giá đầy đủ về năng lực và nhu cầu của nhau.
Theo ông Nguyễn Chí Toàn, Giám đốc Marketing của Công ty Liên doanh TNHH KCN Việt Nam - Singapore khu vực miền Nam và miền Trung, hiện KCN Việt Nam - Singapore có khoảng 90% DN FDI. Tuy nhiên, việc các DN trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng cho các DN FDI còn khá hiếm. Nguyên nhân được cho là do giá cả của các DN CNHT trong nước cao hơn các nước, bởi quy mô DN trong nước nhỏ, chi phí làm ra sản phẩm cao...
Về vấn đề thông tin, ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương, nói: “Dù hiện nay, các DN cơ điện trên địa bàn tỉnh được các đối tác trong và ngoài nước đánh giá cao về năng lực nhưng số DN sản xuất cho khách hàng là DN FDI trên địa bàn rất ít. Thời gian qua, chúng tôi có rất ít thông tin về các DN FDI trên địa bàn. Chúng tôi mong muốn được các ngành chức năng hỗ trợ nhằm có thông tin kịp thời về các DN FDI để DN cơ điện có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng tốt nhất. Liên quan đến vấn đề giá cả, ông Trọng cho biết chưa hẳn đó là rào cản, vì trên thực tế rất nhiều khách hàng của các DN thành viên hiệp hội khi đi tìm kiếm đối tác tại các nước láng giềng, cuối cùng vẫn chọn đối tác Việt Nam, dù giá thành ở đây có cao hơn một chút.
Ở tầm vĩ mô, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng vướng mắc không hẳn nằm ở phía thực lực DN, mà do việc thực thi kế hoạch phát triển lĩnh vực CNHT chưa tốt. Thời gian qua, các DN trong nước đã có nhiều nỗ lực phát triển chuỗi cung ứng cho các DN FDI nhưng họ vẫn lúng túng không biết làm thế nào khi chính sách chưa đồng bộ. Thừa nhận những bất cập, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), cho biết bộ sẽ sớm tham mưu sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị định 111 về phát triển CNHT.
Tăng cường kết nối
Ông Toàn đánh giá, kết nối là kênh quan trọng để các DN Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng với các DN FDI. Vấn đề là làm thế nào để kết nối thành công? Hiện nay, hàng quý Ban Quản lý KCN Việt Nam - Singapore đều tổ chức các ngày hội kết nối các DN. Các DN Việt Nam cần chuẩn bị thông tin rõ ràng về năng lực của mình để giới thiệu đến DN FDI, trong đó chú trọng năng lực sản xuất, năng lực quản lý. Khi thương thảo hợp đồng, DN trong nước cần tuân thủ thời gian giao hàng, vì đây vẫn là hạn chế của các DN Việt Nam. Với kinh nghiệm 20 năm thu hút đầu tư, KCN Việt Nam - Singapore sẵn sàng hỗ trợ các DN, hiệp hội ngành hàng tại Bình Dương cũng như cả nước tham gia vào chuỗi cung ứng.
Theo ông Frank Weiland, Giám đốc hợp phần kết nối DN nước ngoài Dự án kết nối DN nhỏ và vừa của USIAD (Hoa Kỳ), muốn tham gia vào chuỗi cung ứng thì sự nỗ lực của các DN Việt Nam là rất quan trọng. Việc đầu tư công nghệ máy móc hiện đại chưa phải là giải pháp quan trọng nhất, mà quan trọng là đào tạo lao động sử dụng công nghệ và tìm hiểu nhu cầu của khách hàng. Khi muốn tham gia vào chuỗi cung ứng, DN Việt Nam phải hiểu được DN nước ngoài cần cái gì, mong muốn cái gì để bán cái người ta cần, thay vì bán cái mình có; sau đó là quản lý sản phẩm sau khi ký kết hợp đồng.
Bà Hà cho biết thêm, Sở Công thương sẽ sớm đề xuất với các ngành chức năng phối hợp cùng VSIP để tìm ra hướng đi cụ thể hơn nhằm đẩy mạnh việc kết nối cho các DN trong nước với DN FDI. Về phía các DN trong nước, cần nỗ lực nâng cao năng lực, tìm hiểu cách vận hành của các đối tác quốc tế, chuẩn bị những điều kiện đầy đủ để tham gia vào chuỗi cung ứng.
Để thực hiện hóa mục tiêu phát triển CNHT, Bình Dương nỗ lực thực hiện các giải pháp về phát triển nguồn nhân lực tại chỗ. Thực tế cho thấy, việc gắn kết chương trình đào tạo nhân lực của địa phương với nhân lực các nước trong khu vực và trên thế giới theo hướng chuẩn hóa quốc tế tại các trường Đại học Quốc tế Miền Đông, Đại học Việt Đức hiện nay sẽ mở ra thế mạnh về nguồn nhân lực chuẩn quốc tế của tỉnh trong tương lai gần.
Toàn tỉnh hiện có 3.500 dự án FDI với tổng đăng ký hơn 32,5 tỷ USD. Đáng chú ý, hơn 70% vốn FDI đầu tư vào các khu công nghiệp, đúng định hướng của tỉnh, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực CNHT. Theo Sở Công thương, đến nay trên địa bàn tỉnh có 2.277 DN sản xuất kinh doanh liên quan đến lĩnh vực CNHT, gồm dệt may có 442 DN, da giày có 172 DN, chế biến gỗ 953 DN, cơ khí 710 DN.
TIỂU MY