Doanh nghiệp tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật

Thứ hai, ngày 25/02/2019

(BDO) Với trách nhiệm xã hội của mình, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã dành một số chỉ tiêu để tuyển và tạo việc làm cho người khuyết tật (NKT). Từ đó, giúp NKT hòa nhập, vươn lên trong cuộc sống.

Cơ hội việc làm cho người khuyết tật

Mỗi năm tuyển dụng từ 4 - 10 NKT vào làm tại các nhà xưởng ở TX.Dĩ An và TX.Bến Cát là con số mà Công ty TNHH Yazaki EDS đã thực hiện suốt nhiều năm qua. Tính đến nay, công ty hiện có hơn 30 NKT đang làm việc. Tránh sự kỳ thị, phân biệt giữa NKT và người lành lặn, công ty không đặt ra cơ chế riêng cho họ mà để họ cùng làm, cùng sinh hoạt với mọi công nhân. Chị Phạm Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch Công đoàn Công ty Yazaki, cho biết NKT hầu hết được tuyển dụng qua sự hỗ trợ của Hội Bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh. Hội có nhiệm vụ tổng hợp hồ sơ xin việc của NKT để gửi công ty xem xét, phỏng vấn, tuyển dụng. Đa phần NKT không có tay nghề nên khi vào làm việc công ty phải đào tạo thêm.

Lao động khuyết tật làm việc tại Công ty TNHH II-VI được nhận những phần quà Tết Kỷ Hợi 2019 của Liên đoàn Lao động tỉnh

Công ty TNHH II-VI Việt Nam (KCN VSIP I), nhiều năm qua cũng được biết đến là “ngôi nhà chung” của nhiều NKT. Hiện nay, công ty có khoảng 10 NKT đang làm việc tại đây. Họ chủ yếu là khiếm thính, khuyết tật chân. Để động viên, khuyến khích NKT làm việc, cống hiến sức lực, trí tuệ cho công ty, ngoài lương, thưởng, công ty thường xuyên ưu tiên để họ được nhận những phần quà lễ, tết từ các cấp công đoàn. Gần đây nhất, quà tết tặng cho công nhân khó khăn từ Liên đoàn Lao động tỉnh, công ty đã ưu tiên 5 phần cho lao động khuyết tật. Được quan tâm, tạo điều kiện làm việc và hưởng các chế độ phúc lợi, NKT cảm thấy ấm lòng. Ngoài 2 công ty nêu trên, trên địa bàn tỉnh hiện còn nhiều công ty tạo điều kiện hỗ trợ, tạo việc làm cho NKT. Đó là việc làm ý nghĩa để NKT vươn lên hòa nhập cộng đồng, từ bỏ tự tin, mặc cảm.

Cần có chính sách ưu đãi cho DN tuyển lao động NKT

Hiện nay, theo thống kê trên địa bàn tỉnh có trên 16.000 NKT. Rất nhiều NKT chưa qua đào tạo, đã được học nghề đều mong muốn một cơ hội học nghề để có công việc và thu nhập ổn định. Tuy nhiên, họ bị hạn chế về thông tin và cơ hội trao đổi trực tiếp với DN. Bởi vậy, ngoài nhiệm vụ đào tạo, Trung tâm Dạy nghề NKT tỉnh còn liên kết với DN, để tìm việc làm cho NKT. Theo đó, mỗi năm trung tâm giới thiệu khoảng 20 NKT vào làm tại các công ty, cơ sở sản xuất lớn, nhỏ trong tỉnh.

Cơ hội việc làm tại các DN không chỉ dành cho NKT trong tỉnh mà ngay những NKT từ các tỉnh đến Bình Dương mong muốn có việc làm ổn định cũng được hỗ trợ, giải quyết. NKT có nhu cầu xin việc làm sẽ gửi đơn đến Hội Bảo trợ NKT - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh. Hội tổng hợp số lượng NKT xin việc để liên hệ với các DN cần tuyển dụng lao động. DN cử người đến văn phòng hội phỏng vấn trực tiếp, hoặc hội đưa NKT đến tận nhà máy để phỏng vấn. Sau khi gặp gỡ, trao đổi, đơn vị tuyển dụng và NKT sẽ ký hợp đồng thử việc. NKT thử việc, học việc được trả lương theo quy định của Luật Lao động.

NKT có nhiều sự hỗ trợ để được xin việc làm, nhưng thực tế cho thấy hiện nay số NKT được tuyển dụng vào làm việc tại các DN vẫn còn hạn chế. Bà Đặng Thị Minh Thu, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề NKT, cho biết theo quy định để được hưởng chính sách vốn vay với lãi suất ưu đãi, DN phải đáp ứng điều kiện là có trên 30% lao động là NKT. Đáp ứng điều kiện này không dễ dàng; trong khi chưa nhận được ưu đãi từ chính sách, DN vẫn phải thực hiện chế độ ưu đãi về giờ làm, giờ nghỉ cho lao động khuyết tật theo quy định của pháp luật. Điều này gây trở ngại, khó khăn cho các DN. Vì thế, các chủ DN không muốn tuyển dụng lao động khuyết tật vào làm việc. Để khuyến khích DN tuyển dụng lao động là NKT cần có chính sách ưu đãi cho DN, bảo đảm chính sách đi vào cuộc sống.

THIÊN LÝ