Doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất, hàng vạn lao động mất việc trước Tết
(BDO)
Các trung tâm dịch vụ việc làm tăng cường tổ chức kết nối việc làm cho lao động mất việc cuối năm.
Trong một tháng trở lại đây, hàng trăm doanh nghiệp gặp khó khăn đã phải cắt giảm lao động, tạm dừng sản xuất, chủ yếu tập trung tại một số ngành như dệt may, da giày, gỗ… Hàng trăm nghìn lao động đã rơi vào tình trạng bị giảm giờ làm, thậm chí mất việc. Họ đang phải chật vật lo cho cuộc sống, tìm việc làm mới và cần được hỗ trợ kịp thời.
88% lao động bị ảnh hưởng ở khu vực phía Nam
Thông thường cuối năm luôn là thời điểm hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động nhất, thế nhưng năm nay, nhiều doanh nghiệp đã phải thông báo tạm dừng sản xuất do thiếu đơn hàng. Thậm chí, số lượng lao động phải nghỉ việc lên tới cả nghìn người.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, gần 1.200 lao động của Công ty trách nhiệm hữu hạn Tỷ Hùng (ở quận Bình Tân, 100% vốn nước ngoài), chuyên sản xuất giày da xuất khẩu đã được thông báo sẽ phải thôi việc từ ngày 1/12/2022 do công ty không có đơn hàng, phải thu hẹp sản xuất. Tiếp theo Công ty trách nhiệm hữu hạn Tỷ Hùng, Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Nam Samho (huyện Củ Chi; có tổng số 8.733 người lao động) cũng dự kiến giảm hơn 1.400 công nhân trong tổng số 8.733 người lao động vì thiếu đơn hàng, khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tình trạng lao động mất việc hàng loạt không chỉ xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh mà còn đang là thực trạng nhức nhối tại nhiều tỉnh, thành khác. Bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đến nay có 25 địa phương, đơn vị, ngành báo cáo có người lao động bị ảnh hưởng đến việc làm, đời sống. Trong đó, ngành nghề bị ảnh hưởng chủ yếu là chế biến gỗ, dệt may, da giày; một số doanh nghiệp điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch…
Số doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng là 441 doanh nghiệp (trong đó có 331 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm hơn 75%) với tổng số 624.786 lao động tại 25 tỉnh, thành phố. Chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam với 68% tổng số doanh nghiệp, hơn 88% tổng số lao động bị ảnh hưởng.
Theo thống kê của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có 562.400 người lao động bị giảm giờ làm (chiếm 90%); 31.370 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động (chiếm 5,02%); 31.012 người lao động nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ hưởng lương ngừng việc (chiếm 4,98%).
Đặc biệt, có đến gần 90.000 người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp với số tiền khoảng hơn 2.000 tỷ đồng. Gần 2.000 người lao động bị nợ lương với số tiền 70 tỷ đồng.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết vừa qua nhiều doanh nghiệp ở lĩnh vực gỗ, dệt may, da giày bị giảm đơn hàng, đây là tình trạng bất khả kháng của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp đang rất nỗ lực, khi chưa có đơn hàng, các doanh nghiệp đang cố gắng sắp xếp, bố trí việc làm cho lao động.
“Nhiều đơn vị đã sử dụng hết phép 2022 và tiếp tục ứng phép 2023 để giữ chân người lao động. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp mới thành lập, khả năng tích lũy và sự chịu đựng có hạn nên đã có thông báo cho người lao động mới ký hợp đồng nghỉ việc,” ông Ông Trần Thanh Hải nói.
Theo ông Trần Thanh Hải, đối với lao động phải nghỉ việc, các cấp công đoàn cũng phải hết sức lưu tâm đến từng hoàn cảnh khó khăn cụ thể. Chẳng hạn như cả hai vợ chồng đều rơi vào tình cảnh mất việc thì các đơn vị phải nỗ lực để một người có việc làm.
Tranh thủ nâng cao kỹ năng nghề
Trước thực trạng hàng vạn lao động đang bị mất việc làm ngay trước Tết, các chuyên gia cho rằng cần phải nhanh chóng triển khai các giải pháp hỗ trợ, kết nối việc làm cho người lao động bởi thời điểm cuối năm thị trường sôi động cũng là cơ hội để tìm việc làm mới.
Dù số lượng lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng 27 % so với cùng kỳ, nhưng theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh thì thành phố này vẫn có nhu cầu tuyển dụng cuối năm là 43.000 người. Đây là cơ hội lớn cho những lao động các ngành dệt may, da giày, lĩnh vực đồ gỗ hay là điện tử đang chịu ảnh hưởng bởi làn sóng cắt giảm nhân sự cuối năm có thể tìm việc làm mới.
Ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng hiện nay, trên thị trường cũng có rất nhiều doanh nghiệp cần tuyển lao động. Trung tâm Dịch vụ việc làm cần nắm thông tin thị trường lao động, kết nối giải quyết việc làm nhanh nhất, phù hợp nhất với người lao động lúc khó khăn.
Ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết Cục Việc làm đã lưu ý các địa phương hướng dẫn doanh nghiệp cho người lao động nghỉ việc thực hiện đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi của công nhân lao động. Cục Việc làm cũng yêu cầu các Trung tâm Dịch vụ việc làm tăng cường kết nối, giới thiệu việc làm cho những lao động bị mất việc.
Bên cạnh việc giới thiệu việc làm cho người lao động mất việc, ông Trần Thanh Hải nhận định đây người lao động nên tranh thủ giai đoạn này để học tập, nâng cao kỹ năng, tay nghề để ứng phó với tình hình mới.
Đồng tình với quan điểm của Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, ông Lê Quang Trung cho rằng bên cạnh việc chủ động tìm nguồn hàng để bố trí việc làm đều đặn cho người lao động, doanh nghiệp nên tăng cường đào tạo nghề dự phòng cho họ. Các đơn vị nên lên kế hoạch chuẩn bị, sắp xếp, bố trí nhân sự sau khi tiếp nhận các đơn hàng trong tương lai.
“Trong lúc ngắt quãng sản xuất này, doanh nghiệp nên tổ chức nâng cao trình độ cho người lao động để sau đó doanh nghiệp có thể đón đầu việc phục hồi, phát triển kinh tế, tái cấu trúc, chuyển đối cơ cấu ngành nghề tiếp nhận đơn hàng trong thời gian tới,” ông Lê Quang Trung nói./.
Theo TTXVN