Doanh nghiệp sẽ “chết oan”, nếu…
(BDO) Vụ việc Đội 14 Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.Hà Nội bắt giữ, niêm phong 2,2 tấn xúc xích của Vietfoods (Cơ sở kinh doanh và chế biến thực phẩm Việt - xã An Tây, TX.Bến Cát, Bình Dương) bán cho Công ty Thương mại thực phẩm Hùng Anh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cuối cùng cũng đã có kết luận chính thức.
Tại buổi họp báo về vụ việc này vào ngày 29-5 vừa qua, Cơ sở kinh doanh và chế biến thực phẩm Việt đưa ra một văn bản của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) ký ngày 23-5-2016 kết luận: Cục An toàn thực phẩm có ý kiến chất Sodium Nitrate 251 không phải là chất cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Cục An toàn thực phẩm khẳng định Cơ sở kinh doanh và chế biến thực phẩm Việt không sai, xúc xích Vietfoods đáp ứng được các quy chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm hiện hành.
Đáng chú ý, khi lập biên bản vi phạm hành chính, Đội 14 Chi cục QLTT TP.Hà Nội đã quay phim, chụp ảnh, cung cấp thông tin cho báo chí và truyền hình với nội dung sản phẩm Vietfoods đã sử dụng chất cấm, chất gây ung thư không được Bộ Y tế cho phép lưu hành. Cơ sở kinh doanh và chế biến thực phẩm Việt cho biết, hậu quả từ thông tin trên báo chí xuất phát từ Đội 14 Chi cục QLTT TP.Hà Nội đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở, như: Cơ sở phải ngừng sản xuất, công nhân nghỉ việc, hàng hóa bị trả về... Việc Đội 14 Chi cục QLTT TP.Hà Nội lạm quyền, tùy tiện kiểm tra, tạm giữ và thông tin cho các cơ quan báo chí xúc xích nhãn hiệu Vietfoods chứa chất cấm gây ung thư mà không có căn cứ pháp luật đã gây tổn hại đến thương hiệu và thiệt hại cho cơ sở sản xuất.
Trước vụ việc này, mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo giao Bộ Công thương chủ trì, cùng Bộ Y tế và UBND TP.Hà Nội khẩn trương kiểm tra, xem xét, giải quyết nội dung phản ánh, kiến nghị của Cơ sở kinh doanh và chế biến thực phẩm Việt. Thủ tướng cũng yêu cầu các đơn vị được giao có văn bản trả lời cho cơ sở và báo cáo kết quả cho Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay, chủ trương của Chính phủ là tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển với nỗ lực hợp pháp hóa, hiện thực hóa, quyền tự do kinh doanh, bảo đảm an toàn tài sản cho nhà đầu tư. Thế nhưng, đây đó vẫn tồn tại tình trạng tắc trách, vô cảm với doanh nghiệp. Bên cạnh những thiệt hại đong đếm được của doanh nghiệp do sản phẩm của họ bị người tiêu dùng tẩy chay “oan”, còn có một thiệt hại vô hình khác, đó là sự mất mát lòng tin.
Doanh nghiệp sẽ “chết oan” nếu như cơ quan chức năng làm việc thiếu trách nhiệm, tắc trách hoặc có một quyết tâm ý chí “không trong sáng” thì có thể đẩy doanh nghiệp vào chỗ khó, thậm chí “chết oan” như vụ Vietfoods là một ví dụ cụ thể.
NHẬT HUY