Doanh nghiệp rất cần được “tiếp sức”
(BDO) Tại cuộc gặp gỡ với lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành mới đây, đại diện các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp (DN) kiến nghị nhiều vấn đề cần được quan tâm giải quyết để thuận lợi hơn trong sản xuất, kinh doanh (SXKD). Cụ thể như DN khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, chính sách ổn định giá thuê đất, xây dựng nhà ở xã hội và nhà trẻ cho con em công nhân tại các khu, cụm công nghiệp…
Hoạt động sản xuất gỗ tại Công ty Triệu Phú Lộc, huyện Bắc Tân Uyên
Tiếp thêm nguồn lực
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, cho biết tình hình SXKD của DN gỗ đang chịu không ít ảnh hưởng của thị trường thế giới. Các quốc gia thắt chặt chính sách tín dụng, lạm phát có xu hướng tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh và chưa có tín hiệu khả quan cho giai đoạn cuối năm 2022. Các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, châu Âu có tỷ lệ đơn hàng xuất khẩu giảm. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu sản xuất, vận chuyển cũng đồng loạt tăng mạnh dẫn đến tình trạng nhiều nhà máy phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. Trong khi đó các DN khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Ông Nguyễn Liêm kiến nghị các bộ, ngành và tỉnh cần có chính sách hỗ trợ giảm lãi suất ngân hàng, ân hạn, giãn nợ, không giảm “room” tín dụng; có giải pháp bình ổn giá nguyên vật liệu, phí vận chuyển. Cùng với đó, cần tăng cường các chương trình xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số, cải tiến công nghệ…
Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, cho biết DN dệt may trong nước sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức từ nội tại khi chi phí vận tải cao gấp 3 lần so với mức trung bình 5 năm trở lại đây, bất lợi về tỷ giá khiến dệt may Việt Nam giảm sức cạnh tranh, mất cân đối lao động. Theo bà Trang, thời điểm hiện tại, nhiều DN dệt may đã có đơn hàng đến quý III-2022, thậm chí hết năm 2022 nhưng chưa thể dự đoán được thị trường sẽ thế nào của giai đoạn tiếp theo vì phụ thuộc rất nhiều vào tình hình thế giới. Bên cạnh đó, đa số DN trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn trên thế giới đã tiếp nhận những yêu cầu “xanh hóa trong sản xuất”. Rào cản lớn nhất hiện nay với các DN là khoản đầu tư lớn về máy móc, công nghệ.
“Hiện nay, các DN nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn để áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường, phòng cháy, chữa cháy, chuyển đổi số. DN mong muốn được “tiếp thêm oxy” để duy trì và phát triển sản xuất. Hiệp hội Dệt may tỉnh kiến nghị Trung ương, tỉnh có giải pháp hỗ trợ DN tiếp cận các nguồn vốn vay, có chính sách cho thuê đất ổn định và được hỗ trợ chi phí thuê đất. Cần thông báo cụ thể danh sách các DN cần di dời vào khu, cụm công nghiệp và thời gian di dời để DN chủ động sắp xếp hoạt động”, Bà Trang kiến nghị.
Đại diện Hiệp hội Logistics Bình Dương, ông Nguyễn Quang Sang, cho biết hệ thống giao thông kết nối của tỉnh tương đối tốt, tuy nhiên vẫn xảy ra tình trạng ùn tắc, nhất là các tuyến đường huyết mạch như Quốc lộ 13, Mỹ Phước - Tân Vạn. Hệ thống kho bãi trên địa bàn tỉnh quy mô nhỏ và rải rác. Do đó, ông mong muốn tỉnh tiếp tục có giải pháp khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông và quy hoạch đồng bộ hệ thống giao thông, kho bãi phục vụ hoạt động vận tải, góp phần giảm chi phí logistics cho DN.
Gỡ khó cho doanh nghiệp
Về việc hỗ trợ các DN tiếp cận vốn, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh tỉnh, cho biết đã triển khai nhiều giải pháp, chính sách nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN trong việc tiếp cận vốn phục vụ SXKD. Trong đó, ngân hàng chú trọng 5 lĩnh vực ưu tiên: Phát triển nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; DN nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; DN ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 31 ngày 20-5-2022 hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Đây là một “kênh” tín dụng quan trọng giúp DN phục hồi nhanh sau dịch Covid-19. Để tăng khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng, ngoài những giải pháp từ phía Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng, bản thân DN cần cơ cấu lại hoạt động, chứng minh năng lực, tạo niềm tin để các tổ chức tài chính yên tâm cấp tín dụng.
Trước những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của DN, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi yêu cầu UBND tỉnh, các sở, ngành nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, thật sự vào cuộc chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng DN, “xem khó khăn của DN là khó khăn của chính mình”. UBND tỉnh cần kiện toàn tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho DN một cách sát thực, tránh hình thức. “Những vấn đề trong thẩm quyền phải giải quyết, trả lời ngay, những vấn đề vượt quá thẩm quyền thì ghi nhận báo cáo cấp trên để giải quyết thấu đáo. Chính sách Trung ương đã có phải vận dụng, khai thác triệt để tạo thuận lợi nhất cho DN”, ông Nguyễn Văn Lợi chỉ đạo.
Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định ngay trong thời khắc khó khăn này, chính sự nỗ lực của các DN, hiệp hội ngành hàng đã góp phần cùng tỉnh phục hồi và phát triển. UBND tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các kiến nghị của DN. Ông yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi, chỉ đạo trong quá trình triển khai đối với các kiến nghị đã trả lời, đồng thời sớm trả lời, giải quyết các nội dung còn vướng mắc. Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho DN tiếp tục duy trì các kênh thông tin, kịp thời nắm bắt hoạt động SXKD của các hiệp hội ngành hàng, DN nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho DN duy trì và phát triển hoạt động SXKD.
TIỂU MY - CẨM TÚ