Doanh nghiệp phát triển cùng địa phương
Đó là nhận xét chung của các doanh nhân trên địa bàn tỉnh. Nhiều lãnh đạo công ty cho rằng, sự lớn mạnh của đơn vị luôn gắn liền với quá trình phát triển mạnh mẽ về kinh tế- xã hội của Bình Dương trong những năm qua.
Ông Lý Ngọc Bạch, Giám đốc Công ty Gốm sứ Cường Phát (TX. Thuận An): Doanh nghiệp luôn được quan tâm
(BDO) Sau ngày đất nước thống nhất, Bình Dương đã lớn mạnh không ngừng. Được sống trong môi trường lành mạnh, không còn chiến tranh đã đem lại sự phấn khởi cho các tầng lớp nhân dân. Đối với các doanh nhân, tỉnh Bình Dương luôn có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp (DN). DN Gốm sứ Cường Phát đã ngày càng lớn mạnh bên cạnh sự nỗ lực của DN còn chính là nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo trong tỉnh.
Không những thế, mặt hàng gốm sứ của tỉnh Bình Dương ngày càng lan tỏa mạnh trên thị trường thế giới cũng chính là nhờ cơ chế thông thoáng mà chính quyền đã đem lại cho DN.
Nghệ nhân Tư Bốn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tư Bốn (TP. Thủ Dầu Một): Phát triển kinh tế đi đôi với bảo tồn văn hóa
Ngành nghề truyền thống tại tỉnh Bình Dương như gốm sứ, sơn mài, điêu khắc gỗ, làm guốc mộc… có lịch sử hàng trăm năm, gắn liền với lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngành nghề truyền thống từng bước được phục hồi mà đỉnh cao là những năm 60 - 70 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, theo thời gian một số ngành nghề bị mai một, có nguy cơ mất hẳn. Đây là nỗi lo cho những nghệ nhân tên tuổi, những người giữ hồn, giữ gìn bản sắc văn hóa Bình Dương cho thế hệ sau này. May mắn là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ đều rất quyết tâm phát triển kinh tế Bình Dương nhưng vẫn giữ vững bản sắc văn hóa địa phương; trong đó Làng sơn mài Tương Bình Hiệp đang được tỉnh quan tâm và đầu tư nhằm khôi phục làng nghề có cả trăm năm tuổi nay.
Chúng tôi rất hy vọng, sự quan tâm sâu sắc của các cấp lãnh đạo sẽ tạo điều kiện thuận lợi để cho tất cả làng nghề truyền thống của Bình Dương có điều kiện hồi sinh và phát triển nhằm bảo tồn những yếu tố truyền thống cho thế hệ sau này.
Ông Trần Thành Trọng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai (TX.Bến Cát): Bình Dương có nhiều cơ hội để đến lập nghiệp
Từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, tôi đã nghĩ tới việc sau này về Bình Dương làm ăn, phát triển kinh doanh. Thực tế, Bình Dương là một mảnh đất có nhiều cơ hội cho các bạn trẻ lập nghiệp và có môi trường đầu tư rất hấp dẫn. Chẳng hạn, năm 2008 khi tôi quyết định tìm nhà xưởng để sản xuất máy điện công nghiệp tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, nhưng khi đến Bình Dương tôi đã chọn nơi này. Bởi lẽ, không chỉ được tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư mà tôi còn tin tưởng vào chính sách nhất quán, ưu đãi cho doanh nghiệp (DN) của tỉnh.
Từ khi mở rộng nhà máy, đi vào sản xuất tại Bình Dương đến nay, tôi khẳng định chưa phải tốn một đồng phí bôi trơn hay lót tay nào cho dịch vụ cả. Ngược lại, sự quan tâm thường xuyên, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN khiến chúng tôi được tạo nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển vững mạnh theo thời gian. Tuy nhiên, việc được lãnh đạo tỉnh tạo điều kiện thuận lợi, ưu ái đầu tư không có nghĩa là DN ỷ lại, đòi hỏi các quyền lợi vô cớ. Bởi DN ở đâu cũng phải tự vận động, đổi mới, sáng tạo để làm ăn có hiệu quả. Vì thế, chúng tôi luôn xem việc lãnh đạo tỉnh tạo thuận lợi, giúp đỡ là động lực để phát triển.
P.HIẾU - K.VINH (ghi)