Doanh nghiệp nỗ lực sản xuất, kinh doanh, duy trì tăng trưởng
(BDO) Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn rất khó đoán định, nhu cầu hàng hóa tại nhiều thị trường lớn sụt giảm, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hàng hóa của Bình Dương chủ động triển khai nhiều giải pháp, giữ vững đà hồi phục tích cực.
Chuyển mình theo xu hướng
Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 16 tỷ 299 triệu đô la Mỹ, đạt 48% kế hoạch, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Trong đó thặng dư thương mại đạt gần 4,8 tỷ đô la Mỹ. Kim ngạch nhập khẩu ước 11 tỷ 521 triệu đô la Mỹ, đạt 48% kế hoạch, tăng 9,9% so cùng kỳ. Đây là những minh chứng cho sự nỗ lực lớn từ cộng đồng DN.
Ông Jang Jin Han, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina (Khu công nghiệp Mỹ Phước 2), chia sẻ: “Công ty đạt kế hoạch tăng trưởng trong những tháng đầu năm 2024 nhờ nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm cùng sứ mệnh bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Công ty đang cố gắng chuyển mình theo hướng phát triển bền vững, tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, đồng thời thực hiện tốt trách nhiệm xã hội”.
Với nỗ lực của DN, sự đồng hành hỗ trợ của tỉnh, sản xuất, kinh doanh phục hồi tích cực. Trong ảnh: Sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty TNHH Đại Hoa (TP.Tân Uyên). Ảnh: TIỂU MY
Theo ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Giày da túi xách tỉnh, các DN đang kỳ vọng từ đây đến cuối năm sẽ có sự tăng trưởng đột phá. Giày dép, túi xách cũng là ngành hàng tận dụng được nhiều lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết.
Gần đây, nhiều tập đoàn bán lẻ đa quốc gia đã đến Việt Nam để tìm thêm nguồn cung ứng hàng hóa. Theo dự báo, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi tốt hơn so với đầu năm. Như vậy, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người tiêu dùng cũng tăng, là cơ hội để DN giày dép và các ngành hàng khác mở rộng xuất khẩu.
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội cho biết nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao do tình hình kinh tế Việt Nam và thế giới chuyển biến tích cực, các DN tại Bình Dương đã nhận được nhiều đơn hàng mới, mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm. Các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao như may mặc, da giày, điện tử, cơ khí, chế biến thực phẩm...
Nhiều thách thức cần vượt qua
Theo bà Trương Thúy Liên, Tổng Giám đốc Công ty Liên Phát (TP.Dĩ An), từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất, xuất khẩu đã có dấu hiệu phục hồi khá hơn so với năm 2023. Giày dép sản xuất tại Bình Dương xuất qua nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, chịu tác động rất lớn khi thời gian vận chuyển hàng hóa tăng gấp 1,5 lần, chi phí tăng từ 10 - 20%. Ngoài xuất khẩu thì nhập khẩu nguyên liệu cũng chịu tác động tương tự”.
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Để hỗ trợ các DN thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu cũng như đạt được kế hoạch, mục tiêu đề ra năm 2024, đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục nỗ lực, quyết tâm cao hơn trong hoạt động chỉ đạo, điều hành. Trong đó, chủ động, phối hợp chặt chẽ, phát huy những kết quả đạt được, tranh thủ mọi nguồn lực, cơ hội, tập trung hỗ trợ DN sản xuất, kinh doanh đạt kết quả cao, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. |
Được biết trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ngành giày da ước đạt 879,3 triệu đô la Mỹ, tăng 8,4% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 5,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tuy nhiên, các DN trong ngành cho biết đang đối diện với vấn đề nhằm phát triển bền vững.
Cụ thể, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư Thái Bình (TBS Group), cho biết: “Mặc dù ngành giày dép đã có dấu hiệu phục hồi sau thời gian dài bị tác động xấu bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong năm 2024, chuỗi cung ứng giày dép vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức từ những xung đột địa chính trị, chiến tranh thương mại, cạnh tranh giữa các nước lớn và những chính sách khác biệt giữa các nước có ngành sản xuất - xuất khẩu giày dép.
Những thách thức này đã làm thay đổi cấu trúc và phương thức sản xuất, kinh doanh của ngành da giày thế giới” .
Trước tình thế ấy, ông Nguyễn Đức Thuấn cho rằng DN da giày không thể đứng ngoài cuộc cách mạng 4.0, áp dụng dây chuyền sản xuất tự động, trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển xanh nếu không muốn bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để làm được như vậy, vấn đề nghiên cứu phát triển trong thiết kế, nguyên vật phụ liệu, đầu tư ứng dụng công nghệ và phương thức phân phối cũng cần có sự thay đổi - hướng đến yếu tố chất lượng, thẩm mỹ, giảm chi phí, giảm phát thải CO2 hướng đến yếu tố phục vụ cho người tiêu dùng đầu cuối”.
Sản xuất giày tại Công ty Cổ phần đầu tư Thái Bình. Ảnh: NGỌC THANH
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương cho biết ngành công thương tỉnh tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới.
Đồng thời, tiếp tục kịp thời thông tin với các hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để DN kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp.
Điểm đáng lưu ý trong hoạt động xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm nay là mặc dù cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục thặng dư, song chủ yếu do đóng góp của DN ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với 13 tỷ 227,5 triệu đô la Mỹ, tăng 10,1% so cùng kỳ.
Vì vậy, cộng đồng DN cho rằng giải pháp căn cơ nhất vẫn là cần có giải pháp để các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phải tham gia được vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất FDI nhằm duy trì phát triển bền vững.
TIỂU MY