Doanh nghiệp nỗ lực phục hồi sản xuất, kinh doanh

Thứ sáu, ngày 15/05/2020

(BDO)  Không trông chờ ỷ lại, cộng đồng doanh nghiệp (DN) đang nỗ lực vượt qua khó khăn, bứt phá vươn lên, đồng thời cần cơ chế thuận lợi trong việc tái ổn định sản xuất, tạo ra sức bật, đón thời cơ mới.

 Hoạt động sản xuất tại Công ty Omron (KCN VSIP II)

 Cn cơ chế thun li

Ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương, cho biết tình hình DN đã được cải thiện, nhưng vẫn còn rất gian nan và những biện pháp trợ giúp kịp thời từ Chính phủ là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, điều mà DN đang rất cần là cơ chế. Chính cơ chế là giải pháp bền vững cho cộng đồng DN. “Chúng tôi mong muốn Chính phủ, Quốc hội, các bộ ngành xem xét, tiếp tục có các cơ chế về việc miễn giảm các khoản thuế, phí; kéo dài thời hạn hoãn các khoản phải nộp, phải trả; nới giãn - tăng trần hạn mức tăng trưởng tín dụng cho vay, tạo điều kiện để DN tái sản xuất, phát triển bền vững…”, ông Trọng nói.

Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Bình Dương, cho biết hiện nay DN dệt may đã và đang nỗ lực bảo vệ người lao động (LĐ) và giữ thị trường trong chuỗi cung ứng toàn cầu. LĐ ngành dệt may là LĐ kỹ năng giản đơn, nếu cho nghỉ chờ việc, dù có được nhận hỗ trợ 1,8 triệu đồng/ tháng thì họ vẫn phải đi tìm việc làm khác để duy trì cuộc sống. Cho nên, DN nghiệp cố gắng giữ LĐ, cầm cự sản xuất vì nếu cho nghỉ thì dự báo là mất trên 50%. Cũng theo đánh giá của bà Trang, vấn đề còn lại ngành dệt may đang đối diện là khi dịch bệnh kết thúc, nhu cầu thị trường sẽ theo hướng nào khi các thị trường trên thế giới đều bị ảnh hưởng nặng nề, đồng nghĩa tiêu dùng sẽ thắt chặt. Trong khi đó, dự kiến kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng dệt may có thể giảm khoảng 20% trong năm 2020.

Bà Trang cũng kiến nghị cần có thêm những cơ chế, chính sách thiết thực để DN dệt may vượt qua khó khăn, thách thức đang đón đợi, trước mắt là xin được miễn thuế, bảo hiểm xã hội và công đoàn phí năm 2020. Đó thực sự là các chi phí tác động vào giá rất lớn của DN sử dụng nhiều LĐ trong khi còn gặp nhiều khó khăn.

Cam kết đng hành

Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết một nội dung rất quan trọng hiện nay là tỉnh đang chỉ đạo sở ngành, địa phương triển khai thật nhanh các gói hỗ trợ DN, kinh phí đến tay DN càng sớm càng tốt. UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Công thương có biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu; tích cực khai thác cơ hội của các hiệp định thương mại tự do (FTA); chuẩn bị điều kiện cần thiết, chủ động triển khai các kế hoạch, giải pháp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU.

Ông Trần Thanh Liêm mong muốn DN chủ động nâng cao năng lực quản trị, triển khai thực hiện yêu cầu quốc tế hóa và số hóa, thực hiện các mô hình kinh doanh bền vững, sáng tạo và có trách nhiệm. “Các DN phải tăng tốc mạnh mẽ hơn nữa với tinh thần khó khăn cũng chính là cơ hội để vượt lên. Chính quyền cam kết đồng hành với DN, xem khó khăn của DN cũng chính là khó khăn của tỉnh, sự thành công của DN chính là sự thành công của Bình Dương”, ông Trần Thanh Liêm khẳng định.

Theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương, hiện sở đang thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Sở cũng đang nỗ lực triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối chặt với tham tán thương mại tại các nước, thông tin kịp thời đến DN sự phục hồi của thị trường. Sở chỉ đạo đơn vị trực thuộc đẩy mạnh chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Sắp tới, ngành sẽ tổ chức 2 phiên chợthuộc chương trình đưa hàng Việt về nông thôn và các khu, cụm công nghiệp nhằm giữ vững thị trường nội địa, tiếp sức cho DN Việt.

 Để giảm khó khăn cho DN, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Tài chính chủ động, tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan tham mưu, đề xuất triển khai, cụ thể hóa kịp thời các biện pháp, chính sách hỗ trợ DN, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là các chính sách về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; đồng thời phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu cấp thẩm quyền phương án giảm phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Bảo hiểm xã hội tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và không tính lãi phạt chậm nộp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, giải quyết các chế độ bảo hiểm cho người lao động.

 KHẢI ANH