Doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ động đón đầu cơ hội
(BDO) Trong đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa bị tác động nghiêm trọng. Trở lại sản xuất, các DN chủ động đón đầu cơ hội để hồi phục và phát triển.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH MTV Trường Thọ (TX.Bến Cát)
Thích ứng nhanh
Ông Lương Ngọc Văn, Giám đốc Công ty Trường Thọ (TX.Bến Cát), cho biết trong đợt dịch vừa qua, công ty bị ảnh hưởng nặng nề do phải tạm ngừng sản xuất, chậm hoặc hủy các đơn hàng, trong khi vẫn phải chịu các chi phí vận hành nhà máy và trả lương cho người lao động…; đồng thời phát sinh nhiều chi phí do đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, chi phí xét nghiệm. Tuy nhiên, công ty vẫn nỗ lực chăm lo đời sống người lao động, động viên họ không về quê để tránh lây lan dịch bệnh, duy trì sản xuất.
Điều đáng mừng là sau dịch bệnh, công ty đã có đủ lao động để bắt tay vào sản xuất ngay để trả các đơn hàng bị chậm trễ trước đó. “Công ty xác định, dù khó khăn cũng luôn phải bảo đảm nhiệm vụ phòng, chống dịch gắn liền với sản xuất, đủ hàng để xuất khẩu. Để phục hồi kinh doanh, việc đầu tiên công ty phải nỗ lực giành lại các đơn hàng lớn và tiếp tục các đơn hàng đã bị chậm trễ. Điều đáng mừng là đến nay đơn hàng rất dồi dào, công nhân tăng ca thường xuyên”, ông Lương Ngọc Văn không giấu được niềm vui.
Đơn hàng dồi dào, kết hợp với những lợi thế trên thị trường xuất khẩu đã giúp ngành gỗ dần hồi phục và tăng trưởng theo từng tháng. Trong đó, các DN vừa và nhỏ cũng thích ứng tốt với tình hình mới. Kể từ khi giãn cách được nới lỏng, Công ty Chế biến gỗ Đức Thành (TX.Tân Uyên) đã triển khai ngay phương án phục hồi với cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Công ty tiếp cận khách hàng, phát triển mẫu chào hàng, kết hợp các nhà cung ứng trong và ngoài nước để có nguồn vật tư đáp ứng yêu cầu. Lãnh đạo công ty cho biết ở thời điểm hiện tại do công ty đã đầu tư nguồn nguyên vật liệu, máy móc công nghệ, đáp ứng được thời gian giao hàng trong bối cảnh dịch bệnh.
Máy móc thay thế nhân công
Tham gia các hiệp định thương mại, yếu tố cạnh tranh lại càng trở nên khốc liệt. Thách thức đang đổ dồn về phía DN vừa và nhỏ. Do vậy, DN phải tiết giảm chi phí, vừa phải nâng cao hiệu quả hoạt động. Theo bà Trịnh Thị Hồng Châu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện tỉnh, có nhiều nhân tố tác động đến quá trình tăng năng suất, chất lượng, trong đó có vai trò quyết định của đổi mới công nghệ, áp dụng đổi mới sáng tạo trong thiết kế sản phẩm, quy trình sản xuất, quản lý quá trình… Đặc biệt là công nghệ số, DN phải áp dụng nhanh, biến khó khăn thành thách thức để vượt qua khó khăn, thách thức, chuyển đổi hình thức làm việc, quản trị.
Đối với DN sản xuất các ngành nghề truyền thống, ông Lê Bá Linh, Giám đốc Công ty Sơn mài Tư Bốn, cho biết: “Do khó khăn chung là thiếu hụt lao động, rất khó có thể tuyển ngay. Hiện công ty vẫn duy trì sản xuất phù hợp với thực tế lao động và khả năng bán hàng. DN phải xem lại toàn bộ quy trình, thời điểm hiện tại là cơ hội để DN cải tiến, có những sáng kiến để hoạt động hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn, tăng năng suất lao động, cắt giảm chi phí không cần thiết để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ”. Đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, nhiều đơn vị chủ động ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhiều mô hình đã và đang được triển khai nhân rộng, mang lại hiệu quả thiết thực. Ông Nguyễn Văn Tiếng, Giám đốc Hợp tác xã Dân Tiếng (huyện Bắc Tân Uyên), cho biết hợp tác xã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, công nghệ thâm canh, công nghệ sinh học, vi sinh. Ứng dụng máy móc, thiết bị cơ khí hóa, tự động hóa trong sản xuất… nhằm giảm tình trạng thiếu hụt lao động và bảo đảm chất lượng sản phẩm trước đòi hỏi gắt gao của thị trường.
TIỂU MY