Doanh nghiệp Nhật Bản tìm hiểu những lợi thế khi đầu tư vào Bắc Ninh

Thứ năm, ngày 07/09/2023

(BDO)

Sản xuất các loại loa và tai nghe điện thoại di động tại nhà máy của Công ty TNHH Điện tử Foster (doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Nhật Bản) tại Khu Công nghiệp Đô thị và Dịch vụ VSIP Bắc Ninh.

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản, ngày 6/9, Đoàn công tác tỉnh Bắc Ninh do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Nguyễn Quốc Chung làm Trưởng đoàn dự và chủ trì Hội nghị Tọa đàm Đầu tư vào tỉnh Bắc Ninh tại Osaka (Nhật Bản).

Cùng dự hội nghị có Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka Ngô Trịnh Hà; đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Osaka, Hiệp hội Thương mại Nhật-Việt cùng gần 100 doanh nghiệp Nhật Bản.

Hội nghị do tỉnh Bắc Ninh, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, Phòng Thương mại và Công nghiệp Osaka, Nhật Bản và Hiệp hội Thương mại Nhật-Việt phối hợp tổ chức.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Nguyễn Quốc Chung bày tỏ vui mừng được sang thăm, làm việc tại Nhật Bản nhân dịp hai nước đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Ông Nguyễn Quốc Chung nhấn mạnh sau 26 năm tái lập tỉnh đến nay, Bắc Ninh đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại với 24 khu công nghiệp được hình thành, có 16 khu công nghiệp đi vào hoạt động.

Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh đã có quan hệ kinh tế với 39 quốc gia và vùng lãnh thổ, thu hút gần 2.000 dự án đầu tư FDI, đứng thứ 7 toàn quốc về thu hút đầu tư nước ngoài. Trong đó, đáng chú ý là thu hút đầu tư các dự án của Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, cơ khí chính xác và công nghiệp dân dụng... Đây là yếu tố thuận lợi để tỉnh Bắc Ninh mong muốn được các nhà đầu tư của Nhật Bản nói chung và Osaka nói riêng nghiên cứu tìm hiểu và lựa chọn đầu tư tại tỉnh.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp Nhật Bản đã nêu và trao đổi thẳng thắn nhiều ý kiến thể hiện sự mong muốn tìm hiểu sâu hơn về những tiềm năng, lợi thế và những chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh Bắc Ninh đối với các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là quan tâm đến vấn đề xử lý môi trường trong sản xuất, phát triển xanh, phát triển bền vững của tỉnh trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay…

Trực tiếp trao đổi với các doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Chung cảm ơn các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp ở Osaka (Nhật Bản) đã quan tâm, tìm hiểu và lựa chọn đầu tư tại Bắc Ninh. Đồng thời, trực tiếp giải đáp nhiều nội dung cụ thể mà các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm.

Phát biểu kết thúc hội nghị, ông Nguyễn Quốc Chung nhấn mạnh hội nghị tọa đàm “Đầu tư vào tỉnh Bắc Ninh” được tổ chức tại Osaka là sự tiếp nối với bước phát triển mới, cao hơn trong mối quan hệ hợp tác truyền thống tốt đẹp giữa tỉnh Bắc Ninh và các đối tác Nhật Bản.

Ông Nguyễn Quốc Chung cũng khẳng định với những thế mạnh nổi trội, tỉnh Bắc Ninh luôn ưu tiên thu hút đầu tư, sẵn sàng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào những ngành nghề lĩnh vực, địa bàn mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh vượt trội và tiềm năng riêng có của mình.

Số liệu của Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh cho thấy tình hình sản xuất có dấu hiệu phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) từ tháng 3 đến nay tháng sau cao hơn tháng trước, trong đó tháng Bảy có tốc độ tăng cao nhất - tăng 23,84% so với tháng Sáu.

Về thu hút đầu tư trong nước, trong tháng 7, tỉnh cấp đầu tư cho 3 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 1.033 tỷ đồng; cấp điều chỉnh cho 10 dự án đầu tư.

Tính từ đầu năm đến 20/7, toàn tỉnh đã cấp mới đăng ký đầu tư cho 12 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 3.344 tỷ đồng; cấp đăng ký đầu tư điều chỉnh cho 57 dự án đầu tư, trong đó có 14 dự án điều chỉnh vốn với tổng số vốn điều chỉnh giảm 933 tỷ đồng (trong đó 8 dự án tăng vốn 584 tỷ đồng; 6 dự án giảm vốn 1.552 tỷ đồng); thực hiện thu hồi 16 dự án với tồng số vốn đầu tư là 64 tỷ đồng.

Lũy kế đến ngày 20/7, Bắc Ninh cấp 1.540 dự án đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh đạt 255.580 tỷ đồng.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong tháng 7, Bắc Ninh cấp mới đăng ký đầu tư cho 43 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 198 triệu USD (trong đó có 1 dự án lớn đó là dự án của Singapore đầu tư vào ngành sản xuất thiết bị bán dẫn với số vốn là 90 triệu USD); điều chỉnh vốn cho 14 dự án với số vốn điều chỉnh tăng là 27 triệu USD; chấm dứt hoạt động 2 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 14 triệu USD.

Tính từ đầu năm đến ngày 20/7, toàn tỉnh đã thu hút được 182 dự án FDI đăng ký cấp mới (tăng 124 dự án) so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký mới đạt gần 769 triệu USD (tăng hơn 630 triệu USD).

Ngoài ra, tỉnh đã điều chỉnh vốn cho 88 dự án (tăng 16 dự án), với số vốn điều chỉnh tăng là hơn 352 triệu USD (giảm 1.148 triệu USD); góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp 33 lượt (tăng 12 lượt) với giá trị là 16,5 triệu USD (giảm 15,4 triệu USD)./.

Theo TTXVN