Doanh nghiệp ngành thép trong nước kêu khó!

Thứ tư, ngày 17/04/2013

Hội nhập kinh tế quốc tế là phải tuân thủ các cam kết, lộ trình miễn giảm thuế quan, nhưng mỗi quốc gia đều có cách làm riêng để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất thép mạ Công ty Tôn Đông Á

Cung vượt cầu

 Trong văn bản, ông Nghĩa nêu rõ: “Báo cáo chính thức của Hiệp hội Thép Việt Nam thì trong 10 tháng đầu năm 2012 đã có 147.405 tấn thép mạ nhập khẩu từ Trung Quốc, tăng 199% so cùng kỳ năm 2011. Tại Việt Nam hiện có hơn 20 nhà sản xuất thép mạ kim loại, sơn phủ màu, với tổng nguồn cung khoảng 1,5 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu của thị trường trong nước chỉ khoảng hơn 1/2 nguồn cung. Nếu chỉ tính riêng 6 dây chuyền mạ các loại của tôn Đại Thiên Lộc hiện nay cũng đã đủ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước! Doanh nghiệp (DN) sản xuất thép trong nước đã gặp nhiều khó khăn do sức mua giảm, lãi suất ngân hàng cao, hàng tồn kho nhiều, chi phí đẩy gồm giá điện, giá nước, lương cho công nhân đều tăng nay lại càng thêm khó do phải cạnh tranh không ngang sức với thép nhập khẩu từ nước ngoài. Nếu các cơ quan chức năng không sớm có giải pháp ngăn chặn thì nguy cơ thua lỗ, đình trệ sản xuất dẫn đến phá sản của các nhà sản xuất thép trong nước là không xa. DN xin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ ngành hữu quan cần sớm ban hành chính sách phù hợp, kết hợp với xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ ngành thép trong nước”.  

 Ngoài việc tuân thủ pháp luật, chăm lo đời sống người lao động, DN còn thể hiện trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng. Trong ảnh: Lãnh đạo Công ty Đại Thiên Lộc trao tặng nhà tình nghĩa cho một gia đình chính sách ở xã Tân An, TP.TDM

Vì sao sản phẩm thép mạ, thép sơn phủ màu nhập khẩu từ nước ngoài lại tăng đột biến trong khi nhu cầu tiêu thụ của trị trường trong nước đang lao dốc do ảnh hưởng của thị trường bất động sản? Điều này được ông Nghĩa giải thích rõ trong văn bản là do Thông tư 162/2011/TT-BTC về việc Ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện khu vực thương mại tư do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) giai đoạn 2012-2014 và Thông tư 163/2011/TT-BTC về việc Ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện khu vực thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) giai đoạn 2012- 2014 với mức thuế suất 0% áp dụng cho thép lá không hợp kim mạ kẽm, phủ sơn; 5% áp dụng cho thép lá mạ hợp kim nhôm kẽm, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-4-2012. Tuy nhiên, phía sau các thông tư trên lại không có hoặc đã có nhưng chưa phát huy hết tác dụng của cơ chế bảo vệ DN trong nước, hay nói đúng hơn là thiếu hàng rào kỹ thuật mà một số nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia đã từng làm, nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho mặt hàng thép lá mạ, thép phủ sơn của Trung Quốc ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam.

Không kích thích sản xuất

Lý giải về việc không kích thích sản xuất, ông Nguyễn Thanh Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tôn Đông Á (KCN Sóng Thần I), nói: “Ngành thép trong nước mới phát triển chừng 5 năm trở lại đây, nhưng nếu so với các nước lân cận như Trung Quốc thì chúng ta vừa yếu về tiềm lực vừa thiếu về kinh nghiệm cả trong sản xuất lẫn thương mại! Đầu tư nhà máy thép cần số vốn lớn, thời gian khấu hao dài, nên các DN rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ phía Nhà nước trong vấn đề xây dựng hàng rào kỹ thuật, giúp DN vừa tích lũy nguồn vốn, vừa có thời gian tích lũy kinh nghiệm để vươn lên chiếm lĩnh thị trường trong nước; tiến tới cạnh tranh với DN nước ngoài trên thị trường xuất khẩu. Hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta phải tuân thủ các cam kết và lộ trình miễn, giảm thuế quan ưu đãi mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết, nhưng không vì thế mà hàng hóa nước ngoài tự do tung hoành ngay tại thị trường trong nước, bởi chúng ta còn có hàng rào kỹ thuật để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước. Ví dụ như với Indonesia, sản phẩm của Tôn Đông Á muốn bán được tại thị trường này thì ngoài các tiêu chuẩn chung như ISO, độ dày, độ cứng… sản phẩm còn phải đáp ứng các yêu cầu riêng của quốc gia này như tiêu chuẩn đóng gói, trách nhiệm xã hội của DN chẳng hạn. Và, khách hàng sẽ tổ chức đánh giá, thẩm định lại các tiêu chuẩn này hàng năm. Nếu nhà sản xuất đạt yêu cầu thì mới được xuất hàng đến thị trường của họ. Làm như vậy nước nhập khẩu vừa bảo đảm nhập khẩu hàng hóa tốt, đạt chất lượng, giá cả hợp lý; vừa tạo ra sự cạnh tranh sòng phẳng, công bằng để kích thích nền sản xuất trong nước phát triển”.

Trước những bất hợp lý vừa nêu, ông Nguyễn Thanh Nghĩa không giấu được bức xúc: “Nhập hàng nguyên liệu là thép lá không mạ (chưa gia công) từ Trung Quốc về để sản xuất bị đánh thuế 5%; còn nhập hàng thành phẩm là thép lá đã mạ, đã phủ sơn về bán trong nước thì thuế nhập khẩu là 0%. Như vậy, chúng tôi đóng cửa nhà máy, cho công nhân nghỉ việc để nhập hàng về bán cho khỏe thân chứ sản xuất làm gì để gánh lỗ!”.

“ Nếu Nhà nước không sớm xây dựng hàng rào kỹ thuật phù hợp thì không chỉ gây thiệt thòi cho các nhà sản xuất trong nước mà còn ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách vì khi thị trường đi xuống người ta tìm cách đổ hàng ế thừa vào Việt Nam, còn khi thị trường tốt lên thì họ tìm cách chuyển vốn, chuyển giá ra nước ngoài và nhà máy sản xuất chẳng qua là cái xác để qua mặt pháp luật! “

(Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty Đại Thiên Lộc)

DUY CHÍ