Doanh nghiệp mở lối, tìm hướng phát triển
(BDO) Tìm kiếm thị trường mới, mở rộng kênh bán hàng, đưa sản phẩm lên các nền tảng kinh doanh online là cách mà nhiều doanh nghiệp (DN) lựa chọn để vượt qua khó khăn.
Các DN trong nước chủ động tham gia các hội chợ, triển lãm để tăng cường tương tác, tiếp cận công nghệ. Trong ảnh: Gian hàng máy móc công nghệ mới tham gia Hội chợ ngành cơ điện tại WTC BD - 2023
phương thức
Tại Bình Dương, nhiều DN xác định cơ hội trong cuộc cách mạng 4.0 là phải chuyển sang phương thức tiếp cận thị trường bằng công nghệ, giới thiệu, kinh doanh hàng hóa thông qua nền tảng số. Không dừng lại ở tiêu thụ trong nước, mà vươn ra bắt tay, kết nối với bạn hàng nước ngoài để duy trì, phát triển sản xuất, xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), xu hướng shoppertainment - kết hợp kênh bán hàng với giải trí, đang là xu hướng mới được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây và ngày càng được các DN quan tâm. Đối với người tiêu dùng, thông thường khi truy cập bất cứ website hay kênh thương mại điện tử nào chỉ có thông tin, thiếu sự tương tác sẽ nhàm chán. Do đó, nếu kết hợp thêm các yếu tố giải trí như xem các thần tượng biểu diễn, xem livestream, đồng thời ngay lúc đó xuất hiện đường link mua sắm các sản phẩm họ đang mong muốn… sẽ giúp khách hàng mua sắm thoải mái, thuận tiện và đa dạng hơn. |
“Bản thân các DN phải nhìn nhận được trong thách thức có những cơ hội. Các chuỗi cung ứng bị đứt gãy đòi hỏi các DN phải tìm cách chuyển đổi công nghệ sản xuất, hướng đầu tư của mình vào được những khâu thiếu hụt của chuỗi cung ứng trên thế giới và không quá lệ thuộc vào một chuỗi cung ứng”, ông Park Han Ku, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp 4.0 Hàn Quốc cho biết.
Bà Huỳnh Đinh Thái Linh, Giám đốc Trung tâm Thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương (WTC BD) khẳng định, với sứ mệnh của mình, WTC BD chủ động hỗ trợ DN đa dạng các kênh tiếp thị để phát triển, mở rộng thị trường. Bên cạnh kênh truyền thống gặp gỡ, tiếp xúc, WTC BD còn đẩy mạnh các kênh tiếp thị trực tuyến từ website đến mạng xã hội để thu hút khách hàng nhiều hơn, qua đó phát triển các kênh tiêu thụ.
Theo các DN, trong bối cảnh thị trường giảm cầu và khó đoán định như hiện nay cũng rất khó để xây dựng chiến lược dài hạn mà tập trung xoay trở để duy trì sản xuất trong ngắn hạn. DN phải điều chỉnh kế hoạch theo từng tháng để phù hợp với thực tế trên cơ sở thông tin kịp thời, chính thống từ các bộ, ngành, địa phương về các hướng liên kết, phát triển.
Liên kết thị trường
Với thị trường trăm triệu dân là rất lớn, đây chính là điều kiện để DN giữ vững thị trường trong nước. Các DN cũng ý thức rõ việc nâng cao trình độ để sẵn sàng tạo ra sản phẩm đáp ứng được với thị trường, cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm nước ngoài về giá cả và công nghệ.
Ông Lưu Trí, Giám đốc Công ty TNHH Nghệ Năng (NNi), chia sẻ hiện nay công ty đã chủ động đầu tư công nghệ để tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Thời gian qua, trước tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, công ty đã chủ động kết nối các kênh tiếp thị, quảng cáo, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng các kênh bán hàng, tăng độ nhận diện thương hiệu của công ty đến với người tiêu dùng, cân đối thị phần trong nước để duy trì sản xuất một cách phù hợp.
“NNi luôn đi đầu trong việc áp dụng công nghệ xanh, công nghệ siêu tiết kiệm năng lượng và công nghệ điều khiển thông minh. NNi đã và đang áp dụng công nghệ trên vào tất cả dự án thiết kế. Kết quả luôn được các nhà đầu tư đánh giá rất cao, từ đó NNi đã có thêm động lực phát triển hơn nữa, trong đó phải kể đến hệ thống điều hòa không khí siêu tiết kiệm điện, có thể tiết kiệm đến 50% điện năng tiêu thụ so với máy lạnh truyền thống. Cùng với đó là ứng dụng điều khiển thông minh qua app thiết bị di động... Tất cả các giải pháp đó đã nhận được phản hồi tích cực của khách hàng trong và ngoài nước”, ông Lưu Trí chia sẻ.
Cùng với việc tìm kiếm thị trường mới, xu hướng mở rộng kênh bán hàng, đưa sản phẩm lên nhiều nền tảng kinh doanh khác nhau là cách mà nhiều DN lựa chọn để vượt qua giai đoạn khó khăn. Bà Phan Thị Mỹ Trang, chủ cơ sở sản xuất cà phê Đăng Nguyễn (huyện Phú Giáo), thông tin tính tới thời điểm hiện tại, doanh thu xuất khẩu trên sàn thương mại điện tử của cơ sở tăng trưởng 200% so với cùng kỳ năm ngoái. Có được kết quả này là nhờ đơn vị đầu tư quảng bá trên các nền tảng kỹ thuật số. “Chúng tôi thực hiện đa phương thức bán hàng, vì thực tế hiện nay người mua hàng đã trở thành người tiêu dùng kỹ thuật số, vừa duy trì các kênh mua hàng truyền thống, vừa gia tăng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử và mua sắm trực tuyến”, bà Trang chia sẻ.
TIỂU MY