Doanh nghiệp logistics Bình Dương - Lợi thế của người đi sau
(BDO) Là doanh nhân, đồng thời là quân nhân làm nhiệm vụ quốc phòng - kinh tế, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần ICD Tân Cảng Sóng Thần, đã có góp ý đầy tâm huyết vào Đề án “Giảm chi phí logistics, tăng năng lực cạnh tranh của tỉnh”. Ông Sơn nói: Để làm được điều đó cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp trọng tâm là: Cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, đường sắt.
Xếp dỡ container tại Cảng tổng hợp Bình Dương. Ảnh: DUY CHÍ
- Xin ông cho biết vì sao phải thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp nói trên?
- Tôi đã thẳng thắn phát biểu tại hội nghị góp ý vào Đề án “Giảm chi phí logistics, tăng năng lực cạnh tranh của tỉnh” do Sở Công thương phối hợp với Hiệp hội Logistics Bình Dương tổ chức vừa qua và nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu. Bởi vì cơ sở hạ tầng của Bình Dương được người ngoài đánh giá rất cao. Nhờ hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại mà kinh tế, công nghiệp, thu hút đầu tư của tỉnh tăng cao và ổn định từ nhiều năm qua.
Nhưng muốn cho tốc độ này duy trì theo hướng bền vững, cũng là trách nhiệm của thế hệ đi sau biết quý trọng, phát huy giá trị, thành tựu mà cha ông đi trước để lại, chúng ta cần nhìn nhận đúng sự thật. Đó là quy hoạch chung của tỉnh đã có, quy hoạch phát triển công nghiệp, đô thị đã có nhưng chưa có quy hoạch chuyên ngành về logistics. Có chăng thì chỉ là khu này, chỗ kia, dọc tuyến này sẽ phát triển logistics.
Đúng ra, khi bắt tay vào phát triển công nghiệp chúng ta phải thực hiện quy hoạch và phát triển logistics. Vì logistics phục vụ phát triển công nghiệp, giảm chi phí vận hành, tăng giá trị cạnh tranh. Do điều kiện lịch sử, dù chưa có quy hoạch nhưng lãnh đạo tỉnh cũng đã kiến tạo được “bộ khung” để thế hệ sau này phát huy, hoàn thiện. Đây vừa là thách thức cũng vừa là lợi thế cho thế hệ tiếp theo.
- Ông có thể giải thích rõ hơn về thách thức và lợi thế trên lĩnh vực này?
- Thách thức rất lớn đối với sự phát triển của tỉnh nói chung và của cộng đồng doanh nghiệp logistics nói riêng là hiện tại chi phí logistics của nước ta chiếm tỷ trọng khá lớn, đến gần 30%/tổng giá thành sản phẩm. Điều này Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thấy và đang chỉ đạo rất quyết liệt. Ở địa phương, lãnh đạo tỉnh cũng đã thấy trước điều đó nên đã liên tục mở ra các hội nghị, hội thảo để lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp...
Thách thức chung hiện nay là do chưa được quy hoạch chuyên ngành logistics nên các khâu trong chuỗi dịch vụ của tỉnh đều chậm, dẫn đến chi phí tăng cao. Nếu không đẩy mạnh thực hiện, giải quyết sớm bất lợi này thì các doanh nghiệp nước ngoài sẽ phát huy ưu thế về tiềm lực, kinh nghiệm đẩy doanh nghiệp trong nước ra khỏi sân chơi hoặc doanh nghiệp trong nước chỉ còn là người phục vụ cuộc chơi của họ.
Xa hơn nữa, nếu chậm quy hoạch chuyên ngành logistics thì các nhà đầu tư sẽ tính toán lại chiến lược đầu tư vào các khu công nghiệp ở phía bắc của tỉnh, vì chi phí tăng cao. Như vậy, các nhà đầu tư sẽ tìm đến các khu công nghiệp phía nam của tỉnh, khiến giá đất ở đây lại tăng, đồng nghĩa với tổng giá thành tăng. Như vậy, chiến lược phát triển của tỉnh sẽ thiếu tính bền vững.
Lợi thế chung của tỉnh chính là danh hiệu, hay thương hiệu “Bình Dương” đều đúng. Là vì tỉnh nhà đang đứng ở tốp đầu về thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Bình Dương được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi trong xuất nhập khẩu... Đây chính là lợi thế nổi bật của Bình Dương mà nhiều nơi đang cố gắng hướng đến.
- Để thực hiện quy hoạch chuyên ngành về logistics đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Và khi có vốn, liệu cơ hội có còn đợi nhà đầu tư trong nước không, thưa ông?
- Tôi xin khẳng định: Nếu chúng ta quyết tâm, quyết chí thì không việc gì là không thể! Hiện nay, nói về quy hoạch logistics tuy có chậm nhưng trong cái chậm đó chúng ta cần nhìn thấy lợi thế của việc đi chậm là được thừa hưởng kinh nghiệm của những nước đi trước, cũng như ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại để vượt lên.
Với cơ chế chính sách, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế hiện nay thì vốn không còn là vấn đề lớn. Vấn đề lớn ở đây chính là quyết tâm, lòng đam mê và tính trách nhiệm. Khi chúng ta có quy hoạch tốt kết hợp với chiến lược tốt thì các tổ chức tín dụng quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á... sẵn sàng cho chúng ta vay trung hạn, dài hạn.
- Thưa ông, những năm gần đây, các doanh nghiệp logistics ở Bình Dương phát triển khá tốt. Ông có thể mô tả về sự phát triển lĩnh vực này trong thời gian tới nếu sớm có giải pháp quy hoạch như ông vừa chia sẻ?
- So với các doanh nghiệp tư nhân chuyên ngành logistics tại các nước phát triển thì doanh nghiệp logistics ở Việt Nam nói chung và ở Bình Dương nói riêng thuộc hàng sinh sau, đẻ muộn. Tuy vậy, chúng tôi vẫn phải phát triển vì đó là sự nghiệp, là con đường mà doanh nghiệp phải đi. Nếu chúng tôi không lớn mạnh hoặc không tự lớn mạnh thì chúng tôi phải rời cuộc chơi. Sự lớn mạnh đó một phần là nhờ hiệu quả kinh doanh mang lại, một phần nhờ huy động các nguồn lực để làm cho “miếng bánh” thị phần lớn lên để không phải giẫm đạp lên nhau, hoặc giành nhau tỷ lệ %/ số lượng doanh nghiệp.
Nếu được quy hoạch, có sự quản lý chung vì sự phát triển của tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp, các doanh nghiệp logistics sẽ phát huy tốt năng lực. Có được bản đồ quy hoạch tốt sẽ giúp doanh nghiệp logistics tỉnh nhà dù đi sau nhưng kỳ vọng sẽ về sớm.
- Xin cảm ơn ông!
DUY CHÍ (thực hiện)