Doanh nghiệp khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam thiếu lao động trầm trọng
Ngay từ đầu năm mới, nhiều doanh nghiệp (DN) treo bảng thông báo tuyển dụng lao động (LĐ) với những chính sách lương bổng và phụ thu hấp dẫn để thu hút công nhân. Tuy nhiên, không khí tìm việc của người LĐ tại khu vực được cho là trọng điểm kinh tế phía Nam hiện vẫn còn rất buồn tẻ.
Người lao động tìm hiểu thông tin tuyển dụng của DN
Mỗi tỉnh cần hàng chục ngàn LĐBước vào năm 2010, các DN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có nhu cầu tuyển dụng mới khoảng 60.000 - 70.000 LĐ, trong đó ngành giày da, may mặc chiếm khoảng 60 - 70%. Riêng quý I-2010, các DN tại đây đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 15.000 LĐ. Sau khi nghỉ tết, không ít công nhân (CN) đã nghỉ việc nên tình trạng thiếu LĐ ngày càng trầm trọng, trong khi nhiều DN đang phục hồi sản xuất và tập trung làm hàng xuất khẩu để kịp giao trong quý I. Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai thì đến cuối tháng 1-2010, gần 150 DN thông báo có CN nộp đơn xin nghỉ việc sau tết. Trong đó nhiều công ty nhận được từ 400 - 600 đơn xin nghỉ việc của CN!
Còn tại TP.HCM, sau tết các DN cần khoảng 50.000 LĐ, trong đó nhu cầu tuyển dụng LĐ có chuyên môn cao chiếm 40%. Nhiều LĐ về quê không quay lại làm việc hoặc thay đổi công việc khác khiến nhiều DN phải ra thông báo tuyển dụng LĐ hay tìm đến các trung tâm giới thiệu việc làm nhờ tuyển dụng. Đặc biệt, trong lĩnh vực dệt may, giày da đang sử dụng nhiều LĐ phổ thông thì càng gặp khó khăn hơn.
Không chỉ ở Đồng Nai, TP.HCM mà tại tỉnh Long An, tình hình DN thiếu LĐ cũng đang khá phổ biến. Ông Phan Thành Phi, Trưởng ban Quản lý các KCN Long An cho biết, hiện các DN trên địa bàn tỉnh đang thông báo tuyển dụng khoảng 10.000 LĐ phổ thông nhưng chỉ mới có khoảng 1.500 người nộp đơn đăng ký tìm việc. Trong đó, may mặc là lĩnh vực cần nhiều LĐ nhất. Hiện mức lương bình quân của CN trong các khu, cụm công nghiệp tại Long An khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/tháng, không thua kém nhiều so với ở TP.HCM, Đồng Nai hay Bình Dương nhưng cũng không biết tìm đâu ra LĐ.
Bình Dương cũng không ngoại lệ
Kể từ sau tết, Công ty Kisoo Vina (An Phú, huyện Thuận An) 100% vốn nước ngoài, chuyên may mặc, treo bảng thông báo tuyển dụng 200 CN may với mức lương cơ bản 2,4 triệu đồng/tháng, cộng thêm các khoản phụ cấp khác. Tương tự, Công ty TNHH Thiên Lộc (Thuận An) cần tới 600 LĐ phổ thông, Công ty Kovitek (KCN Đồng An) cần tuyển 800 CN, trong đó 500 có tay nghề và 300 CN phụ may với mức lương từ 1,3 triệu đồng đến 3 triệu đồng/tháng; Công ty Gỗ Trường Thành cũng treo thông báo tuyển dụng 700 CN có tay nghề và 500 LĐ phổ thông để đào tạo với các chế độ ưu đãi... Nhưng tất cả hiện đều đang chờ vì LĐ đến tìm việc rất ít!
Bà Trương Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH Giày Liên Phát (KCN Bình Đường, Dĩ An), cho biết năm 2009 công ty đã mất khoảng 500 LĐ vì không đủ chi phí để giữ chân họ khi gặp khó khăn. Sau tết công ty thiếu hụt LĐ trầm trọng vì lớp nghỉ trước đó, lớp ăn tết xong không trở lại, số khác thì chuyển nghề nên phải tiếp tục tuyển dụng. LĐ không ổn định gây khó khăn cho DN trong sản xuất - kinh doanh. Còn ông Nguyễn Hồng Anh, Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH một thành viên may mặc Bình Dương từng cho biết, công ty đã có nhiều chế độ về thu nhập, hỗ trợ nhà ở cho CN để giữ chân LĐ. Tuy nhiên, với xu thế hiện nay, nhiều địa phương ở miền Trung và miền Bắc đều thành lập KCN nên CN sẽ đắn đo khi làm việc ở xa quê. Để khắc phục vấn đề thiếu hụt LĐ, ngoài những chế độ đã áp dụng, công ty cũng đang có kế hoạch đưa công việc đến vùng có LĐ bằng cách triển khai xây dựng một nhà máy tại tỉnh Bạc Liêu.
Bộ LĐ-TB&XH cho biết hiện cả nước có khoảng một nửa số DN thiếu LĐ và gặp khó khăn trong việc tuyển dụng. Với sự phục hồi của các DN, năm nay nhu cầu tuyển dụng LĐ sẽ tăng mạnh, nhất là ở các KCN-KCX; trong đó nhu cầu tuyển dụng LĐ có tay nghề kỹ thuật cao chiếm khoảng một phần ba; còn lại là LĐ sơ cấp nghề và lao động phổ thông. Tuy nhiên, trên thực tế số LĐ đăng ký tìm việc lại rất ít. Tại các tỉnh công nghiệp phát triển như Đồng Nai, Bình Dương trong khi các DN hiện có chưa tìm đủ LĐ thì đã có hàng loạt nhà đầu tư mới đến tìm kiếm cơ hội làm ăn, trong đó có những tập đoàn danh tiếng như Timken (Mỹ), Toyota, Shiseido (Nhật Bản)... và những tập đoàn này khi hình thành cũng cần rất nhiều LĐ có tay nghề trong thời gian tới.KỲ TÂN