Doanh nghiệp khoa học - công nghệ: Hiệu quả từ việc đổi mới sáng tạo

Thứ sáu, ngày 15/02/2019

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN4.0), nhiều doanh nghiệp (DN) đã đặt ra câu hỏi mình phải làm gì, phải chuẩn bị gì để bảo đảm có đủ năng lực cạnh tranh. Tại Bình Dương, nhiều DN, nhất là các DN khoa học - công nghệ (KHCN), đã mạnh dạn đổi mới sáng tạo để tận dụng cơ hội của cuộc CMCN4.0 và bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực.

(BDO)

 Đổi mới sáng tạo - hướng đi tất yếu

Là một trong những DN của tỉnh được công nhận là DN KHCN từ năm 2015, Công ty TNHH Kỹ nghệ nhiệt và Môi trường CAXE (gọi tắt là CAXE) đã không ngừng nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong sản xuất theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường. Bà Hứa Thị Huần, Giám đốc CAXE, chia sẻ là một trong những DN tiên phong của tỉnh trong việc ứng dụng năng lượng mặt trời trong lĩnh vực sấy và bảo quản nông sản, công ty không ngừng cải tiến đổi mới thiết bị, đổi mới công nghệ và cho ra đời nhiều kiểu lò sấy phù hợp với tình hình thực tế của từng DN, giúp các DN mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

 Đại diện Minh Long I giới thiệu sản phẩm nồi sứ dưỡng sinh cho khách tham quan tại Hội chợ công nghệ cao trong khuôn khổ Hội nghị Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA) năm 2018 được tổ chức tại Bình Dương. Ảnh: HOÀNG PHẠM

Với lợi thế của CMCN4.0, trong năm 2018, CAXE đã thành công trong việc đổi mới công nghệ từ sấy bằng hơi nước sang công nghệ sấy kết hợp. Với công nghệ sấy mới này đã giúp công ty nâng cao chất lượng sấy và tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.

Cùng với việc đổi mới công nghệ sấy, CAXE đã nghiên cứu công nghệ và chế tạo thiết bị xử lý gỗ bằng công nghệ nano cho một số loại gỗ rừng trồng. “Trong vài năm gần đây, các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu công nghệ biến tính để nâng cao chất lượng của gỗ bằng vật liệu nano (nano-wood), đặc biệt là nghiên cứu hợp chất vô cơ dạng oxit nano. Với công nghệ này, ngoài việc nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng bảo đảm các chỉ tiêu xuất khẩu các mặt hàng mộc, nâng cao tính cạnh tranh, công nghệ nano-wood còn giúp DN giảm áp lực nhập liệu nguyên liệu gỗ, tiết kiệm năng lượng, không gây ô nhiễm môi trường”, bà Huần nói.

Riêng Công ty TNHH Minh Long I (gọi tắt là Minh Long I) lại có bước đi riêng. Theo đó, ngoài việc sản xuất các sản phẩm gốm sứ truyền thống, công ty đã nghiên cứu và cho ra các sản phẩm sứ dưỡng sinh với công nghệ xử lý nguyên liệu hiện đại, vừa tăng độ bền cho sản phẩm vừa thân thiện với người dùng. Ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Minh Long I, cho biết với kinh nghiệm, tâm huyết trong lĩnh vực sản xuất gốm sứ, Minh Long I đã dành khoảng thời gian hơn 10 năm cho viêc nghiên cứu sâu về kỹ thuật và chế tạo ra dòng sứ dưỡng sinh. Từ những thành tựu của CMCN4.0, việc tổ chức thực hiện quy trình này tại công ty càng thuận lợi hơn. Sứ dưỡng sinh hội tụ những tính năng khác biệt, bởi vì được làm từ chất liệu đất hiếm từ thiên nhiên, lành tính, không chứa chất độc hại thường gặp như chì, cadmium... Đặc biệt, sản phẩm sứ dưỡng sinh công ty làm ra có độ sốc nhiệt lên đến 800 độ C.

Ông Minh cho biết thêm, sản phẩm nồi sứ dưỡng sinh của Minh Long I được kiểm tra nhiều lần trong nhiệt độ 800 độ C, trong lò phòng thí nghiệm, sau đó lấy ra cho vào nước đá ở nhiệt độ 0 độ C mà không bị bể rạn nứt. Để đạt được điều đó, ông đã mất mười mấy năm trời nghiên cứu để giải quyết hai thách thức quan trọng nhất là rạn men và không nứt vỡ ở nhiệt độ cao.

Nâng tầm thương hiệu

Bà Huần cho biết trong thời gian đầu, CAXE chỉ sản xuất vài mẫu lò sấy năng lượng mặt trời kèm lò hơi có công suất nhỏ cho các DN với chi phí đầu tư thiết bị từ 500 triệu đến 3 tỷ đồng. Tuy mức đầu tư này không mang lại doanh thu nhiều và không phát huy hết năng lực của CAXE nhưng với việc đầu tư nghiên cứu và đổi mới công nghệ, các sản phẩm sấy của CAXE được cải thiện và được nhiều DN tin dùng. Ngoài việc đem lại nguồn thu cho công ty (năm 2017 tổng doanh thu hơn 12 tỷ đồng), các thiết bị sấy của CAXE cũng giúp cho các DN nâng cao chất lượng sản phẩm gỗ, nông sản và không chỉ lắp đặt cho các DN trong nước mà còn lắp đặt, tư vấn thiết kế cho một số DN ở khu vực Đông Nam Á.

Với việc thực hiện nghiên cứu thành công công nghệ và bước đầu chế tạo thiết bị xử lý gỗ bằng công nghệ nano, đã có nhiều DN đặt hàng, ký kết biên bản ghi nhớ đặt hàng với CAXE trong việc sản xuất thiết bị sấy theo công nghệ nano titan. Có thể kể đến các khách hàng quan trọng của CAXE như Công ty TNHH Sài Gòn Wood (trị giá hợp đồng 4,5 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Him Lam Mộc Dũng Quế Bắc Ninh (trị giá hợp đồng 3 tỷ đồng)…

Đối với sản phẩm sứ dưỡng sinh của Minh Long I, mặc dù mới ra mắt hơn 7 tháng nhưng đã được người tiêu dùng chấp nhận và tin dùng. Ông Minh chia sẻ, ông và cộng sự đã làm hàng ngàn thử nghiệm tại phòng thí nghiệm và nhà máy để theo đuổi một loại chất liệu gồm đất nguyên liệu và men có được những đặc tính hữu dụng như mình mong muốn: Nhẹ, an toàn cho sức khỏe con người, không sinh ra chất độc, truyền dẫn nhiệt tốt.

“Nồi sứ dưỡng sinh của Minh Long I hấp thu nhiệt nhanh gần như nồi kim loại, nóng đều từ đáy đến nắp, khi chiên, nướng, nhiệt độ nhiệt dưới 130 độ C thức ăn vẫn chín tốt, rất tiết kiệm điện năng. Bộ nồi sứ dưỡng sinh của Minh Long I cũng là một kỷ lục mới của thế giới về độ sốc nhiệt của nồi sứ. Trên thị trường, hiện nồi sứ chỉ chịu được sốc nhiệt tối đa 400 - 500 độ C, trong khi nồi sứ của Minh Long I chịu được sốc nhiệt lên đến 800 độ C”, ông Minh nói.

 Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở KHCN, đánh giá trong thời gian qua, các DN KHCN của tỉnh đã có nhiều thành tựu trong việc đổi mới sáng tạo. Qua việc đổi mới sáng tạo đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm năng lượng sản xuất, hạn chế được ô nhiễm, thân thiện với người dùng và khẳng định thương hiệu trên thị trường. Trong thời gian tới, Sở KHCN sẽ tạo điều kiện không chỉ các DN KHCN mà các DN được tiếp cận với các chính sách để đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ sản xuất.

 KHÁNH ĐĂNG