Doanh nghiệp hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn
(BDO) Trả lương ngày nghỉ
Ghi nhận của P.V, nhiều DN có số đông lao động đang hoạt động sản xuất trong nhóm ngành gặp khó vẫn đang trụ vững. Dù thiếu đơn hàng, buộc lòng phải cắt giảm giờ làm, nhưng DN vẫn trả lương cho NLĐ để họ có thu nhập, ổn định cuộc sống. Mới đây, Công ty TNHH Chí Hùng (TX.Tân Uyên) thỏa thuận với NLĐ ngừng việc 8 ngày/tháng (tháng 11, 12-2022 và tháng 1-2023), trả lương ngừng việc là 180.000 đồng/ngày, thời gian ngừng là thứ sáu và thứ bảy hàng tuần. Với phương án này, dù có giảm đi chút thu nhập, nhưng đứng trước khó khăn chung, hầu hết NLĐ đã đồng thuận, chia sẻ cùng DN. Công ty TNHH Shyang Hung Cheng (TP.Thuận An) giảm giờ làm tháng 11-2022, bình quân là 6 ngày/tháng và trả lương 196.000 đồng/ngày (có 1 vài bộ phận nghỉ nhiều hơn từ 8 - 2 0 ngày/tháng).
Người lao động tại Công ty TNHH Nội thất Mê Kông được DN tạo thu nhập ổn định
Anh Nguyễn Hà Phương, công nhân Công ty TNHH Thương mại - Sản xuất gỗ Tân Nhật, chia sẻ: “Trong tháng 8 vừa qua, có lúc thiếu đơn hàng, DN của mình cho nghỉ đến 20 ngày nhưng vẫn trả đủ lương cơ bản cho NLĐ. Rất may sau đó có đơn hàng sản xuất trở lại. Dù nay không được tăng ca, nhưng đồng lương vẫn sống được. Mình nghĩ trong giai đoạn khó khăn này, NLĐ phải biết chia sẻ với DN, vì Ban Giám đốc đã nỗ lực hết mình với NLĐ”. Tại Công ty TNHH Nội thất Mê Kông (TP.Thủ Dầu Một), việc tăng ca thứ bảy, chủ nhật có giảm, nhưng bù lại DN chăm lo chu đáo cho NLĐ về các chế độ như tặng gạo, nhu yếu phẩm định kỳ hàng tháng.
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Gỗ Lâm Việt (TX.Tân Uyên), cho biết từ đầu năm, khi đơn hàng dồi dào, công ty cam kết thưởng tết 2 tháng lương để khuyến khích công nhân sản xuất. Nay gặp khó khăn, thu nhập của NLĐ giảm, công ty đã ứng trước một nửa tiền thưởng chi cho NLĐ. Ngoài ra, DN thường xuyên hỗ trợ lương thực cho công nhân. ..
Theo chia sẻ của nhiều DN trong ngành gỗ trên địa bàn, những tháng đầu năm 2022, các DN bỏ rất nhiều chi phí để tuyển lao động trong thời điểm khan hiếm lao động. Thời điểm tháng 7, từ khi ngành gỗ gặp khó khăn, sụt giảm đơn hàng, DN vẫn cố gắng trụ vững, dốc hết sức để hỗ trợ NLĐ. Có chủ DN còn cầm cố tài sản cá nhân để duy trì hoạt động, sản xuất.
Tìm giải pháp
Trong giai đoạn khó khăn về đơn hàng như hiện nay, bên cạnh các DN nỗ lực tìm kiếm đối tác, giảm giờ tăng ca, giờ làm; thậm chí một số DN linh hoạt chuyển đổi công năng sản xuất thì các cấp công đoàn trong tỉnh, Sở LĐ-TB&XH thực hiện kết hợp nhiều giải pháp như tìm việc làm cho NLĐ, chăm lo về vật chất. Ông Đặng Tấn Đạt, Phó ban Chính sách pháp luật LĐLĐ tỉnh, cho biết các DN đang xoay xở nhiều cách để bảo đảm thu nhập, giữ chân lao động. Một số DN cho công nhân nghỉ luân phiên, tuần làm 4 ngày, số ngày còn lại trả lương ngừng việc, nhưng bảo đảm không thấp hơn mức tối thiểu vùng.
Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn trong tỉnh tích cực rà soát những DN gặp khó, công nhân khó khăn để trợ giúp vật chất, nhu yếu phẩm. LĐLĐ tỉnh cũng đã phát đi thông báo tất cả các DN cần việc để giúp NLĐ cần việc. Vừa qua, LĐLĐ tỉnh đã có danh sách của 20 DN cần tuyển gần 10.000 lao động. Qua đó, đơn vị thông báo rộng rãi đến các cấp công đoàn, các trung tâm giới thiệu việc làm trong tỉnh để giúp NLĐ tiếp cận, có việc làm.
Trong khi đó, về phía Sở LĐ- TB&XH, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc sở, cho biết: “Đầu tiên là thông qua các hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm, khi người hưởng bảo hiểm thất nghiệp đến, trung tâm sẽ giới thiệu, tư vấn việc làm và giải quyết chính sách về hỗ trợ tiền bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ. Kế đến, trung tâm tuyên truyền, tư vấn dạy nghề cho NLĐ. Kinh phí dạy nghề này nằm ở nguồn của quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Trong những ngày tới, sở sẽ tổ chức hội nghị kết nối cung cầu lao động, qua đó mời đại diện các DN, các hiệp hội ngành hàng cũng như các sở, ngành có liên quan; bên cạnh đó, mời thêm một số trung tâm giới thiệu việc làm ngoài tỉnh tham dự hội nghị này. Mục đích là tạo điều kiện kết nối cung cầu lao động tốt hơn”. r
QUANG TÁM