Doanh nghiệp gỗ khổ vì thông tư

Thứ hai, ngày 07/09/2015

Thông tư 01/2012/TT-BNN&PTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc lâm sản (Thông tư 01) được ban hành từ năm 2012 gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ xuất khẩu.


Hoạt động sản xuất tại một DN gỗ ở TX.Thuận An.
Ảnh: X.VĨ

“Vỡ” hợp đồng vì thông tư

Lãnh đạo một DN gỗ tại TX.Dĩ An than thở, theo quy định trước đây, trong quá trình nhập khẩu gỗ nếu DN chứng minh nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu thì có hóa đơn đầu vào hoặc tờ khai nhập khẩu; còn hồ sơ lâm sản thì chỉ cần kiểm lâm kiểm tra đầu vào là đủ. Nhưng theo Thông tư 01, DN phải làm hồ sơ báo cáo đơn vị kiểm lâm đầu vào và đầu ra, kiểm tra trừ lùi số lượng. Quy định như thế đã gây nhiều rắc rối cho DN xuất khẩu gỗ. Năm 2012, thông tư này được ban hành, áp dụng được một thời gian thì tạm ngưng, nhưng từ đầu năm đến nay được thực hiện trở lại khiến DN gặp khó khi khai báo hàng xuất khẩu.

Đại diện một công ty khác ở TX.Dĩ An bức xúc cho biết, thời gian giao hàng đã được DN ký kết với đối tác, nay Cục Kiểm lâm vào kiểm tra làm DN mất rất nhiều thời gian vì phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ gỗ, rồi tính toán chi tiết số lượng gỗ đã nhập khẩu, số lượng sản xuất thực tế… Nhiều lô hàng bị tạm cấm xuất để chứng minh tính hợp pháp của nguồn gốc gỗ khiến DN “vỡ” hợp đồng, phải bồi thường cho khách hàng. Nguồn nguyên liệu gỗ nhập về Việt Nam, ngay khâu đầu vào đã được kiểm tra theo quy định thì đâu cần phải kiểm tra như theo Thông tư 01 nữa.

Trước bức xúc của DN, vừa qua, Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương đã họp bàn về những điều bất hợp lý từ Thông tư 01. Hiệp hội đã kiến nghị với lãnh đạo tỉnh, Cục Hải quan Bình Dương đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, cân nhắc lại nội dung Thông tư 01 nhằm giảm bớt khó khăn cho DN trước sức ép phải giao hàng đúng hợp đồng từ nay cho đến cuối năm.

Cần sớm điều chỉnh

Ông Lưu Phước Lộc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương cho biết, tình hình cạnh tranh giữa các DN xuất khẩu gỗ tại Bình Dương và các DN nước ngoài ngày một gay gắt. Việc giao hàng đúng thời gian hợp đồng sẽ giúp DN nâng cao uy tín và giữ vững thương hiệu của mình. Thời gian qua, các DN gỗ của Bình Dương thực sự “đứng ngồi không yên” vì Thông tư 01. Tuy vậy, hội cũng đã nhận được phản hồi tích cực từ phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi tạm ngưng áp dụng Thông tư 01 tại tỉnh Bình Dương.

Tuy nhiên, nhiều DN gỗ ở Bình Dương có đến 2 - 3 cơ sở sản xuất gỗ đặt tại các tỉnh lân cận vẫn gặp khó vì các địa phương này còn áp dụng Thông tư 01.

Giám đốc một DN tại TX.Thuận An bức xúc nói, công ty của ông có trụ sở chính tại Bình Dương nhưng cơ sở sản xuất lại đặt tại địa bàn tỉnh khác. Nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu đã được chứng minh hợp pháp từ Cục Hải quan Bình Dương, nay nguồn nguyên liệu này di chuyển sang địa bàn tỉnh khác lại mất thời gian “chứng minh lần nữa”. Vị giám đốc này cũng cho biết thêm, chưa từng thấy nước nào áp dụng luật rập khuôn và máy móc như vậy, điều này sẽ tạo ra lỗ hổng cho một số thành phần “làm luật” và “hành” DN, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia, Thông tư 01 chỉ cần thiết đối với những DN làm ăn gian dối, sử dụng nguồn nguyên liệu từ gỗ thiên nhiên, rừng cần bảo tồn, còn đối với DN sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu là không cần thiết, thậm chí gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Thực tế, nguyên liệu lâm sản từ một số nước ở châu Âu, Mỹ - nơi cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ chủ yếu cho các DN trong nước được kiểm tra rất nghiêm ngặt trước khi xuất sang các nước khác. Thông tư 01 cần được các cơ quan chức năng xem xét và cân nhắc lại để tháo gỡ khó khăn, giúp DN thuận lợi hơn trong việc đưa sản phẩm gỗ Việt ra thị trường thế giới.

XUÂN VĨ