Doanh nghiệp gỗ: Khát vọng vươn xa
Theo dự báo, trong năm 2018 ngành gỗ sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Hiện các doanh nghiệp (DN) gỗ trên địa bàn tỉnh tiếp tục tìm kiếm nhiều giải pháp để phát triển bền vững.
(BDO)
Nhiều thuận lợi
Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 8 tỷ USD, trong đó Bình Dương đóng góp hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu. Giai đoạn 2010-2017, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước đạt mức tăng trưởng bình quân 12,9%/ năm. Hiện Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 châu Á và đứng đầu Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Lãnh đạo các DN gỗ khu vực Đông Nam bộ gặp gỡ, trao đổi về hướng phát triển của ngành trong thời gian tới. Ảnh: TIỂU MY
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có khoảng 4.500 DN chế biến gỗ. Tính đến hết năm 2017, Việt Nam có đến 732 DN có chứng nhận chuỗi hành trình (CoC/FSC), đứng đầu khu vực Đông Nam Á; trong đó 24 DN được cấp chứng chỉ quản trị rừng bền vững (FSC/FM) với tổng diện tích 173.000 ha. Ngày 11-5-2017, sau tiến trình đàm phán kéo dài 6 năm, Chính phủ đã ký tắt Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật, quản trị rừng và thương mại gỗ, sản phẩm gỗ (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). Thực thi hiệp định này, Việt Nam sẽ phải bảo đảm toàn bộ sản phẩm gỗ nằm trong danh mục đã thống nhất với EU, bao gồm sản phẩm tiêu thụ nội địa và xuất khẩu là các sản phẩm gỗ hợp pháp.
Trong khi đó, ngày 15-11- 2017, Quốc hội đã thông qua Luật Lâm nghiệp, có thêm chương Chế biến, quy định: Rừng được quản lý bền vững về diện tích và chất lượng, hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, bảo tồn đa dạng sinh học; nâng tỷ lệ che phủ rừng, giá trị dịch vụ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Việc nước ta ký kết VPA/ FLEGT và thông qua Luật Lâm nghiệp mới là sự kiện có ý nghĩa quan trọng tạo ra những thay đổi căn bản trong toàn bộ chuỗi cung ứng sản phẩm, gồm cả thị trường nội địa và xuất khẩu.
Hiện nay, tại Bình Dương, ngành chế biến gỗ cũng có sức lan tỏa rộng, có khả năng hiện đại hóa cao, giữ vai trò thúc đẩy công nghiệp phụ trợ như máy móc, công cụ sản xuất, vật liệu kim khí, bao bì, chèn lót; kỹ thuật chế biến như uốn gỗ, xử lý biến tính; giúp các ngành khác như vận tải, logistics, chế tạo vật liệu mới… cùng phát triển. Theo lãnh đạo các DN gỗ của Bình Dương, năm 2017, các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chủ yếu của Việt Nam đều tăng trưởng ổn định. Các DN gỗ trên địa bàn tỉnh sau một thời gian tích lũy và phát triển đã xây dựng được nền tảng vững mạnh về năng lực sản xuất, đầu tư mạnh đổi mới máy móc công nghệ hiện đại, cũng như từng bước cải thiện công tác quản trị DN, khẳng định được vị thế và uy tín thương hiệu trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, DN gỗ của Bình Dương đã rất nỗ lực thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối khách hàng, tham gia các hội chợ đồ gỗ lớn trên thế giới để nắm bắt nhu cầu của thị trường và tìm kiếm khách hàng, bảo đảm ổn định đơn hàng cho sản xuất. Các DN chế biến gỗ đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại và tự động hóa từ các nước có nền công nghiệp phát triển như Mỹ, Đức, Italia… nhằm nâng cao năng suất lao động và bảo đảm chất lượng ổn định đáp ứng yêu cầu của khách hàng và thị trường.
Khát vọng phát triển bền vững
Ngày 30-1-2018, nhân dịp Bình Dương đăng cai tổ chức giỗ tổ ngành gỗ khu vực Đông Nam bộ, các DN gỗ trong vùng đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm để vượt khó để đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu 8,960 tỷ USD như mục tiêu ngành đã đề ra trong năm 2018. Tại đây, điều mà các DN trăn trở nhất là làm sao tiếp tục tăng trưởng ổn định, định hình được thương hiệu của ngành gỗ Việt Nam trên trường quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra rất nhanh chóng như hiện nay.
Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, ông Lương Ngọc Kim, Giám đốc Công ty Kim Thành A (TX.Thuận An), cho rằng trong năm 2017, ngành gỗ của Bình Dương chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ cả nước. Tuy vậy, các DN gỗ trong nước nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng trên thực tế chủ yếu là gia công cho các thương hiệu lớn trên thế giới, chưa có được những thương hiệu lớn, chưa đưa được sản phẩm trực tiếp đến khách hàng. Bên cạnh đó, ngành chế biến gỗ chưa phát triển mạnh về kỹ năng thiết kế, phát triển mẫu mã, sản phẩm mới, nắm bắt và đáp ứng kịp thời sự thay đổi thị hiếu của thị trường và còn bị động trong việc tiếp cận trực tiếp nhu cầu thị hiếu của các thị trường trên thế giới.
Nhìn nhận thực tế, lãnh đạo các DN gỗ khu vực Đông Nam bộ cho rằng, bước vào năm 2018 và giai đoạn đến năm 2020 có rất nhiều thách thức lớn đặt ra cho các DN chế biến gỗ, như nguồn gỗ nguyên liệu khan hiếm, tăng giá. Đặc biệt, Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 với xu hướng tự động hóa ngày càng cao, chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất và trí tuệ nhân tạo đang đặt ra thách thức cả trong đầu tư cho công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại, tiên tiến theo hướng tự động hóa lẫn đầu tư cho con người về yêu cầu kỹ năng quản trị bằng công nghệ thông tin, về trình độ kỹ thuật của lao động. Thêm vào đó, thị hiếu của thị trường thay đổi nhanh chóng và ngày càng phải đáp ứng nhu cầu mang tính cá nhân hóa, dẫn đến xu hướng đặt hàng với đơn hàng ngày càng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh và giá cả càng cạnh tranh.
Các DN ngành gỗ mong muốn ngành chức năng cần tạo những điều kiện thuận lợi nhất để DN gỗ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và phát triển công nghệ… để trong tương lai gần ngành gỗ cả nước nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng phát triển xứng tầm với tiềm năng sẵn có.
TIỂU MY