Doanh nghiệp FDI khởi đầu hành trình chuyển đổi xanh
(BDO) Phát triển xanh, bền vững đang là hướng đi được nhiều doanh nghiệp quan tâm để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường xuất khẩu lớn, đồng thời tối đa hóa lợi nhuận. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiên phong trong hành trình này.
Những bước tiến quan trọng
Trao đổi với chúng tôi, ông Chong Chee Keong, Giám đốc điều hành khối bất động sản công nghiệp của Frasers Property Vietnam, cho biết quá trình triển khai đã đạt được những bước tiến quan trọng. Đến nay, Khu công nghiệp (KCN) BDIP (phường Phú Tân, TP.Thủ Dầu Một) đang trên lộ trình đạt được chứng nhận công trình xanh (LEED) với các tính năng xanh hóa KCN, đặt khách hàng làm trọng tâm, chú trọng năng suất lao động và bảo đảm môi trường làm việc khỏe mạnh cho người lao động. Hiện KCN BDIP đã hoàn thành giai đoạn 1 và tỷ lệ lấp đầy đã đạt 100%, đang triển khai giai đoạn 2 nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng tìm thuê nhà xưởng đang gia tăng.
“Không những nổi bật về kết cấu và thiết kế, nhà xưởng tại KCN BDIP còn ưu tiên sử dụng vật liệu thân thiện môi trường và công nghệ xây dựng xanh, sạch, tái tạo như sơn cách nhiệt, mái lợp năng lượng mặt trời... Thậm chí khách hàng có thể tự do sáng tạo, thiết kế không gian văn phòng ngay tại khu nhà xưởng với hệ thống cửa sổ mở mang ánh sáng tự nhiên, thông thoáng”, ông Chong Chee Keong chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp tại Bình Dương đang hướng đến sản xuất xanh, phát triển bên vững. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất hiện đại tại Công ty Kolon, Khu công nghiệp Bàu Bàng
Được biết, hệ thống đèn LED lắp đặt để chiếu sáng cho toàn bộ khuôn viên KCN. Cùng với đó ứng dụng công nghệ Inverter hiện đại trong nhà máy xử lý nước thải KCN, giúp tiết kiệm 177 MWh hàng năm - tương đương trồng 2.000 cây xanh trong vòng 10 năm, giảm 138 tấn khí CO2 mỗi năm và thay thế 16 tấn than đốt mỗi năm. Các trạm sạc xe điện được lắp đặt đáp ứng nhu cầu cho các khách thuê và khuyến khích nhiều hơn các khách thuê sử dụng xe điện thân thiện môi trường trong quá trình lưu thông đến KCN. KCN BDIP còn lắp đặt các trụ công năng tích hợp có chức năng thay thế đèn đường chiếu sáng bởi sử dụng điện năng lượng mặt trời. Trụ công năng này còn có thể đo lường chất lượng không khí và hiển thị thông báo theo thực tế để tạo ra môi trường lành mạnh và an toàn hơn trong KCN.
TS Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Văn phòng Thành phố thông minh Bình Dương, khẳng định việc tăng cường đầu tư vào số hóa và từng bước chuyển đổi số cũng góp phần đáng kể cải thiện việc sử dụng các nguồn lực của doanh nghiệp, nâng cao năng suất, tăng khả năng phân tích, xử lý thông tin, giảm chi phí và thúc đẩy phân công lao động. Việc Bình Dương đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, phát triển linh hoạt giữa kinh tế số và kinh tế xanh là phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường. Chuyển dịch nhanh những lĩnh vực công nghiệp, sản xuất sử dụng nhiều tài nguyên, ít hàm lượng giá trị gia tăng sang sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có hàm lượng giá trị gia tăng cao.
Xanh hóa sản xuất
Nhà cung cấp giải pháp đóng gói và chế biến thực phẩm lớn đến từ Thụy Điển, Tetra Pak (KCN VSIP 2) dành nhiều nỗ lực cho việc phát triển bền vững trong những năm qua. Đến nay, công ty đã giảm 39% lượng phát thải khí nhà kính (GHG) trong hoạt động, với 84% năng lượng sử dụng đến từ các nguồn năng lượng tái tạo. Điều này sẽ giúp Tetra Pak tiến gần hơn đến mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 trong các hoạt động của mình vào năm 2030. Ngoài ra, việc bán 8,8 tỷ bao bì và 11,9 tỷ nắp làm từ thực vật đã giúp tiết kiệm 131 tấn CO2.
Ông Adolfo Orive, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tetra Pak, cho biết tại Việt Nam, các sáng kiến bền vững của Tetra Pak đã đạt được những thành tựu đáng kể trong 3 lĩnh vực chính là bảo vệ thực phẩm, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và chống biến đổi khí hậu. Khoản đầu tư 1,2 triệu euro vào Công ty Giấy Đồng Tiến đã giúp Đồng Tiến nâng cao chất lượng nguyên liệu tái chế và tăng công suất tái chế lên gấp đôi, gần 17.000 tấn/ năm. Không chỉ vậy, 339 tấn vỏ hộp giấy đã được thu gom cho tái chế nhờ sáng kiến hợp tác với Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) thúc đẩy hoạt động thu gom thông qua mô hình thu mua ở khu vực phía Nam. Công ty cũng lắp đặt thành công các tấm năng lượng mặt trời trên diện tích 5.900m2 mái của nhà máy sản xuất bao bì Tetra Pak Bình Dương, giúp giảm phát thải 700 tấn CO2 mỗi năm.
Tại lễ kỷ niệm hoàn thành cam kết trồng 50.000 cây tại nhà máy LEGO, ông Preben Elnef, Tổng Giám đốc LEGO Manufacturing Vietnam, cho biết tập đoàn đã hoàn thành việc trồng 50.000 cây tại khu vực nhà máy sau khi triển khai hoạt động này từ tháng 9-2022. Với số lượng cây mới được trồng gấp 2 lần số cây đã bị di dời để xây dựng nhà máy, dự án đã trồng 7 loại cây khác nhau có nguồn gốc từ Việt Nam, sự đa dạng sinh học được phát triển thuận lợi trong dài hạn. Dự án trồng cây này được hỗ trợ bởi Công ty Liên doanh KCN Việt Nam - Singapore (VSIP).
“Nhà máy LEGO tại Bình Dương được thiết kế để trở thành nhà máy bền vững nhất của tập đoàn từ trước đến nay, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững. Nhà máy lắp đặt các tấm pin mặt trời trên mái và một trang trại điện mặt trời sẽ được xây dựng trên khu đất lân cận. Năng lượng từ 2 nguồn này sẽ đáp ứng tổng nhu cầu năng lượng hàng năm của nhà máy. Nhà máy sẽ sử dụng những thiết bị sản xuất tiết kiệm năng lượng tiên tiến nhất, đồng thời các tòa nhà và quy trình sản xuất được thiết kế để giảm thiểu việc sử dụng năng lượng”, ông Preben Elnef, Tổng Giám đốc LEGO Manufacturing Vietnam, cho biết.
TIỂU MY