Doanh nghiệp được hoạt động trở lại ngay khi có phương án sản xuất an toàn
(BDO) UBND tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp (DN) sớm quay trở lại sản xuất cùng với việc có phương án bảo đảm an toàn dịch bệnh. Bình Dương đang tăng cường đẩy nhanh việc tiêm vắc xin mũi 2 cho công nhân lao động, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DN khi mở cửa lại hay chuyển đổi mô hình sản xuất. Phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương về những phương án hỗ trợ, đồng hành với DN.
Doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp cần gửi phương án về Sở Công thương, sau đó có thể mở cửa sản xuất. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Kolon Việt Nam (Cụm công nghiệp Phú Chánh, TX.Tân Uyên)
- Được biết ông vừa chủ trì cuộc làm việc với các Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương và Hiệp hội Cơ điện Bình Dương về việc mở lại sản xuất trong trạng thái “bình thường mới”. Những khó khăn lớn nào các DN đang gặp phải và kiến nghị các cấp chính quyền tháo gỡ, thưa ông?
- Hiện nay, các DN đang kiến nghị lớn nhất là việc nhanh chóng mở cửa lại sản xuất, tái lập chuỗi cung ứng, hoàn thành các đơn hàng sau một thời gian dài giãn cách. Thông qua buổi làm việc, các DN quan tâm nhiều nhất là các thủ tục để mở cửa lại sản xuất; ưu tiên nguồn vắc xin cho doanh nghiệp, quy trình xét nghiệm trong quá trình sản xuất; xây dựng các khu nhà trọ xanh. Các hiệp hội cũng kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách để đưa công nhân trở lại Bình Dương, ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động từ các tỉnh trở lại.
- Thưa ông, trên cơ sở các kiến nghị của DN, ngành công thương đã có kiến nghị như thế nào đến các ngành chức năng để nhanh chóng tạo điều kiện cho DN quay trở lại sản xuất?
- Ngay sau khi được báo cáo, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương thông báo về việc chấp thuận để DN tự chủ trong việc hoạt động trở lại sản xuất. Trên tinh thần chỉ đạo này, tất cả các DN có nhu cầu sản xuất trở lại sẽ xây dựng phương án trong tình hình mới, gửi các cấp, các ngành chức năng và triển khai ngay việc mở cửa khi bảo đảm các điều kiện an toàn. Cụ thể, DN thuộc các khu công nghiệp trên địa bàn sẽ gửi phương án cho Ban Quản lý các khu công nghiệp; DN thuộc cụm công nghiệp sẽ gửi phương án về ngành công thương; DN ngoài khu cụm công nghiệp sẽ gửi phương án về các địa phương. Sau đó mở cửa sản xuất trở lại trên cơ sở các phương án bảo đảm an toàn sản xuất trong tình hình mới. Dự kiến tỉnh sẽ có văn bản hướng dẫn chấp thuận về giao quyền tự chủ cho DN, cơ quan quản lý nhà nước chỉ hậu kiểm. Hiện Bình Dương đã cho phép các DN tự xét nghiệm và tự cấp giấy để người lao động đi lại, tạo thuận lợi tối đa cho việc di chuyển của người lao động.
- Thưa ông, liệu rằng việc trao quyền tự chủ cho DN có bảo đảm an toàn dịch bệnh trong điều kiện hiện nay?
- Tôi cho rằng trong tình hình hiện nay việc bảo vệ sản xuất không những là nhiệm vụ của các cấp chính quyền mà còn là một trong những mục tiêu sống còn của DN. Đây là yếu tố tiên quyết đến sự tồn tại của DN sau rất nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Chính vì vậy, tôi tin tưởng rằng các DN sẽ xây dựng các phương án chặt chẽ, quy trình nghiêm ngặt để bảo vệ sản xuất, bảo vệ chính DN. Việc tỉnh trao quyền tự chủ cho các DN trong điều kiện hiện nay thể hiện niềm tin lớn mà chính quyền đặt vào DN cùng với tạo điều kiện thuận lợi để các DN quay trở lại sản xuất an toàn. Vấn đề xuất hiện F0 trong nhà máy và quy trình xử lý F0 là một nội dung mà DN cần xây dựng cụ thể trong phương án tái sản xuất. Cần đưa ra phương án cách ly F0 tại các điểm an toàn, bảo đảm cho hoạt động sản xuất được duy trì trong trường hợp xuất hiện ca bệnh. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương về việc thành lập đội phản ứng nhanh ứng phó với dịch bệnh Covid-19 nhằm kịp thời tiếp nhận thông tin và hỗ trợ DN khi xuất hiện F0 trong nhà máy.
- Thưa ông, DN đang rất nóng lòng tiêm vắc xin mũi 2 cho người lao động, cùng với việc tự tổ chức xét nghiệm nhằm giảm thiểu chi phí sản xuất, vượt qua khó khăn sau đại dịch. Ngành công thương hỗ trợ như thế nào để giải quyết các vướng mắc này?
- Về vấn đề vắc xin, hiện Bình Dương vừa được phân bổ 1 triệu liều vắc xin Vero Cell của Sinopharm và số lượng lớn các loại vắc xin khác. Vì vậy, trong tháng 10, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành phối hợp với các DN đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin mũi 2 theo hướng ưu tiên cho các DN đang duy trì “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”, các DN mở cửa trở lại sản xuất. Riêng với ngành công thương, trong tuần tới chúng tôi cố gắng “phủ” vắc xin mũi 2 cho các DN thuộc ngành phân bổ. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công thương sẽ giới thiệu cho các DN tiếp cận nguồn que test từ Hàn Quốc với giá dưới 65.000 đồng/test. Nếu test mẫu “gộp 3” và với tần suất 3 ngày/lần thì chi phí cho mỗi công nhân sẽ rất thấp, giải tỏa những áp lực về tài chính cho DN. Khi tỷ lệ công nhân được tiêm 2 mũi tăng lên thì chi phí test sẽ tiếp tục giảm, những người này chỉ phải test 7 ngày/lần.
- Xin cảm ơn ông!
TIỂU MY (thực hiện)