Doanh nghiệp dốc lực tổ chức lại sản xuất
(BDO) Việc triển khai “3 tại chỗ” dù còn gặp một số khó khăn nhưng là phương án hữu hiệu trong thời điểm dịch bệnh để các doanh nghiệp (DN) vẫn duy trì sản xuất ở mức tối thiểu. Đặc biệt là những DN sau thời gian cách ly y tế vì có xuất hiện ca nhiễm Covid-19. Đây cũng là lựa chọn rất khó khăn nhưng cấp thiết lúc này.
Sản xuất tại Công ty TNHH Esquel Garment Manufacturing Việt Nam (Khu công nghiệp VSIP 1)
Duy trì thu nhập cho người lao động
Ngay sau hết thời gian cách ly y tế vì xuất hiện F0 trong nhà máy, nhận thấy việc cần làm ngay là tìm ra các giải pháp hữu hiệu để vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa duy trì được việc làm, thu nhập tối thiểu cho người lao động (NLĐ), giảm gánh nặng cho xã hội, Công ty TNHH Esquel Garment Manufacturing Việt Nam (Khu công nghiệp VSIP 1) đã tổ chức hoạt động trở lại. Hiện nay, công ty tổ chức sản xuất với 500 công nhân trên nguyên tắc bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch bệnh. Theo ông Nguyễn Minh Tâm, Giám đốc sản xuất của công ty, nguyên tắc hàng đầu là phải bảo đảm “đầu vào âm tính với Covid-19”.
Theo ông Tâm, bất cứ cá nhân, vật dụng nào cũng có khả năng chứa mầm bệnh, cho nên DN lập hàng rào chắn an toàn với người từ bên ngoài. Các vật dụng cá nhân như quần áo, chăn màn… đều được kiểm soát, khử trùng chặt chẽ, công nhân tuyệt đối không tiếp xúc với người bên ngoài. Tất cả việc kiểm tra, ký nhận chứng từ chuyển qua hình thức Zalo, camera giám sát. Để động viên, khích lệ NLĐ tham gia sản xuất “3 tại chỗ”, ngoài chế độ lương, tiền ngoài giờ đầy đủ, Công ty TNHH Esquel Garment Manufacturing Việt Nam cũng cung cấp đầy đủ 4 bữa ăn mỗi ngày, ngoài ra còn có cà phê, sữa, tạo điều kiện cho công nhân giải trí sau giờ làm việc, cuối tuần… Công ty cũng chuẩn bị cơ sở vật chất để bảo đảm giãn cách trong sản xuất, ăn uống và chỗ nghỉ của NLĐ, triển khai ngay việc lấy mẫu xét nghiệm định kỳ.
BAN CHỈ ĐẠO PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TP.THUẬN AN YÊU CẦU CÁC DOANH NGHIỆP ĐÃ CÓ CÁC CA MẮC COVID-19 TRONG QUÁ TRÌNH TRỞ LẠI SẢN XUẤT THEO PHƯƠNG ÁN “3 TẠI CHỖ” HOẶC “1 CUNG ĐƯỜNG, 2 ĐIỂM ĐẾN” PHẢI THỰC HIỆN TRIỆT ĐỂ CÁC BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN DỊCH BỆNH. |
“Hơn 2 tuần giữ được an toàn, giữ được sản xuất, thực sự rất mừng, cả lãnh đạo và NLĐ đều đã rất bình tĩnh, yên tâm, không còn thấy căng thẳng và chao đảo như những ngày đầu thực hiện”, ông Tâm chia sẻ. Mặc dù khẳng định đã giữ được “trận địa”, nhưng vị giám đốc của DN may mặc này cho biết vẫn rất mong dịch bệnh nhanh chóng qua đi để sản xuất trở lại bình thường bởi bảo đảm sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh này chi phí tăng gấp 2 lần so với bình thường.
Ông Phạm Công Phước, Giám đốc điều hành Công ty An Khang Furniture (TX.Tân Uyên) cho biết, việc thực hiện sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” sau thời gian cách ly y tế với DN là rất khó khăn. Sự đồng thuận của công nhân rất quan trọng, nếu chỉ 20 - 30% NLĐ đồng ý thực hiện thì không hiệu quả vì ngành gỗ sử dụng rất nhiều lao động. Công ty phải tổ chức 4 lần họp mới huy động được 65% công nhân. Khó khăn thứ hai là khâu tổ chức test đầu vào và duy trì test định kỳ vì chi phí khá cao. Tuy vậy, dù gặp rất nhiều khó khăn sau thời gian cách ly y tế vì có F0 trong nhà máy, công ty vẫn cố gắng tổ chức sản xuất lại theo phương án “3 tại chỗ” với mong muốn duy trì hoạt động và bảo vệ quyền lợi, cuộc sống của công nhân.
Sát cánh cùng doanh nghiệp
Việc thực hiện “3 tại chỗ” vừa đòi hỏi sự chủ động của các DN, vừa yêu cầu sự vào cuộc rất quyết liệt của các cấp, các ngành để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh. Theo ông Nguyễn Minh Tâm, ông được ngành y tế TP.Thuận An hỗ trợ rất nhiều khi quay lại sản xuất sau thời gian công ty cách ly y tế. Cụ thể, sau 3 ngày ngành y tế lại đến lấy mẫu theo định kỳ. Bộ phận quản lý cũng thường trực tại khu vực sản xuất để nhắc nhở công nhân và liên lạc với Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch Covid-19 địa phương khi có tình huống khẩn cấp. Để tránh việc lây nhiễm từ bên ngoài, NLĐ gần như tuyệt đối không có giao lưu với bên ngoài, trừ những trường hợp có bệnh mãn tính phải sử dụng thuốc chữa bệnh thì người nhà chuyển vào. NLĐ cũng không trực tiếp ra nhận thuốc men mà phải qua một quy trình an toàn riêng.
BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 TP.Thuận An liên tục kiểm tra lại, đánh giá tình hình để có những biện pháp điều chỉnh phù hợp, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe NLĐ và tạo điều kiện để DN sản xuất. Cùng với đó, địa phương yêu cầu DN phải bám sát thực tiễn, tận dụng tối đa khả năng có thể để bảo đảm “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”.
Về phía DN, ngoài việc thực hiện nghiêm các hướng dẫn về tổ chức “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến”, tiếp tục chủ động bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, tổ chức diễn tập kịch bản phát hiện có F0 trong nhà máy, chuẩn bị tâm lý cho công nhân, không để hoảng loạn khi rơi vào tình huống thực tế một lần nữa.
Theo ông Nguyễn Minh Tâm, điều đáng phấn khởi là Bình Dương từng bước đã kiểm soát được tình hình với nhiều cách làm sáng tạo. Các cấp ngành địa phương đang tăng cường lực lượng lấy mẫu, tăng công suất xét nghiệm, tổ chức tiêm vắc xin cho công nhân trong các DN. DN cũng yên tâm khi địa phương đã và đang thực hiện nghiêm giãn cách xã hội toàn tỉnh với sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của chính quyền cơ sở, lực lượng công an, tổ dân phố.
TIỂU MY