Doanh nghiệp định vị lại mô hình sản xuất, kinh doanh

Thứ ba, ngày 14/11/2023

(BDO)  Kinh tế khó khăn, nhu cầu thị trường suy giảm, việc tiếp cận đơn hàng gặp rất nhiều rào cản đang buộc các doanh nghiệp (DN) hiện nay phải định vị, cải tổ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 Sản xuất tại Công ty TNHH MTV Quang Hiệp Tiến, TP.Tân Uyên

 Thích ứng

Theo bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh, với các DN ngành dệt may, trước sự thay đổi nhanh chóng của xu hướng tiêu dùng, để “sống còn” DN phải hiểu, biết và nắm bắt nhu cầu của khách hàng, tìm kiếm giải pháp phát triển bằng chiến lược thông minh hơn. Để thành công, cần cải tiến mô hình kinh doanh, tối ưu hóa vận hành và thay đổi phương thức hoạch định, quản trị phù hợp xu thế của xã hội.

“Trong điều kiện kinh tế biến động, nhiều bất ổn và nguy cơ suy thoái, các DN thường phản ứng, đối phó bằng nhiều giải pháp khác nhau, có những DN đóng băng việc tuyển dụng nhằm cắt giảm ngân sách. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, nguồn nhân lực mới là yếu tố quyết định đến việc tồn tại. Lãnh đạo DN nên chuẩn bị kỹ năng quản lý cần thiết nhằm truyền đạt cho đội ngũ nhân sự để cùng nhau giữ vững vị thế DN của mình trong giai đoạn khó khăn này. Ngành dệt may đối mặt với nhiều biến động, nếu trong thời điểm này không “đồng cam cộng khổ”, duy trì sản xuất, khi kinh tế hồi phục sẽ không thể có được sự cạnh tranh”, bà Trang chia sẻ quan điểm.

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Bình Dương, cho rằng trong quản trị DN, điều quan trọng là làm sao cho tất cả người lao động, thành viên được tham gia vào quá trình thay đổi của DN. Đối với lĩnh vực xuất khẩu gỗ, theo ông Mai Hữu Tín hiện đang có rất nhiều triển vọng nhưng cũng đứng trước các thử thách phải thay đổi mang tính sống còn. Hiện nay, đa phần nghề gỗ đang làm gia công, sự sáng tạo trong khâu sản xuất chưa cao. Không chỉ ngành gỗ mà các ngành khác cũng phải có sự thay đổi để phù hợp với xu thế chung. Tuy nhiên, việc thay đổi diễn ra liên tục là một phần của kế hoạch, kế hoạch là phải có chỗ để thay đổi phù hợp với hiện trạng mới, đi từng bước để tới thành công.

Cụ thể hơn về việc thay đổi để bắt nhịp xu thế, ông Mai Hữu Tín nhấn mạnh, thế giới đang có sự thay đổi nhanh chóng của xu hướng tiêu dùng. DN cần hiểu biết và nắm bắt khách hàng, tìm nguồn vốn bằng chiến lược thông minh hơn. Cần cải tiến mô hình kinh doanh phù hợp, tối ưu hóa vận hành và thay đổi phương thức hoạch định, quản trị phù hợp xu thế của xã hội. Đây cũng là bài học thành công mà các tập đoàn lớn ở trong nước, trên thế giới thường xuyên triển khai, áp dụng.

Tạo cơ chế phát triển

Mới đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, ông Mai Hữu Tín thông tin đến thời điểm này, một trong những nguyên nhân các DN trong nước không có nhiều đơn hàng là do lượng hàng tồn của khách hàng nước ngoài còn khá lớn, do đó, nhu cầu xuất khẩu thấp. Cùng với đó, thị trường bất động sản “đóng băng” đã kéo theo khó khăn của hàng loạt các ngành nghề liên quan như xây dựng, sản xuất nguyên vật liệu, ngành chế biến gỗ… Tuy nhiên, ông Mai Hữu Tín nhận định: “Với việc Bình Dương phối hợp mở rộng ga Sóng Thần thành ga liên vận quốc tế là cơ hội rất lớn cho các DN trong việc kết nối và phân phối lượng hàng hóa đối với các nước khối ASEAN, Trung Quốc và châu Âu.”

Các DN, hiệp hội ngành hàng cũng đã nêu những khó khăn, vướng mắc, đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đa số các kiến nghị liên quan đến thủ tục hành chính, phòng cháy chữa cháy, thuế, vướng mắc của các dự án bất động sản, chính sách di dời cơ sở sản xuất, nhà máy theo quy hoạch của tỉnh. Cùng với đó là cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp, việc thẩm định giá, quy hoạch chung của các địa phương, phân tuyến giao thông đối với phương tiện vận tải hàng hóa…

Bà Trương Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách tỉnh mong muốn Nhà nước quan tâm hơn trong các lĩnh vực đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Có chương trình hành động cụ thể nhằm nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại, giúp DN phát huy lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh ở các thị trường mà nước họ chưa ký kết các hiệp định. Cần đẩy mạnh cải thiện hạ tầng logistics, thủ tục hành chính để giảm chi phí vận chuyển, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa…

“DN sẽ phải tìm cách thích ứng trước, nhưng trong bối cảnh hiện tại, DN rất cần sự rõ ràng, minh bạch về chính sách, dự báo về tình hình kinh tế trong nước, thế giới trong ngắn hạn cũng như dài hạn để xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp. DN cũng cần các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ xúc tiến thương mại, khoa học công nghệ, tư duy phù hợp bối cảnh mới”, bà Trương Thúy Liên cho biết.

Cũng theo bà Trương Thúy Liên, những DN giày da trong nước quy mô còn nhỏ, để vượt qua khó khăn, tham gia vào thị trường cần hỗ trợ từ chính sách thật đơn giản. Đồng thời, các cấp, các ngành cần có chính sách hỗ trợ để DN thực hiện các kế hoạch tái cơ cấu, sắp xếp lại mô hình kinh doanh nhằm bắt kịp với tốc độ phát triển của công nghệ, thị trường”.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Ngoài các vấn đề cấp bách như giảm thuế, phí, hỗ trợ lãi suất, thị trường tiêu thụ… trong kế hoạch trung và dài hạn, các DN mong muốn việc tái cấu trúc, hướng tới phát triển bền vững cần được quan tâm hoạch định.

 TIỂU MY - CẨM TÚ