Doanh nghiệp dệt may: Dồn dập nhận đơn hàng
Chưa hết năm nhưng phần lớn các doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may xuất khẩu đều đã ký xong hợp đồng cho hai quý đầu năm sau.
Không còn lo không có việc, các doanh nghiệp cho biết hiện đang cân nhắc rất kỹ đối tác trước khi ký hợp đồng với mức giá tăng hơn ít nhất 10-15% so với năm 2010.
May quần jean xuất khẩu tại Công ty cổ phần May Sài Gòn 3
Không lo thiếu việc
Chốt giá theo từng quý
Theo ông Phạm Xuân Hồng - Phó Chủ tịch Vitas, việc các doanh nghiệp ký được hợp đồng dài hạn “có mặt lợi mà cũng có mặt thiệt”. Về thuận lợi, ngoài việc ổn định tâm lý cho người lao động là có việc làm dài hạn, các doanh nghiệp cũng ổn định về kế hoạch sản xuất trong năm của mình.
“Nhưng cũng sẽ thiệt thòi trong trường hợp thị trường biến động, giá thị trường có thể tăng lên” - ông Hồng phân tích. Vì vậy, “tốt nhất nên ký hợp đồng thỏa thuận dài hạn cho điều khoản “năng lực sản xuất” và chỉ chốt giá cho các hợp đồng theo từng quý chứ không nên ký dài hạn”.
Tính đến đầu tháng 12-2010, Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 đã ký xong hợp đồng đến tháng 6-2011 với tổng giá trị lên đến 50 triệu USD cho khoảng 5 triệu sản phẩm quần jean xuất sang Nhật. So với cùng kỳ năm 2010, hợp đồng hai quý đầu năm 2011 của công ty này tăng đến 20% về lượng, khoảng 20% về đơn giá thực hiện. “Các nhà đặt hàng đã tìm đến rất sớm. Họ mong muốn các hợp đồng được ký nhanh để ổn định sản lượng cho mùa làm ăn mới” - bà Kim Hồng, phòng kinh doanh công ty, nhận xét.
Bà Lê Thị Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần may Phương Đông, cho biết tính đến tháng 5-2011, hợp đồng Phương Đông tròm trèm 5 triệu sản phẩm may mặc các loại. “Đơn hàng năm nay rất nhiều, lại ký sớm nên chúng tôi phải cân đối năng lực để nhận hợp đồng” - bà Thanh phấn khởi.
Tại nhiều công ty dệt may lớn khác như Việt Tiến, Nhà Bè, Phong Phú, Gia Định, Thành Công, Thắng Lợi, Việt Thắng..., đơn đặt hàng trong năm 2011 đều tăng so với năm 2010 không dưới 15%. “Chúng tôi đã chuẩn bị cho mùa hàng mới. Sau khi nhà đặt hàng duyệt sản phẩm thiết kế mẫu sẽ tổ chức sản xuất ngay” - ông Phan Văn Kiệt, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty may Việt Tiến, nói.
Riêng khối doanh nghiệp tư nhân cũng không còn lo cảnh thiếu việc như hai năm trước. “Chỉ sợ không có người làm chứ việc thì ê hề” - bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Giám đốc Công ty TNHH may Minh Châu, phấn khởi nói. Hiện công ty của bà đã ký xong hợp đồng sản xuất 200.000 sản phẩm, đủ việc cho hơn 200 công nhân của doanh nghiệp này sản xuất đến quý 1-2011. Những doanh nghiệp có quy mô khoảng 500-2.000 công nhân đều mạnh dạn nhận hợp đồng đến hết quý 2-2011, thậm chí ký luôn các thỏa thuận cho hai quý còn lại của năm không một chút đắn đo.
Chuyển hướng sang VN
Theo các chuyên gia trong ngành, sở dĩ năm 2011 các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may có được hợp đồng sớm là do tình trạng các nhà đặt hàng chuyển hướng từ Trung Quốc sang VN đang tăng rất mạnh. “Họ tìm thấy sự tin tưởng về chất lượng tay nghề, giá cả phù hợp cho sản phẩm đạt chuẩn chất lượng quốc tế với tiến độ giao hàng đúng hạn nên các doanh nghiệp sản xuất VN đang được đánh giá rất cao” - ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, nhấn mạnh.
Điều đáng nói là giá trị thặng dư của nhiều doanh nghiệp dệt may cũng tăng rất nhanh. Theo tính toán của bà Kim Hồng, trong khoảng 65 triệu USD xuất khẩu ước thực hiện của năm 2010, phần nguyên phụ liệu nhập khẩu từ nước ngoài chỉ khoảng 25 triệu USD, chiếm khoảng 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, phần còn lại sử dụng nguyên phụ liệu trong nước.
So với năm ngoái, tỉ lệ nhập khẩu nguyên phụ liệu đã được Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 giảm ít nhất 10-15 triệu USD, điều này có nghĩa giá trị gia tăng của doanh nghiệp cũng tăng theo mức tương ứng do nâng tỉ lệ sử dụng nguyên phụ liệu trong nước.
Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN (Vitas), với kim ngạch xuất khẩu của năm 2010 ước trên 11 tỉ USD, giá trị ngoại tệ thực hưởng sau khi trừ nguyên liệu nhập khẩu của toàn ngành năm nay ước tăng ít nhất 18%, đạt ít nhất trên 4,5 tỉ USD. Một trong những lý do khiến giá trị thặng dư tăng ở mức hai con số, theo ông Giang, là nhiều doanh nghiệp chuyển sang thực hiện hợp đồng theo giá FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) tăng cao, tỉ lệ thực hiện các đơn hàng có giá trị cao cũng tăng trên 17%...
Theo Tuổi Trẻ