Doanh nghiệp đẩy mạnh hợp tác chuyển đổi xanh

Thứ sáu, ngày 15/11/2024

(BDO)  Để vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp đang tích cực liên kết, hợp tác tham gia vào cuộc đua chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Trong cuộc đua này, doanh nghiệp nào đi trước sẽ có nhiều thuận lợi hơn.

 Dây chuyền sản xuất xanh tại Nhà máy Lego Việt Nam

 Phát huy mô hình cộng sinh, liên hoàn

Hiện nay, trong cả nước có nhiều doanh nghiệp (DN) liên kết thực hiện mô hình cộng sinh (DN cùng hoặc khác nhóm ngành hợp tác để tạo vòng tuần hoàn sinh thái, giảm phát thải và tối ưu hóa tài nguyên), mô hình tuần hoàn (các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường), tái sử dụng nước thải, chất thải, mang lại những lợi ích là giảm chi phí, tốt cho môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, thêm cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

 Thực hiện chính sách EPR, chúng tôi mong muốn không chỉ tạo ra giá trị cho DN mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng và xã hội. Đây là một bước tiến quan trọng, khẳng định trách nhiệm của chúng tôi đối với xã hội Việt Nam ngày càng phát triển hơn”.

(Ông Phạm Văn Nam, Giám đốc khối Cấp cao kiêm Giám đốc Hành chánh - Nhân sự, Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam)

Điển hình, mới đây Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam và Công ty TNHH Giấy Kraft Vina (TP.Bến Cát) đã tổ chức lễ ký kết hợp tác thu gom, tái chế bao bì giấy. Ông Phạm Văn Nam, Giám đốc khối Cấp cao kiêm Giám đốc Hành chánh - Nhân sự, Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam, chia sẻ: “Acecook Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện các hoạt động hướng đến phát triển bền vững trong quy trình sản xuất và quản lý của mình, nhằm góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu tác động đến môi trường. Việc thực hiện chính sách EPR (Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất là cách tiếp cận của chính sách môi trường, theo đó trách nhiệm của nhà sản xuất một loại sản phẩm được mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó) không chỉ giúp Acecook Việt Nam tuân thủ quy định, mà còn thểhiện cam kết mạnh mẽ của chúng tôi trong việc bảo vệ môi trường và giảm thiểu chất thải”.

Theo ông Sompob Witworrasakul, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giấy Kraft Vina, việc triển khai chính sách EPR sẽ giúp các DN đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường. Do đó, EPR sẽ mở ra cơ hội cho sản phẩm Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc (TP.Thủ Dầu Một), cho biết: “Để giữ vững thương hiệu, chúng tôi tiếp tục đầu tư nghiên cứu, mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Tuy nhiên, việc duy trì và phát triển thương hiệu quốc gia đòi hỏi không ngừng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, cải tiến quy trình sản xuất, bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế nhằm thúc đẩy phát triển bền vững. Chúng tôi mong muốn có sự hỗ trợ từ phía các cấp, các ngành nhằm thúc đẩy tiến trình tham gia chuyển đổi xanh của DN”.

Tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp

Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích chuyển đổi công nghệ hình thành các nhà máy thông minh để phát triển xanh. Ngoài chính sách của Trung ương, tỉnh Bình Dương cũng tạo nhiều cơ hội để DN tham gia vào chuỗi cung ứng xanh.

 Pin mặt trời đang được nhiều DN quan tâm, đầu tư sử dụng

Ông Jesper Hassellund Mikkelsen, Phó Chủ tịch cấp cao khối sản xuất châu Á Tập đoàn Lego (Đan Mạch), kiêm Tổng Giám đốc Nhà máy Lego Việt Nam (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III), khẳng định: “Nhà máy được thiết kế để sử dụng năng lượng hiệu quả và không tạo ra rác thải chôn lấp, với hơn 12.400 tấm pin mặt trời áp mái được lắp đặt trong năm 2024. Khi quy mô sản xuất mở rộng, chúng tôi sẽ cần nhiều năng lượng tái tạo hơn so với lượng điện năng tạo ra từ hệ thống pin mặt trời áp mái. Chúng tôi cần tìm kiếm các phương án khác nhau để bảo đảm nguồn cung năng lượng sạch, chẳng hạn như tham gia cơ chế DPPA (cho phép khách hàng sử dụng điện có cam kết hoặc mục tiêu sử dụng năng lượng sạch, phát triển bền vững tiếp cận và mua trực tiếp một lượng điện từ một đơn vị phát điện năng lượng tái tạo thông qua một hợp đồng song phương dài hạn có giá và thời hạn hợp đồng do hai bên thỏa thuận và thống nhất). Trên hành trình này, chúng tôi cần tìm hiểu, trao đổi với các đối tác liên quan tại Việt Nam”.

Theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương, muốn tham gia vào sản xuất xanh nhanh và hiệu quả, các DN, hợp tác xã phải ứng dụng công nghệ để chuyển đổi số. Ngành công thương đang tích cực hỗ trợ các DN vừa và nhỏ đầu tư vào chuyển đổi số, sản xuất xanh để tạo thuận lợi cho DN. Về phía DN, cần có sự chủ động tiếp cận các nguồn vốn cho những dự án chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đểbắt nhịp được với sự phát triển chung.

 TIỂU MY - CẨM TÚ