Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài: Khai thác thế mạnh, tăng đà khôi phục sản xuất, kinh doanh

Thứ sáu, ngày 22/10/2021

(BDO) Từ đầu tháng 10-2021, bên cạnh việc tập trung phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh đã tranh thủ sự hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của địa phương, đẩy mạnh khôi phục sản xuất, kinh doanh, đóng góp duy trì đà tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

 Nhiều doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh đã trở lại hoạt động. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Uchiyama Việt Nam (KCN VSIP I)

 Tăng trưởng trong khó khăn

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh, trong 9 tháng năm 2021, các KCN thu hút được 2,11 tỷ USD, tăng 151% so với cùng kỳ và đạt 176% so với kế hoạch năm. Trong đó, cấp mới 37 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 416 triệu USD, giảm 46,38% về số dự án, tăng 13,63% về số vốn so với cùng kỳ; 75 lượt dự án điều chỉnh tăng thêm vốn đầu tư gần 1,7 tỷ USD, tăng 257,66% về vốn so với cùng kỳ. Nhà đầu tư Singapore, Đài Loan, Samoa, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc)… có vốn đầu tư cao nhất trong số các quốc gia/ vùng lãnh thổ đầu tư vào KCN thời gian qua.

Các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh 9 tháng năm 2021 của các DN trong các KCN cũng tăng so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, doanh thu đạt 21,3 tỷUSD, tăng 3,25% và đạt 60,88% kế hoạch năm; kim ngạch xuất khẩu đạt 14,95 tỷUSD, tăng 2,75% so với cùng kỳ và đạt 59,82% kế hoạch năm; kim ngạch nhập khẩu đạt 14,09 tỷUSD, tăng 1,85% so với cùng kỳ và đạt 70,49% kế hoạch năm; thuế và các khoản nộp ngân sách đạt 319,64 triệu USD, tăng 1,75% so với cùng kỳ và đạt 60,31% kế hoạch năm. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, nhưng các DN FDI đã khắc phục khó khăn, bảo đảm được số lượng chuyên gia, người làm việc cần thiết tại các phân xưởng, nhà máy để duy trì hoạt động.

Không thể phủ nhận, tác động của đại dịch đến sản xuất, kinh doanh của DN FDI trên địa bàn tỉnh là nghiêm trọng, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, làm đứt dòng tiền kinh doanh. Tình hình xuất khẩu bị gián đoạn tại các thị trường xuất khẩu chủ lực, như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Trung Quốc, đặc biệt là việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào một số ngành may mặc, da giày, chế biến gỗ… Nhiều DN phải giảm quy mô nhưng vẫn kiên trì sản xuất an toàn bằng phương án “3 tại chỗ”.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, cho biết dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng giữ được mức tăng trưởng khá cao. Trong 9 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu hơn 4,6 tỷ USD, trong đó, khu vực kinh tế có vốn FDI xuất siêu hơn 2,7 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu của DN FDI 19,84 tỷ USD, tăng 25,6%. Các DN FDI trên địa bàn tỉnh đã dần tháo gỡ những khó khăn và đang ổn định, khôi phục sản xuất.

An toàn hoạt động

Các DN FDI có nhiều kinh nghiệm trên thị trường thế giới, bạn hàng truyền thống rất đông, dày vốn. Bên cạnh sự hỗ trợ của tỉnh, của Chính phủ, còn có sự hỗ trợ từ chính quốc, DN FDI có thêm điều kiện để tiếp tục sản xuất. Đặc biệt, ngay sau hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với DN để cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế, không khí lao động sản xuất mới đã lan tỏa trong cộng đồng DN. Mới đây nhất là Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đã đưa ra những biện pháp phòng, chống dịch bệnh áp dụng thống nhất trên toàn quốc được nhiều DN hoan nghênh, đồng tình ủng hộ.

 “Cùng với việc hỗ trợ, thúc đẩy tái khởi động sản xuất, kinh doanh, các KCN trong tỉnh cũng chủ động trong thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tiếp cận, tìm kiếm thị trường đầu tư mới. Trước mắt, các KCN tiếp tục triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN, nhằm tái khởi động hoạt động sản xuất, kinh doanh sau khi dịch cơ bản được kiểm soát. Trong đó, tiếp tục hỗ trợ các DN FDI đưa các chuyên gia, lao động nước ngoài đến địa bàn làm việc, hỗ trợ, tuyển dụng lao động địa phương...”

(Ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh)

Ông Michel Bertsch, Giám đốc Công ty TNHH Geuther Việt Nam, KCN Mỹ Phước 3, cho biết: “Trong thời gian giãn cách, 200 nhân viên công ty đã phải thực hiện “3 tại chỗ”. Tuy gặp nhiều khó khăn và chi phí cao, nhưng ít nhất chúng tôi có thể tiếp tục sản xuất với công suất khoảng 60 - 70%. Ngay sau khi tỉnh nới lỏng giãn cách và hỗ trợ phục hồi sản xuất, công ty đang khẩn trương tập trung nhân công, đề ra giải pháp thích ứng, nỗ lực đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch đặt ra của cả năm 2021”.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, khẳng định: “Bình Dương luôn quan tâm, đồng hành với DN trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ DN ổn định sản xuất, kinh doanh, tạo đà phát triển. Để bảo đảm điều kiện thuận lợi cho DN FDI trên địa bàn, tỉnh đang chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai hàng loạt giải pháp hỗ trợ DN thực chất và hiệu quả. Trong đó, tỉnh tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút dòng vốn FDI mới; đẩy nhanh các thủ tục liên quan để hình thành dự án, khu, cụm công nghiệp mới, tạo điều kiện để nhà đầu tư, DN được tiếp cận, thụ hưởng các chính sách ưu đãi”.

 NGỌC THANH